Bỏ học đại học: một lần "xé nháp" cho những quyết định tuổi trẻ?

Chán học đại học đang trở thành một câu chuyện thường niên xảy ra ở những người trẻ.

Đang học dở đại học bỗng thấy chán, bạn sẽ làm gì? Nghỉ để đi làm, chuyển qua ngôi trường khác mà bản thân cho là phù hợp hơn, hay cố nốt để tiếp tục việc học còn đang dang dở của mình?

Tình trạng chán nản, muốn nghỉ học, hoặc cảm giác mình không phù hợp với môi trường giáo dục Đại học để rồi băn khoăn không biết nên lựa chọn gì tiếp theo là hoàn toàn phổ biến trong giới sinh viên đang ngồi trên giảng đường. Anh Minh (Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ rằng các bạn sinh viên năm 2, năm 3 thường là nhóm đối tượng có suy nghĩ này, thậm chí có những bạn chỉ mới là sinh viên năm nhất. “Mình có không ít bạn bè quyết định nghỉ học giữa chừng rồi gap year, đi đây đi đó, một số không dám quyết định nghỉ hẳn thì giảm thời gian học trên trường lại rồi ra ngoài trải nghiệm, nỗ lực cân bằng giữa chuyện đi làm và đi học, hoặc đăng ký các chương trình trao đổi sinh viên.”

bo hoc dai hoc mot lan xe nhap cho nhung quyet dinh tuoi tre - anh 0

Chán lên giảng đường, lý do từ đâu?

Thực tế cho thấy hàng năm, các trường Đại học đều công bố danh sách rất dài những cái tên bị đình chỉ học hoặc cảnh báo học vụ do nghỉ quá nhiều. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy có tồn tại một bộ phận sinh viên cảm thấy chán nản khi đi học.

Từng là sinh viên bị cảnh báo học vụ trong quá khứ, Trung Hiếu (cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa TP. HCM) cho biết: “Mình từng rất háo hức khi mới bước chân vào cánh cửa Đại học, nhưng càng đi học, mình nhận ra bản thân không hợp với môi trường này do tính chất hàn lâm và chương trình học quá nặng. Mình cảm thấy chán việc học và chuyển sang làm kinh doanh. Bỏ học quá nhiều khiến mình phải gánh hậu quả là bị cảnh báo học vụ.”

bo hoc dai hoc mot lan xe nhap cho nhung quyet dinh tuoi tre - anh 0

Một trong những nguyên nhân thường được các bạn trẻ đưa ra mỗi khi giải thích lý do cho việc chán lên giảng đường là lựa chọn sai ngành. Ở Việt Nam, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh thường không được đầu tư đúng cách. Học sinh lớp 12 thường chỉ được giới thiệu sơ qua về các ngành nghề trong thời gian vài tháng trước khi kỳ thi Đại học bắt đầu.

Không những vậy, một số thầy cô chuyên trách lại không nắm vững thông tin về nghề hoặc không có kinh nghiệm trong việc chia sẻ nên dẫn tới việc các bạn thường chọn đại các ngành mà mình cảm thấy thích hoặc chạy theo số đông. Điển hình là các ngành như ngân hàng, kinh tế, ngoại thương,... luôn là lựa chọn hàng đầu của các sĩ tử nhưng liệu có mấy ai đủ đam mê và khả năng để thực sự theo đuổi nó. Việc thiếu năng khiếu hoặc hứng thú đối với ngành học sẽ khiến sinh viên nhanh chóng cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc. 

bo hoc dai hoc mot lan xe nhap cho nhung quyet dinh tuoi tre - anh 0

Lý do thứ hai là do chương trình học. Có thể thấy rằng phần kiến thức trong chương trình đại học thường khá hạn chế, thậm chí nhiều trường còn rất nặng phần lý thuyết hoặc các môn đại cương. Với đặc thù các ngành như kinh tế hay ngân hàng, thị trường bên ngoài luôn thay đổi nhưng việc cập nhật chương trình học hàng năm là cực kỳ hạn chế.

