Chủ kênh Luật sư Hà đã có những phân tích cụ thể về các trường hợp định thêm tội danh đối với bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái - cha ruột của nạn nhân.
Vào sáng ngày 21/7, Tòa Gia đình và người chưa thành niên thuộc Tòa án Nhân dân TP.HCM đã tiến hành xét xử công khai vụ án bé gái 8 tuổi tên N.T.V.A bị mẹ kế bạo hành đến tử vong tại căn chung cư ở quận Bình Thạnh. Bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, quê ở Gia Lai) bị truy tố tội "Giết người", "Hành hạ người khác" và bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) bị truy tố tội "Hành hạ người khác", "Che giấu tội phạm".
Thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn đã công bố quyết định hoãn phiên tòa xét xử vụ án hình sự bé gái 8 tuổi bị bạo hành với lý do: Cần giám định thương tích, tỷ lệ tổn thương cơ thể gây tra cho bị hại trong các ngày 7, 10,11 và 12, tháng 12 năm 2021. Các bị cáo sẽ tiếp tục bị tạm giam để chờ các phiên tòa xét xử tiếp theo.
Nội dung liên quan
Nói về việc tạm hoãn phiên xét xử, Luật sư Hà cho biết căn cứ theo điều 84 của Bộ luật Tố tụng hình sự, luật sư hoàn toàn có quyền đưa ra yêu cầu tiến hành giám định lại. Mục đích của việc giám định lại trong vụ mẹ kế bạo hành bè gái 8 tuổi nhằm xác định lại mức độ thương tật của bị hại vào các ngày 7, 10, 11 và 12, tháng 12 năm 2021 để có cơ sở chuyển tội danh của người cha - bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái từ "Hành hạ người khác" sang "Giết người".
Với trường hợp cố ý trực tiếp, cần chứng minh được việc người cha - bị cáo Trung Thái thấy trước được hậu quả, thấy trước được hành vi và mong muốn hậu quả xảy ra. Cụ thể đó là trong các ngày 7,10,11,12 có sự xuất hiện của người cha và người cha cũng có hành vi tác động vật lý dẫn đến hậu quả đau lòng.
Nội dung liên quan
Còn trong trường hợp cố ý gián tiếp, cần chứng minh việc người cha thấy trước được hậu quả, thấy trước được hành vi và không mong muốn nhưng vẫn để mặc hậu quả xảy ra. Tức là trong những ngày diễn ra hành động phạm tội có sự xuất hiện của người cha. Dù người cha không trực tiếp tác động vật lý nhưng khi nhìn thấy được "mẹ kế" - bị cáo Quỳnh Trang tác động vật lý với bé V.A, anh không ngăn cản mà để mặc cho hậu quả xảy ra.
Sau khi có kết quả giám định chứng minh việc gây ra thương tích với bé V.A được thực hiện vào các ngày diễn ra hành động phạm tội thì mới có đủ cơ sở để kết tội "Giết người" quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự. Nếu như có thể chứng minh những yếu tố trên thì bị cáo hoàn toàn có thể bị kết án theo Khung 1 với các mức án cao nhất là phạt tù 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Nguồn: TH&PL