Công thức / Nhạc Tết

Tết đến, không chỉ học sinh mới có "bài tập về nhà" bởi một số nhân vật như Hứa Kim Tuyền, Huỳnh Hiền Năng, Phan Mạnh Quỳnh,... nói chung là cả V-Pop đều nhận một "bài tập" giống nhau: tính toán, cân đo để cho ra bài nhạc Tết hay nhất có thể.

Trước năm 2017, nhắc đến những bài hát ngày Tết, phần lớn V-Pop và Việt Nam nói chung chỉ nghĩ tới những ca khúc nhạc truyền thống, những giai điệu đã đi sâu vào trong tâm trí của "toàn dân".

Thế rồi, một nhóm nghệ sĩ quyết định thử một ý tưởng mới, một giai điệu lạ, và chúng ta có một bài hát với giai điệu dí dỏm, duyên dáng để nghe mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Kể từ thời điểm đó trở đi, nhạc Tết trở thành một món ăn tinh thần cho giới trẻ. Và món ăn nào cũng cần một "công thức" chung.

Cộng thật nhiều "từ khóa"

Từ khóa đầu tiên và quan trọng nhất đối với nhạc Tết là... "Tết". Trong chính bài hát Bao Giờ Lấy Chồng, chữ "Tết" xuất hiện trong câu chuyện đầu năm của Bích Phương một cách tự nhiên, vừa đủ, cùng với giai điệu vui tươi nhí nhảnh tạo nên một bản hit cho Tết năm 2017 và cũng tạo nên một hình ảnh Bích Phương mới lạ, được nhiều người yêu mến.

Cùng năm đó, bộ đôi JustaTee và BigDaddy bước ra cuộc thi âm nhạc với một bài rap bắt tai mang tên Về Nhà Ăn Tết.

Hoàn cảnh và nội dung ra đời của bài hát gắn liền với cuộc thi, nhưng sức hút của bài hát - nhờ vào music video đầy lôi cuốn và có sự đầu tư cao - thì cũng đã kéo dài cho tới tận ngày nay. Nhiêu đó đã là đủ để từ khóa "Tết" xuất hiện nhiều hơn trong V-Pop từ đó đến nay.

Các bài nhạc Tết bắt đầu trở nên phong phú hơn khi các nhạc sĩ bỏ nhiều chất xám vào trong lời nhạc, đưa thêm những từ khóa có liên quan đến Tết và thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, như "chuyện cũ", "trở về", "cùng nhau",...

Một số từ khóa đã chứng minh được sức mạnh của nó khi trở thành một góc đề tài để khai thác trong nhạc Tết của các năm, và tạo sự gắn bó đối với các bài nhạc mới cho nhiều khán giả.

Những từ khóa lặp lại trong một số bài hát cũng là cơ hội để làm tăng giá trị thương mại cho các bài hát đó. Nếu bình thường, yếu tố quảng cáo giúp nghệ sĩ có điều kiện thực hiện những ý tưởng do chính họ sáng tạo nên, thì với một bài nhạc Tết, việc tăng giá trị thương mại qua những "từ khóa" của "nhà tài trợ" cũng giúp cho các bài nhạc Tết bớt nhàm chán và... "một màu".

Chính yếu tố "từ khóa" cũng giúp nhạc Tết ngày nay khác so với nhạc Tết của thời xưa, cũng như các chủ đề khác mà âm nhạc Việt Nam đang khai thác. Một bài nhạc Tết được thực hiện MV, đăng tải lên các nền tảng phát nhạc trực tuyến và các mạng xã hội là công sức của không chỉ nhạc sĩ, ca sĩ mà còn của đội ngũ sáng tạo của các đơn vị có nhu cầu truyền thông.

Danh sách các từ khóa cho nhạc Tết đã, đang và sẽ được bổ sung theo từng năm. Cũng như xu hướng "gắn thẻ" nhạc Tết sẽ còn tiếp diễn.

Nhân lên các "vòng lặp"

Những bài nhạc Tết thời xưa chưa có được sự "gắn thẻ" mà nhạc Tết thời nay đang trải qua. Nhưng có một điểm mà âm nhạc Tết của các thế hệ đều chia sẻ: giai điệu vui tươi, lặp đi lặp lại, đặc biệt là ở phần điệp khúc.