Một số môn học thậm chí còn có tính chất lặp lại với khối kiến thức đã được nhận từ cấp 3, gây nên tâm lý nhàm chán cho sinh viên. Bên cạnh đó, rất nhiều sinh viên cảm thấy đuối sức vì không có khả năng tự nghiên cứu do nội dung học đôi lúc khá hàn lâm. Hậu quả, nhiều bạn muốn rời ghế giảng đường vì không thể theo kịp chương trình. 

bo hoc dai hoc mot lan xe nhap cho nhung quyet dinh tuoi tre - anh 0

Sinh viên dành quá nhiều thời gian để đi làm cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến việc các bạn cảm thấy chán đi học. Bên cạnh một số sinh viên buộc phải ra ngoài đi làm mới có đủ tiền trang trải cho việc học thì lại có khá nhiều sinh viên đi làm với mong muốn cọ xát với thực tế từ sớm. Tuy nhiên, việc đi làm quá nhiều khiến các bạn không thể cân bằng thời gian và sắp xếp lịch học hợp lý. Hơn nữa, nhiều người cảm thấy rằng họ học được nhiều hơn từ việc đi làm do đó dần cảm thấy việc đến trường không còn cần thiết nữa.

Khi đã chán rồi, vậy học tiếp đại học hay bỏ?

Mỗi người sẽ có một lựa chọn khác nhau để giải quyết. Không có lựa chọn nào là sai hay đúng, chỉ là ta cần nên xem xét để nhìn ra cách chọn nào là phù hợp nhưng vẫn để lại một con đường tươi sáng cho tương lai. Trong trường hợp chán học đại học, hầu như chỉ có hai con đường cho các bạn lựa chọn. Đó là bỏ học để bắt đầu một con đường khác, hoặc tiếp tục cắn răng chịu đựng cho đến khi tốt nghiệp ra trường. 

Đối với những người quyết bỏ học đại học, bạn cần phải xác định được rằng chặng đường phía trước cần phải làm gì? Nếu bạn chỉ nghỉ vì chán trường học mà không biết mình sẽ làm gì tiếp theo, thì bạn chỉ là một kẻ đang cố bỏ chạy khỏi trường học. Bạn bỏ chạy vì sợ hãi và rảnh rỗi chứ không phải vì để đổi lấy một cơ hội làm việc khác để bước đi. Nhiều bạn trẻ quyết định nghỉ học để làm điều mình thích. Tuy vậy, thực tế cho thấy không phải sở thích nào cũng đủ khả năng nuôi sống bạn. Nếu sở thích của bạn có thể tạo ra giá trị, và có người sẵn lòng trả tiền cho giá trị đó, thì hãy cứ mạnh dạn bước vào đời rồi tập trung phát triển cho nó. Bởi khi tạo ra được giá trị, thì cho dù bạn đang ở đâu, cho dù bạn có học đại học hay không, thì bạn vẫn sẽ thành công. 

bo hoc dai hoc mot lan xe nhap cho nhung quyet dinh tuoi tre - anh 0

Khi bạn nghỉ học, bạn sẽ phải lao ngay lập tức vào đời mà không có phương tiện. Nó được xem là khá quan trọng trong xã hội Việt Nam ngày nay: đó chính là bằng cấp. Khi bạn thiếu mất đi phương tiện ấy rồi, bạn buộc sẽ phải xoay sở nhiều cách để tìm ra lợi thế cho mình. Ở đây, kỹ năng tự học là vô cùng quan trọng. Nghỉ học Đại học không có nghĩa là ngừng học. Rời môi trường sư phạm tức là sẽ không còn ai bắt buộc ta phải học, chỉ dạy ta cái này cái kia, tất cả mọi thứ bản thân đều phải tự lực mày mò. Do đó, nếu thiếu kỹ năng tự học, các bạn trẻ sẽ rất khó để tìm ra con đường thành công cho mình.

Việc tiếp tục con đường học tập cũng là một quyết định dũng cảm không kém việc bỏ học đại học. Bởi việc trở lại làm những điều mà mình đã không thích sẽ đem lại cảm giác cực kỳ khó chịu và bức bối. Chúng ta không chỉ nên theo những bài học trên giảng đường mà còn có thể mày mò học hỏi thêm những điều khác. Nhiều người vẫn tiếp tục học đại học nhưng không dành quá nhiều thời gian cho nó.

bo hoc dai hoc mot lan xe nhap cho nhung quyet dinh tuoi tre - anh 0

Hơn một nửa quỹ thời gian, họ dùng để trải nghiệm công việc bên ngoài, đi tình nguyện, du lịch, phát triển dự án cộng đồng,... Chính lựa chọn đó đã giúp họ tự xây dựng cho mình sự cân bằng giữa công việc, học tập cũng như tạo lập nên những kỹ năng mềm tối quan trọng - thứ giúp bất kỳ ai có thể tồn tại trong cuộc sống này. 

