Thần đồng Sử học Phước Vinh: 'Không thể sống với đam mê bằng một cái bụng đói'

Từ năm học 2022 - 2023, thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn đối với học sinh THPT. Vấn đề này đang gây khá nhiều tranh cãi trong cộng đồng học sinh.

đã kết nối với "Thần đồng Sử học" Lê Nguyễn Phước Vinh, với tư cách là một người trẻ có đam mê và yêu thích môn Lịch sử, Phước Vinh đã có những quan điểm khá thiết thực về vấn đề này.

picture

Lê Nguyễn Phước Vinh

Được mọi người biết đến thông qua chương trình Siêu Trí Tuệ Việt Nam, Phước Vinh (2005) đã gây ấn tượng đặc biệt với khả năng ghi nhớ dữ kiện sử học đồ sộ và được mọi người yêu mến gọi là "Thần đồng sử học".

Sử không thể so bì được với Lý, Hóa, Sinh, Toán về cơ hội mang lại thành công và tiền tài, nhưng...

Sau Siêu Trí Tuệ Việt Nam, cuộc sống của Vinh hiện tại như thế nào?
Cuộc sống xung quanh em có chút thay đổi và được mọi người chú ý nhiều hơn. Những thành tựu đã đạt được đã tạo ra một số cơ hội nhưng đi kèm với đó cũng là trách nhiệm.

Hiện tại, mục tiêu của em vẫn là cố gắng hoàn thiện bản thân để sẵn sàng cho tương lai sau này, đồng thời cố gắng tận hưởng và làm điều mình thích khi thời gian vẫn còn cho phép.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Lịch sử sẽ trở thành một môn học tự chọn. Dưới góc độ là một học sinh cấp 3 và có một tình yêu lớn với môn Sử, em cảm thấy như thế nào về vấn đề này?
Khác với các môn như Lí, Hoá, Sinh thì Lịch Sử là một môn học gắn liền với bản sắc và văn hoá của dân tộc. Thay vì mạnh tay cải cách, hay thậm chí là làm một cuộc cách mạng về cách dạy học, chương trình học và tư duy tiếp cận, thì Bộ lại đưa ra phương án cho làm môn tự chọn.

Nhìn sang các nước đồng văn Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, thậm chí cả những quốc gia bên kia bán cầu như Mĩ thì lịch sử cũng là một môn bắt buộc suốt chương trình giáo dục 12 năm. Nước Anh đã từng thay đổi cách tiếp cận môn Lịch Sử từ năm 1972, nay cũng phải quay lại dạy Sử theo cách truyền thống trong khoảng 10 năm trở lại. 

Theo em thấy, hiện nay, khi tương tác giữa môn học Lịch Sử - học sinh vẫn còn trong tình trạng báo động ở nhiều khía cạnh, việc đưa Sử trở thành môn tự chọn có thể sẽ là một bước lùi lớn của giáo dục Việt Nam.

Sử về cơ bản không thể so bì được với những môn Lí, Hóa, Sinh, Toán về cơ hội mang lại thành công và tiền tài trong xã hội ngày nay. Vì vậy nếu đưa Sử trở thành môn tự chọn thì đây có thể là một bước "xóa sổ" môn học này và những nội dung, kiến thức của nó trong cộng đồng.
than dong su hoc phuoc vinh khong the song voi dam me bang mot cai bung doi - anh 0
Hiện đang là học sinh lớp 11, em vẫn cảm thấy “ổn” với chương trình học hiện tại hay cảm thấy cần thay đổi như chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT?
Với cá nhân em, một sự thay đổi mạnh mẽ và sâu rộng cần được thực hiện để cải thiện chất lượng chương trình học nói riêng và tình trạng trì trệ, thoái hóa của ngành giáo dục nói chung.

Riêng đối với môn Sử, em vẫn còn nhớ một câu nói rất hay trong chương trình Trường Teen: "Học sinh chỉ chán học Lịch sử trên trường chứ không học sinh nào chán lịch sử dân tộc".

Từ đó, em thấy việc thay đổi tư duy tiếp cận, cách dạy và chương trình, đồng thời tích cực vận động đưa lịch sử lên phim ảnh theo một hướng phù hợp với xã hội hiện đại có lẽ là một giải pháp khả thi để các bạn học sinh không còn chán học sử nữa.
Với một "thần đồng Sử học" như em, thì môn học này có gọi là "khó nuốt" như đa số các bạn học sinh khác cảm nhận?
Lịch sử đúng là một môn học khó. Nhưng riêng đối với em thì lịch sử còn là niềm đam mê, vì vậy sẽ có nhiều phần và nhiều nội dung dễ học hơn so với các bạn khác. 
Vậy chăng, phải có niềm đam mê mới học được Lịch sử?
Thật ra thì ngay từ đầu, em cũng chỉ “tình cờ” tiếp cận môn Lịch Sử khi mới 6, 7 tuổi. Đó là một quãng thời gian đôi khi trở nên vô vị vì "không có việc để làm", vậy nên em đọc Sử đơn giản như một công cụ để “giết thời gian”.

Vì Lịch Sử có rất nhiều “câu chuyện”, và em rất thích đọc truyện, nên đó là lý do mà môn học này trở nên cuốn hút với em. 

Phần lớn kiến thức lịch sử của em có được là nhờ đam mê và động lực tìm hiểu, khám phá mà ra. Sắp xếp các sự kiện, nội dung theo những nhóm như thời gian và địa điểm xảy ra cũng là một cách để em đơn giản hóa việc ghi nhớ. Trong những trường hợp đặc biệt thì Short Memory cũng là một giải pháp cho việc ghi nhớ cấp tốc. 

