Sự ra đi bất ngờ của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo không chỉ là nỗi mất mát lớn với người dân Nhật Bản mà còn là đối với nhân dân Việt Nam và quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Chiều 8/7/2022, thông tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát đã khiến cả nước Nhật Bản rung chuyển, đồng thời gây bàng hoàng cho dư luận quốc tế. Nhắc đến Shinzo Abe là nhắc đến vị Thủ tướng nỗ lực "hồi sinh" nền kinh tế Nhật Bản sau nhiều thập kỷ trì trệ với chính sách Abenomics nổi tiếng.
Ngoài ra, ông còn đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên mặt trận ngoài giao, khi là người vun đắp mối quan hệ bền chặt với Washington, đồng minh truyền thống của Tokyo, cũng như đóng vai trò trung gian giải quyết căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Riêng với Việt Nam, đất nước mà ông có tình cảm rất đặc biệt, ông Abe được nhớ đến như là nhà lãnh đạo Nhật Bản thăm Việt Nam nhiều nhất, tổng cộng 4 lần trong 8 năm cầm quyền, cũng như những cố gắng tăng cường hợp tác chiến lược giữa hai nước.
Vị thủ tướng 4 lần thăm Việt Nam
Ông Abe lần đầu đến Việt Nam trên cương vị thủ tướng vào tháng 11/2006 để tham dự hội nghị APEC tại Hà Nội, chỉ hai tháng sau khi ông nhậm chức. Trong chuyến thăm, quan hệ hai nước đã được xác định là mối quan hệ "hướng tới đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á". Trước đó, vào năm 1993, ông Abe cũng đã đến thăm Việt Nam trong tư cách là một nghị sĩ của đảng Dân chủ Tự do.
Vào tháng 1/2013, ông Abe đã chọn ngay Việt Nam là nước đầu tiên ông đến thăm cho chuyến công du nước ngoài sau khi ông tái đắc cử tổng thống. Đến năm 2017, ông Abe có hai lần sang thăm Việt Nam. Lần đầu là vào tháng 1, khi ông sang thăm chính thức và là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam trong năm đó. Lần thứ hai là vào tháng 11, khi ông đến Đà Nẵng để tham dự hội nghị APEC.
Nội dung liên quan
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước giới truyền thông Việt Nam vào năm 2019, ông Abe đã từng nhắc tới sự đón tiếp nồng ấm của chính phủ và người dân khi ông tới thăm đất nước Việt Nam.
Thủ tướng Abe chia sẻ rằng: "Trong ấn tượng của người Nhật Bản, dân tộc Việt Nam là dân tộc rất cần cù, thông minh, tính kiên nhẫn cao và đặc biệt tình cảm của người Việt Nam rất ấm áp". Có lẽ, những ấn tượng như vậy về Việt Nam là một trong những lý do để vị thủ tướng có thời gian tại nhiệm dài nhất trong lịch sử Nhật Bản bày tỏ: "Tôi rất muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước".
Hành động thiết thực
Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam và để lại nhiều dấu ấn đậm nét ở gần như mọi mặt trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Cụ thể, từ năm 2014 đến 2018, Nhật Bản tài trợ khoảng 280 triệu USD vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA), hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nhân lực, môi trường và hành chính công, trở thành quốc gia tài trợ vốn ODA lớn nhất của Việt Nam.
Nội dung liên quan
Nhật Bản cũng là nhà đầu tư có tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều thứ hai tại Việt Nam (lũy kế), là đối tác du lịch thứ ba của Việt Nam, và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Trên trường quốc tế, Việt Nam và Nhật Bản cũng phối hợp chặt chẽ trong chương trình nghị sự ở Liên Hiệp Quốc, ASEAN, hợp tác sông Mekong… Về vấn đề an ninh, Nhật Bản cũng hỗ trợ Việt Nam tích cực và hiệu quả, như hỗ trợ lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam, mà gần nhất là việc xúc tiến dự án giao 6 tàu tuần tra cho Việt Nam và Nhật Bản đã ký một thỏa thuận cho vay 345 triệu USD để hiện thực hóa cam kết đó.
Đáng chú ý, Thủ tướng Abe đã mời lãnh đạo Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng vào năm 2016 và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) với tư cách khách mời đặc biệt của nước chủ nhà vào năm 2019. Đây đều là những lần đầu tiên Việt Nam tham dự các diễn đàn có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn như G7 và G20.
Không dừng lại ở đó, với tinh thần nhân văn và chia sẻ, chủ trương linh hoạt và mở cửa, Thủ tướng Abe là người đưa ra chính sách tăng cường tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Tính riêng năm 2018, đã có 70.000 thực tập sinh Việt Nam tới đất nước mặt trời mọc. Qua đó, rất nhiều người Việt Nam đã có cơ hội làm việc tại Nhật Bản, nhiều gia đình đã thoát nghèo, nhiều địa phương cũng có thêm nguồn lực cho phát triển.
Nội dung liên quan
Đáng chú ý, trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Chính phủ Nhật Bản của Thủ tướng Abe cũng đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động Việt Nam tại nước này như: trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt giống như các công dân Nhật Bản; hỗ trợ điều trị cho các thực tập sinh Việt Nam không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2; cho phép các thực tập sinh hết hạn hợp đồng tiếp tục làm việc cho đến khi có chuyến bay về nước…
Từ những đóng góp kể trên, có thể thấy, cựu Thủ tướng Abe Shinzo là người có công to lớn vào việc phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực và quốc tế. Người dân Việt Nam sẽ luôn nhớ tới Thủ tướng Shinzo Abe đáng kính, một chính khách vĩ đại, một người bạn lớn của Việt Nam.
Nguồn: TH&PL