Sẽ không nhiều ca khúc nói về mùa xuân, lễ Tết có được sự bay bổng như Khúc Giao Mùa - một trong những nhạc phẩm tuyệt đẹp cho khoảnh khắc giao thừa (cũng cần nói thêm, Khúc Giao Mùa không thực sự dành cho Tết Việt Nam vì lời của bài hát mang tính khái quát khá cao).

Thay vào đó, nhiều bài nhạc Tết từ xưa đã được thừa hưởng những yếu tố pop với các "vòng lặp" giai điệu đã in sâu vào trong trí ức nhiều người như Lắng Nghe Mùa Xuân Về, Hoa Cỏ Mùa Xuân, Ngày Tết Quê Em, Mùa Xuân Ơi!,... Khi V-Pop bước sang nửa sau của thập niên 2000, những ca khúc này đã trải qua nhiều lần làm mới với các phiên bản khác nhau.

Những ca khúc nhạc Tết của ngày nay chắc chắn không thể vượt ra ngoài khuôn mẫu đó. Sự thịnh hành của nhạc EDM, rồi nhạc rap khiến các vòng lặp trở nên rõ rệt hơn.

Những năm nhạc EDM phát triển, Con Bướm Xuân của Hồ Quang Hiếu là một trong những bài nhạc Tết áp dụng cấu trúc của nhạc EDM theo cách thành công nhất. Giai điệu của bài nhạc quá đơn giản để trình diễn theo cách thông thường, và những âm thanh điện tử đầy sôi động giúp bài hát mang không khí rộn ràng hơn bao giờ hết.

Và cho đến khi nhạc rap nhờ Rap Việt mà trở nên phổ biến tới nhiều góc độ trong xã hội, thì năm 2021 vừa qua cho thấy sự thích nghi nhanh chóng của nhạc rap vào cấu trúc của các bài nhạc Tết.

Trúc Nhân mời gọi được Ricky Star vào trong ca khúc Ai Chuyện Cũ Bán Không; GDucky cảm nhận được giá trị của nhạc Tết với bài Ting Ting Là Tết Về; và JustaTee cùng Đen làm nên "siêu phẩm" mang tên Đi Về Nhà - một bài hát sẵn sàng phá vỡ quy luật "từ khóa" trong nhạc Tết để chinh phục được người nghe nhạc hiệu quả hơn.

Chia cho ba hoặc bốn

Một câu chuyện "tất nhiên" khác của nhạc Tết là, hiếm khi các nghệ sĩ tự mình làm nên một ca khúc mừng không khí Tết.

Các sản phẩm nhạc Tết hiệu quả nhất thường là những sự ghép đôi, ghép ba hoặc ghép bốn (tất nhiên, những sản phẩm đông hơn cũng có thể cho hiệu quả tương tự, nhưng ít được thực hiện hơn do chính lịch trình của các nghệ sĩ).

Việc "lập đội" để làm nhạc không phải là điều quá xa lạ với các nghệ sĩ trẻ của V-Pop, đặc biệt là các nghệ sĩ mới nổi.

Một ví dụ khá rõ ràng là ca khúc Tết Real Khum do bộ tứ MCK - Wowy - hnhngan - Masew bắt tay sản xuất mới đây; người đóng vai trò sản xuất, người có nhiệm vụ hát phần điệp khúc, người có nhiệm vụ... giới thiệu bài hát (không ai khác ngoài "lão đại" Wowy), gần như ai cũng có nhiệm vụ của mình.

Đây chính là một yếu tố thường thấy trong việc sản xuất các bài nhạc EDM. Khi âm nhạc trở nên hiện đại hơn, các DJ, nhà sản xuất với vai trò là người tạo dựng ý tưởng, sáng tạo và mix các loại âm thanh để làm nên "món ngon" cho người nghe cũng xứng đáng được "credit" ngay đằng sau tên ca khúc. Và với một "món ăn" hấp dẫn như nhạc Tết, giới làm nhạc điện tử không thể đứng ngoài cuộc chơi.

Những "bộ ba", "bộ tứ" đã có nhiều lần làm việc với nhau sẽ dễ dàng hơn trong việc bắt tay vào làm một sản phẩm âm nhạc mang không khí Tết, nhưng cũng không quá khó để những phong cách âm nhạc xa lạ được biết đến nhau từ những dịp như thế này. Một tiêu chí được đặt ra là "càng đông càng vui" (tất nhiên, trong khả năng tài trợ của các thương hiệu) để ca khúc được đông đảo người nghe đón nhận.

