Vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng giới khi nữ sinh phải tiếp tục mua 3 bộ đồng phục.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội đã xôn xao về câu chuyện trường THPT Bùi Thị Xuân "ép" học sinh nữ phải mặc đến 3 bộ đồng phục khác nhau trong một tuần theo "thời khóa biểu đồng phục" mà trường đặt ra.
Cụ thể, nữ sinh khối 10 sẽ cần mua đồng phục mới với số lượng "vô lí" và luân phiên thay đổi theo ngày với thời khoá biểu như sau:
- Các ngày thứ Hai: áo dài (do mỗi nữ sinh tự chuẩn bị)
- Các ngày thứ Ba và Năm: áo trắng mặc cùng váy
- Các ngày thứ Tư và Sáu: áo trắng mặc với quần tây.
Nội dung liên quan
Như vậy, nữ sinh khối 10 sẽ phải mua đủ 4 loại đồng phục khác nhau bao gồm: áo dài, đồng phục váy, đồng phục quần tây và đồng phục thể dục. Trong khi đó, nam sinh chỉ cần một kiểu đồng phục áo trắng và quần tây xuyên suốt các ngày trong tuần (không tính cả đồ thể dục bắt buộc).
Đáng chú ý hơn, tổng chi phí cho những bộ đồng phục mà học sinh nữ phải mua lên đến gần 3 triệu trong khi học sinh nam chỉ phải mua 01 bộ đồng phục với giá 750.000 VND. Điều này đã dấy lên nhiều tranh cãi trong cộng đồng học sinh lẫn phụ huynh, liên quan đến câu chuyện bất bình đẳng giới.
Dưới ảnh hưởng của dư luận, vào ngày 7/12 vừa qua, Ban giám hiệu nhà trường đã ra thông báo mới về đồng phục, cụ thể nữ sinh được trao quyền chọn giữa váy và quần, chứ không bắt buộc phải mặc váy hoặc mặc quần theo các ngày như thời khóa biểu.
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Phương Mai - người đang trực tiếp đấu tranh cho vấn đề bất bình đẳng giới đã chia sẻ trên Fanpage của mình rằng: "Điều này chỉ là một bước đi ngắn hạn. Quy định của trường chỉ lùi về điểm xuất phát, và điểm xuất phát vẫn là sự bất bình đẳng và phân biệt giới.
Các em nữ vẫn phải mua hai bộ áo dài, cộng thêm hai bộ đồng phục mặc trong tuần. Giá mỗi chiếc áo dài tự may rẻ nhất là 800k. Giá hai bộ đồng phục là từ 770-800k. Như vậy, gia đình các em nữ sinh vẫn phải TỐN GẤP 3 tiền đồng phục cho con mình, chỉ bởi các em sinh ra là con gái".
Nữ giáo sư cho biết, đồng phục không thể bị thoái hóa và đánh tráo khái niệm để trở thành một công cụ tạo ra sự bất bình đẳng và đồng phục càng không phải là một cái cớ để biến học sinh thành "vật" trang trí cho nhà trường, để ngắm cho đẹp, để tận thu và thể hiện ý chí văn hóa chính trị của người lớn.
Đây không còn là vấn đề của riêng trường Bùi Thị Xuân nữa, mà là vấn đề chung của rất nhiều trường học tại Việt Nam. Mong bạn chung tay để tạo ra sự thay đổi rộng, sâu, và công bằng hơn.
Nguồn: TH&PL