Trường đại học tự chủ tài chính, có thể nói là bước tiến lớn trong cơ sở vật chất nhưng điều đáng nói ở đây vẫn là "gánh nặng" học phí đè lên vai các sinh viên.
Mới đây trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn vừa thông báo chuyển sang chế độ tự chủ, với cương vị là một trường học phí rẻ trong khối Đại học Quốc gia giờ đây Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cũng nối gót nhiều "anh em" thành viên tăng học phí để nâng cao cơ sở vật chất cũng như chất lượng giảng dạy của trường.
Nội dung liên quan
Không chỉ riêng Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn mà rất nhiều trường đại học ở TP.HCM phần lớn đều đã tự chủ tài chính và dần chuyển mình đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư thiết bị trong giảng dạy. Tuy có nhiều mặt tích cực là thế nhưng nhiều sinh viên lẫn gia đình vẫn tỏ ra lo ngại trước khoản học phí tăng chóng mặt như thế.
Tự chủ tài chính sinh viên hưởng lợi gì?
Một khi được tự chủ tài chính, các trường đại học sẽ chủ động hơn trong chương trình đào tạo, công tác tuyển chọn nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng và liên kết quốc tế. Luôn chú trọng đầu tư và phát triển cả về nhân lực và vật lực nhằm thu hút sinh viên.
Với rất nhiều ưu điểm đó sinh viên chắc chắn sẽ nhận về nhiều lợi ích trong học tập. Có được không gian thoải mái hơn, thầy cô giảng dạy chuyên môn, có nhiều điều kiện để nghiên cứu học tập,...đương nhiên với khoản đầu tư lớn hơn thì kết quả nhận về sẽ chất lượng hơn là điều dễ hiểu.
Tự chủ tài chính không song hành chất lượng đào tạo
Chúng ta đều biết muốn thay đổi cả hệ thống giảng dạy với quy mô lớn là một quá trình cần rất nhiều thời gian và nguồn nhân lực. Đối với những trường bước đầu tự chủ trong những năm gần đây, đặc biệt là nằm trong khối Đại học Quốc gia thì vấn đề "đổi mới" vẫn là dấu chấm hỏi lớn.
Cần bao nhiêu thời gian mới đạt được mục tiêu đổi mới và liệu có đảm bảo chất lượng như đã cam kết hay không?. Với lẽ đó, nhiều sinh viên vẫn còn chờ đợi nhìn thấy bước tiến mới của trường trong tương lai tuy rằng học phí thì vẫn tăng gấp đôi…
Xu hướng chuyển sang hình thức tự chủ đang dần nở rộ và các trường đều đua nhau "thay áo mới". Nhưng trên thực tế với những kế hoạch đề ra có vẻ "sáng lạng" tuy nhiên nhiều trường đại học vẫn còn khá chậm trễ trong việc từng bước chuyển mình. Gặp khó khăn vì chưa có chính sách cơ chế đủ mạnh để thực hiện tự chủ, cơ sở vật chất chưa đảm bảo để nâng cao chất lượng, lương thưởng và các chế độ ưu đãi khác vẫn chưa thực hiện như lời đã "hứa".
Đây là thực tiễn vẫn đang diễn ra và làm rất nhiều sinh viên tỏ ra không hài lòng bởi số tiền họ đóng mỗi kỳ đều không sót một đồng nào nhưng cái họ nhận được lại không như mong muốn. Chúng ta cần có kế hoạch "đổi mới" phù hợp và kịp thời để đáp ứng nhu cầu cho cả sinh viên và giảng viên, có như thế mới không xuất hiện nhiều bất cập và nhanh chóng nâng cao dân trí nước nhà.
Chọn trường vì học phí rẻ nhưng giờ lại tăng gấp đôi
Có thể nói học phí là một trong những yếu tố quan trọng với nhiều sinh viên khi chọn trường đại học, nhiều người muốn học tại trường có cơ sở vật chất tốt hơn như các trường tư có học phí cao nhưng vì điều kiện gia đình không cho phép nên phải chọn trường có học phí thấp như các trường công lập.
Nhưng hiện tại thì gần như học phí của trường nào cũng thuộc mức từ khá cao đến rất cao. Nếu các trường lúc trước được xếp vào diện học phí rẻ thì bây giờ các tân sinh viên phải xem xét thật kỹ lưỡng để chọn lựa trường học phù hợp vì đôi khi với mức tiền đó chỉ cần đầu tư một chút chúng ta hoàn toàn có thể học ở một trường tư như bình thường.
Tình huống trái ngang diễn ra khi các trường công lập như Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn lần lượt đều tự chủ làm sinh viên "khóc thét" khi học phí tăng gấp hai lần thậm chí là hơn thế với những chương trình chất lượng hơn. Với tiêu chí ban đầu là học phí rẻ giờ đây nhiều sinh viên phải gánh lấy áp lực nặng nề mang tên "tăng học phí".
Nguồn: TH&PL