Biết đâu đấy, qua một, hai mùa nhạc Tết, chúng ta có thể thành lập nên nhiều nhóm nhạc, ban nhạc hơn thì sao ta?

Trừ những "thử nghiệm" lỗi

Để tạo ra một bài nhạc Tết hay, những người làm nhạc không chỉ học hỏi từ những thành công mang tính chuyên môn mà họ đạt được. Một bài nhạc Tết được lên ý tưởng từ cách thời điểm "chính hội" 1,2 tháng, trên tinh thần mang những vẻ đẹp trong âm nhạc của một hay nhiều cá nhân và thổi vào đó sức sống, không khí của mùa xuân, những ngày lễ hội.

Tức là khi sáng tác một ca khúc nhạc Tết, các ca sĩ, nhạc sĩ cũng đã cân nhắc, nhìn lại những sự chưa hiệu quả trong âm nhạc của mình và điều chỉnh, cải thiện, thậm chí là loại bỏ những điểm chưa hiệu quả đó để "bài tập Tết" của mình đạt "điểm" cao nhất trong lòng công chúng nghe nhạc.

cong thuc nhac tet - anh 0

Chẳng hạn, âm nhạc Bích Phương thường lệ sẽ có nhiều ca từ, câu nhạc hơi... "bất bình thường" để thể hiện cá tính âm nhạc của cô cũng như cộng sự là Tiên Cookie.

Nhưng khi làm nên những ca khúc Tết trong vài năm trở lại đây, Bích Phương cùng ekip luôn cố gắng tiết chế, điều chỉnh sao cho những sự "bất bình thường" trong âm nhạc của mình trở thành nét điểm xuyết, giúp tôn thêm cho phần điệp khúc vui tươi, nhí nhảnh và mang không khí Tết ngập tràn.

cong thuc nhac tet - anh 0

Vì thế mà, trong số các nữ ca sĩ trẻ của V-Pop hiện nay, Bích Phương vẫn được tín nhiệm thể hiện các ca khúc Tết.

Đối với nam ca sĩ, chúng ta có JustaTee - một anh chàng bước ra từ underground, hiểu rõ thế mạnh và điểm yếu của mình, để qua nhiều ca khúc nhạc Tết của anh, chúng ta được "lả lướt" theo giai điệu độc đáo và không phải nghe những câu từ nhiều sự "sến sẩm", "ẩn ý" như khi anh làm việc với các thành viên của SpaceSpeakers.

Tất nhiên, dù có cẩn thận hết sức, không phải bài nhạc Tết nào cũng sẽ thành công và đạt được độ lan tỏa cần thiết. Những trường hợp đó không phải ai cũng nhìn ra, nhưng với thế hệ nghệ sĩ của V-Pop hiện nay, họ luôn biết cần cải thiện điều gì để cho tốt hơn.

Mỗi năm một lần tận hưởng

Mỗi mùa Tết đến, khi khán giả tận hưởng những ca khúc nhạc Tết đầy sôi động và đa sắc màu do V-Pop mang đến, các ca sĩ, nhạc sĩ cũng đang tìm kiếm nhiều cách hơn để tận dụng giá trị của những bài nhạc Tết do chính họ sáng tác, thể hiện.

Câu chuyện "quảng cáo", vật chất với âm nhạc là một câu chuyện tương đối thú vị và thường xuyên tạo tranh cãi trong cộng đồng những người làm nhạc và nghe nhạc Việt. Không phải ai cũng thích nghe nhạc quảng cáo, và ở đầu bên kia của quy trình sản xuất, không ít người e ngại phải "bán mình" cho những hợp đồng tài trợ và làm nhạc với mục đích thương mại đặt lên cao hơn.

Tuy vậy, việc sản xuất một ca khúc nhạc Tết ghi dấu trong tâm trí người nghe cũng là một thành tích đáng tự hào với bất kỳ ai tham gia vào quy trình đó. Hẳn đối với nhiều nghệ sĩ, họ xem việc làm nhạc Tết như một niềm vui nho nhỏ để mỗi năm được tận hưởng một lần.

Vì thế nên khi Tết sắp đến gần, việc của chúng ta là nghe nhạc và dành sự ủng hộ cho những ca khúc chất lượng. Đó cũng sẽ là một cách để ngày càng nâng cao chất lượng nghệ thuật và giải trí mà V-Pop có nhiệm vụ mang đến cho công chúng.

Công thức / Đen Vâu

Công thức / Tóc Tiên

Công thức / Ngô Kiến Huy

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