"Không thể sống với đam mê bằng một cái bụng đói"

Vậy theo em, điều gì ở môn Lịch sử làm cho nhiều học sinh cảm thấy sợ và học không vô? Em có "bày" ra cách nào để giúp các bạn học sinh yêu môn học này?
Về cơ bản, đó là tư duy tiếp cận của các bậc làm giáo dục, là cách dạy và chương trình dạy. Tư duy tiếp cận của một thế hệ sinh ra và lớn lên trong điều kiện khó khăn, khi mà tư tưởng “học vẹt” (phương pháp học đã được chứng minh là sai lầm về lâu dài) vô cùng phổ biến.

Cách dạy khô khan, hiếm khi vượt ngoài giáo trình, còn chương trình giáo dục vẫn còn nhiều ảnh hưởng từ chính trị, định hướng một chiều không tạo ra đủ không gian để các bạn có thể “hoạt động”, “tranh luận”. Thay vào đó phần lớn chỉ có thể thụ động tiếp thu.

Thực sự thì ở một vị trí như em, rất khó có thể nghĩ ra một “cách” để giúp số đông yêu thích môn học này, vì với em Lịch Sử là đam mê cá nhân. Bộ nên “chiều lòng” dư luận trong việc làm “cách mạng” ngành giáo dục, thay đổi toàn diện từ tư duy tiếp cận cho đến cách dạy và chương trình học, vì đó là thứ mà nhiều người đã thúc đẩy và đòi hỏi trong suốt những năm qua. Nhưng vì chưa được thực hiện nên vẫn không thể biết được đó có phải là phương án đúng đắn hay không. 
Nhiều nội dung về lịch sử trở nên viral trên nền tảng TikTok. Nhiều bạn trẻ không ngại bình luận: “Học lịch sử 12 năm không bằng 1 phút lướt TikTok”. Em có ủng hộ việc phát triển nội dung về lịch sử theo cách gần gũi với giới trẻ như vậy? 
Đưa Lịch Sử đến giới trẻ theo những hình thức gần gũi, sống động, mới mẻ đương nhiên là một điều tốt. Chỉ có điều cần phải lưu ý rằng vẫn có những phần nội dung có thể bị ảnh hưởng từ cảm quan của người truyền đạt. Việc có chính kiến, cách nhìn nhận riêng về những sự kiện lịch sử là một điều vô cùng quan trọng.
than dong su hoc phuoc vinh khong the song voi dam me bang mot cai bung doi - anh 0
Ngày nay cũng có nhiều nhà sáng tạo nghệ thuật sử dụng chất liệu lịch sử để làm âm nhạc, phim ảnh để dễ tiếp cận với người trẻ. Bản thân em có thấy cuốn hút và học được kiến thức lịch sử qua văn hoá đại chúng như vậy?
Phim ảnh và âm nhạc cũng là một cách để trau dồi kiến thức về lịch sử. Tất nhiên chúng ta vẫn nên đối chiếu một số chi tiết trong sản phẩm nghệ thuật để so với chính sử vì không ít trường hợp tình tiết thay đổi để phù hợp với mục đích của những tác phẩm ấy. Hoặc đơn giản là để dễ tiếp cận hơn so với giới trẻ. Nếu như không tự tìm tòi lại thì kiến thức sẽ dễ bị sai lệch. 
Nếu như người trẻ không muốn học qua sách vở thì học ở đâu? Cách tiếp cận lịch sử ra sao cho thú vị? 
Một yếu tố quan trọng để nhớ lâu, học và có ấn tượng tốt với lịch sử là tìm hiểu trên tinh thần tự nguyện. Ai cũng có thể vào các hội nhóm lịch sử hay tự mình tra cứu trên google, các trang web, đọc báo tiếng việt hay ngoại ngữ và cũng chẳng có ai hay luật nào có thể ép buộc họ phải hoặc không được làm điều ấy. Chọn và tìm hiểu theo cách thức của riêng mình, làm sao để bản thân cảm thấy thoải mái, theo em vậy là đủ rồi. 
Nhưng nếu tiếp cận kiến thức lịch sử tràn lan trên mạng xã hội như vậy thì có quá nguy hiểm?
Tất nhiên sẽ có một số yếu tố ảnh hưởng đến những kiến thức trên mạng xã hội, và chuyện nó nguy hiểm hay không còn tùy vào hoàn cảnh và suy nghĩ của từng cá nhân. Tốt nhất mọi người nên đối chứng các nguồn tài liệu đa chiều để rút ra được kết luận riêng cho bản thân mình về những nội dung, sự kiện lịch sử mà mình vừa được biết.
Vậy em dự định sẽ chọn ngành, chọn trường gì để theo học trong tương lai. Sẽ liên quan tới lịch sử? 
Có thể em sẽ chọn một ngành liên quan đến kinh tế - tài chính, hoặc cũng có thể là những ngành nghề khác. Việc có hay không liên quan đến lịch sử sẽ còn phụ thuộc vào quá trình em xem xét lại để đưa ra quyết định cuối cùng và sự chuyển biến của xã hội.
Vậy em đồng ý với việc học lịch sử thì sẽ ít có cơ hội chọn trường, chọn ngành nghề? 
Trong cuộc sống, không phải lúc nào mọi chuyện cũng như ý muốn. Một cuộc sống ổn định là ưu tiên cao nhất đối với em. Không thể sống với đam mê bằng một cái bụng đói.
Cảm ơn Vinh về cuộc trò chuyện này!

Bộ GD-ĐT phản hồi thông tin về việc cho Lịch sử trở thành môn học tự chọn

Tranh cãi nảy lửa chuyện cho Lịch sử trở thành môn học tự chọn

Giáo viên Hoá Vũ Khắc Ngọc phát ngôn gây tranh cãi về môn Lịch Sử

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