Mối quan hệ với gia đình ở một bộ phận Gen Z đang bị “mắc kẹt” trong một chiếc hộp khó thoát ra được.
Không biết từ bao giờ, một bộ phận người trẻ thu mình lại và dần mất kết nối với gia đình. Họ không tìm thấy tiếng nói đồng điệu giữa những người cùng "hộ khẩu". Thậm chí, giữa những người thân thuộc mà đâu đó vẫn tồn tại một khoảng cách vô hình quá lớn. Không cãi vã, không trò chuyện - một sự im lặng bao trùm lên từng thành viên.
Mất kết nối với gia đình - có rất nhiều lý do để giải thích cho vấn đề này
Một bộ phận người trẻ ngày nay bên ngoài thì vui vẻ, ở nhà thì buồn bã vô hồn. Không biết từ bao giờ, đột nhiên có một loại bao hành lại xuất hiện trong một gia đình - bạo hành với nhau bằng cách im lặng. Bằng tất cả những lý do như không thoải mái nói chuyện, không hợp nhau, cảm thấy cần thời gian nghỉ ngơi… Một vài bạn trẻ hợp lý hóa cho việc ngừng giao tiếp của bản thân với những người thân trong gia đình.
Có lẽ điều này cũng xuất phát từ nhiều lý do khác nhau.
Theo điều tra cho thấy ở Việt Nam, có đến 47,3% trẻ vị thành niên thích tâm sự với ngươi ngoài và đối tượng trẻ tâm sự nhiều nhất là bạn bè. Con trẻ cho rằng: "Lúc khó khăn cảm thấy nói chuyện với người ngoài dễ hơn nói với người trong gia đình". Điều này cho thấy mức độ gắn kết giữa bố mẹ - con cái mang tính lỏng lẻo trong việc chia sẻ các mối quan tâm, lo lắng. Bố mẹ chưa phải là người mà con cái tin tưởng để trò chuyện, tâm sự và tìm kiếm sự trợ giúp khi gặp khó khăn.
Hiện nay, nhiều người trẻ ngại tiếp xúc với gia đình của mình. Điều này có thể là do bản thân họ còn tự ti, thiếu sự tin tưởng hoặc mất kết nối với gia đình. Mặc khác, cũng có thể không tìm thấy sự hòa hợp giữa các thành viên do khoảng cách thế hệ quá lớn.
Chia sẻ về vấn đề này, bạn Mẫn Du, 20 tuổi, hiện đang sinh sống tại TP.HCM tâm sự: "Mình thường hay nhốt mình trong phòng khi ở nhà, chỉ những lúc ăn cơm mới ló mặt ra ngoài. Mình không thể tâm sự hay than vãn những vấn đề của mình với bất kỳ ai trong gia đình vì do khoảng cách thế hệ nên ba mẹ cứ nghĩ mình thôi phồng vấn đề nào đó lên. Nhưng đó là những vấn đề mà mình đang gặp phải. Theo thời gian, mình luôn sự kết nối với gia đình và tự giải quyết mọi thứ".
Ngoài ra, cùng sự phát triển ngày một đi lên của xã hội, con người bị cuốn vào guồng quay của công việc. Hầu hết thời gian một ngày chỉ dành cho công việc và nghỉ ngơi chứ không dành nhiều thời gian cho con cái hay gia đình. Bên cạnh đó, sự phát triển của các thiết bị công nghệ Internet đã trở thành rào cản giữa các thành viên với nhau.
Thay vì cùng nhau nói chuyện sau một ngày làm việc thì họ dùng thời gian ấy để online, chơi game, chat chit với bạn bè. Khi mà mọi thứ dễ dàng kết nối với nhau qua một công cụ. Mọi cảm xúc, suy nghĩ được bày tỏ quá dễ dàng trên mạng xã hội nên người ta đi tìm sự đồng điệu trên những mối quan hệ ảo. Chưa kể đến yêu cầu về nghề nghiệp ngày càng khó khăn, đòi hỏi kỹ năng cao, bằng cấp, trình độ ngoại ngữ khiến con người cứ mải miết chạy theo mà bỏ quên mất gia đình của mình.
Cuộc sống này sẽ trở nên rất tệ hại nếu giữa chúng ta và gia đình mất đi sự kết nối
Sống càng lâu với những người thân, chúng ta đã mặc định rằng họ phải hiểu hoàn toàn về mình. Chúng ta coi đó là một "khiếm khuyết" trong mối quan hệ nếu người thân không hiểu mình. Có một điều rất mâu thuẫn rằng chúng ta đều cộc cằn với người thân và nhu mì với người lạ.
Vì trong không gian của mối quan hệ, chính sự gần gũi lâu ngày cho phép chúng ta nổi cáu và biết sẽ không có "hình phạt" nào. Còn với người xa lạ, thử nổi cáu lên đi và hậu quả có thể rất khó lường: một cú đấm, một lời xúc phạm hay nhiều điều khủng khiếp hơn.
Barbara đã từng nói rằng: "Ở điểm cuối của cuộc đời, bạn sẽ không bao giờ nuối tiếc chuyện không vượt qua thêm một bài thi, chiến thắng thêm một tranh chấp, hay hoàn thành thêm một việc kinh doanh. Bạn sẽ nuối tiếc đã không sử dụng thời gian để ở bên cạnh vợ chồng, bạn bè, con cái, hay cha mẹ mình". Gia đình dù cho có ra sao cũng là nơi bến đỗ bình yên nhất của một con người. Cuộc sống này sẽ trở nên rất tệ hại nếu giữa chúng ta và gia đình mất đi sự kết nối.
Mỗi người hãy tự mở lòng mình, hãy giải phóng mình trước rào cản vô hình của khoảng cách. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như phụ giúp gia đình công việc nhà, cùng ăn nhiều hơn một bữa cơm nhà, tạo một vài điều bất ngờ hay tâm sự một vài câu chuyện.
Đừng nghĩ nó quá khó khăn. Hãy bắt đầu kể từ những chuyện nhỏ nhặt nhất như ngày hôm nay của bạn thế nào. Dần dần, bạn sẽ học được cách trò chuyện với bố mẹ của mình. Tương tự với việc nhờ sự giúp đỡ trong học tập từ anh chị, bố mẹ cũng sẽ cho bạn những lời khuyên rất quý giá.
Nguồn: TH&PL