Bỏ học đại học: Nghỉ vì đua đòi hay thực sự là do bản thân cảm thấy không hợp?

Xã hội ngày càng phát triển, đồng nghĩa với việc con người luôn được chu cấp đầy đủ những nhu cầu của mình. Điều này dẫn tới vấn đề chung của khá nhiều bạn trẻ gen Z: “Cả thèm chóng chán." Việc bỏ học đại học cũng nằm trong số đó khi rất nhiều bạn quyết định bỏ học chỉ vì thấy chán dù mới chỉ là năm 1. 

Đại học là môi trường khá khác biệt so với những năm tháng yên bình ở cấp trung học, cũng bởi vì thế mà nhiều người thường nói :”Đại học chính là xã hội thu nhỏ." Ở đây, các bạn sẽ phải học cách xây dựng những mối quan hệ với những đồng môn và giảng viên, học cách hòa hợp trong môi trường đa tỉnh thành, thậm chí là đa quốc gia với lối sống, văn hóa khác biệt. Các bạn vốn đã quen với việc được cầm tay chỉ dạy kỹ lưỡng từ cấp 3, bỗng chuyển qua môi trường buộc phải tự lực nên dễ rơi vào trạng thái mất kiên nhẫn, dễ nản chí khi gặp khó khăn. Và các bạn cảm thấy đại học thật chán ghét.

bo hoc dai hoc mot lan xe nhap cho nhung quyet dinh tuoi tre - anh 0

Trên thực tế, nhiều người bỏ học đại học chỉ vì thấy bạn bè xung quanh ai cũng bỏ. Không những thế, các bạn còn nghĩ rằng những người thành công trên thế giới như Bill Gates hay Steve Jobs dù nghỉ học mà vẫn thành công đó thôi. Tuy nhiên, đừng quên rằng, họ nghỉ học nhưng không dừng học. Steve Jobs nghỉ trên trường nhưng vẫn lựa chọn các kiến thức mà mình yêu thích và cần thiết cho sự phát triển của Apple đó thôi. Không đi học trên trường, thì họ vẫn phải học từ xã hội, từ công việc. Như vậy, bỏ học Đại học không có nghĩa là bỏ học hẳn, mà các bạn cần nhận ra con đường học nào là phù hợp với mình nhất. 

Gen Z nói gì về việc chán học đại học?

Bỏ học hay học tiếp là câu hỏi vô cùng khó với một bộ phận bạn trẻ ngày nay, vậy hãy xem, chính những người trong cuộc đó nghĩ gì khi họ buộc phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn như vậy:

bo hoc dai hoc mot lan xe nhap cho nhung quyet dinh tuoi tre - anh 0

Khánh An (Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng): “Bản thân mình nếu chán thì ngừng ngành đó lại nhưng không có nghĩa là bỏ học. Mình sẽ chọn thi lại ngành khác mà mình yêu thích và cảm thấy hài lòng với quyết định đó. Ở xã hội vẫn còn trọng bằng cấp như Việt Nam thì mình thấy Đại học vẫn là bệ phóng an toàn nhất cho tương lai của mình.”

Minh Quang (Đại học Khoa học Tự nhiên -TP.HCM): "Với những ai còn năm 1, năm 2 nếu chán nản thì các bạn có thể ngừng để tìm kiếm con đường khác cho bản thân. Nhưng nếu đã là sinh viên năm cuối rồi thì mình nghĩ vẫn nên học nốt. Làm gì cũng nên làm đến cùng, vả lại đến thời điểm này, nếu bạn chọn dừng lại chắc chắn sẽ nhận lại phần thiệt nhiều hơn."

Thúy An (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Hà Nội): “Đại học đối với mình không chỉ là nơi để học kiến thức mà còn là nơi xây dựng được nhiều mối quan hệ quý báu và là “bản nháp” cho xã hội bên ngoài. Mình từng quyết bỏ nhưng sau một thời gian suy nghĩ lại, mình vẫn theo vì mình cho rằng dù ở đâu bản thân cũng sẽ học hỏi thêm được điều gì đó. Giải pháp của mình là giảm thiểu thời gian học trên trường lại rồi ra ngoài đi làm, đi đây đi đó, trải nghiệm cho tuổi trẻ thêm vui.”

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