Nhiều người giữ vững thành tích F1 tự cho rằng: "Uống rượu bia nhiều nên nồng độ cồn trong người nhiều có thể kháng được virus", điều này đúng hay sai?
"F1 bất tử" trở thành câu chuyện khó hiểu trong thời đại Covid-19 hiện nay. Chuyện làm cùng văn phòng, tiếp xúc gần như ăn uống, nói chuyện,... thậm chí là ở cùng nhà với F0 để chăm sóc nhưng vẫn mãi "1 vạch" với Covid-19.
Nội dung liên quan
Kim Oanh, 22 tuổi, nhân viên văn phòng chia sẻ câu chuyện của mình cùng rằng: "Từ đầu dịch đến nay, mình tiếp xúc xấp xỉ 10 F0, thậm chí là bạn cùng phòng trọ của mình bị F0 nhưng mình vẫn an toàn. Mình tự nghĩ có phải do 'tửu lượng' mình cao không vì muốn có sở thích hay uống rượu bia khá nhiều, và nồng độ cồn trong người giúp mình kháng lại virus? Nghe hơi ngốc nghếch nhưng mình thật sự muốn biết lý do là gì?".
Nội dung liên quan
Chưa có chứng minh hay nghiên cứu nào chỉ ra rượu bia có ảnh hưởng đến sức đề kháng với Covid-19!
Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Đa khoa Huỳnh Tuấn Kiệt, hiện đang công tác tại Khoa hồi sức Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cho biết: "Chuyện F1 tiếp xúc F0 nhưng không bị mắc Covid-19 phần lớn là do kháng thể của người đó cao nên rất khó trở thành F0.
Nguyên nhân khác là vius lây qua không khí và dịch tiết. Nếu người tiếp xúc gần họ có đeo khẩu trang đúng cách và có đeo kính (có thể bất cứ loại kính nào, kể cả kính cận) và sau khi tiếp xúc người đó có rửa tay sát khuẩn (đảm bảo đúng 5K) thì khả năng lây nhiễm cũng rất thấp".
Đồng thời, Bác sĩ Huỳnh Tuấn Kiệt cũng không loại trừ khả năng họ đã mắc bệnh nhưng không biết, chứ không phải miễn nhiễm. Khi có triệu chứng nhẹ như hắt hơi, sổ mũi... người bệnh chỉ nghĩ bị cảm. Những người này sẽ có kháng thể để bảo vệ cơ thể trong thời gian nhất định giống như tiêm vaccine.
Nói về nguyên nhân F1 bất tử có phải do uống rượu bia nhiều, bác sĩ Huỳnh Tuấn Kiệt cũng hoàn toàn phủ nhận: "Nồng độ cồn trong rượu bia không đủ để diệt virus. Tính đến hiện tại, chưa có chứng minh hay nghiên cứu nào chỉ ra rượu bia có ảnh hưởng. Thậm chí, người nhậu nhiều thường sẽ có sức đề kháng không tốt bằng người có chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, nên suy nghĩ này hoàn toàn không đúng".
Vậy đâu là cách để F1 tiếp tục bất tử?
Theo nghiên cứu thế giới, thời gian trung bình từ lần đầu tiếp xúc virus đến khi khởi phát triệu chứng là 42 giờ, ngắn hơn đáng kể so với ước tính thông thường (ủ bệnh 5 đến 6 ngày).
Sau giai đoạn này, tải lượng virus trong các mẫu gạc lấy từ mũi hoặc cổ họng đã tăng mạnh. Nồng độ virus đạt đỉnh trung bình vào khoảng 5 ngày sau khi nhiễm. Virus phát triển và đạt đỉnh ở cổ họng sớm hơn đáng kể so với mũi. Vì vậy, trong giai đoạn đầu phơi nhiễm, nếu chỉ xét nghiệm dịch mũi, rất có khả năng F0 sẽ nhận kết quả âm tính giả.
Tuy nhiên, miễn nhiễm Covid-19 không có nghĩa sẽ an toàn suốt đời, chính vì thế, nếu may mắn có một miễn dịch tốt thì điều mà F1 cần làm là cố gắng giữ vừng thành tích bằng các hoạt động sống lành mạnh.
"Với cuộc sống bình thường mới hiện tại. Mình sẽ không thể tránh khỏi việc vô tình 'va phải' F0. Vẫn luôn tốt khi mình chủ động các biện pháp 5K theo Bộ Y tế. Nếu là F1 thì chúng ta phải tự động theo sõi sức khoẻ và chủ động các biện pháp để tránh tiếp xúc quá nhiều người trong thời gian đang là F1", Bác sĩ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết.
Nội dung liên quan
Dù hiện nay việc cách ly F1 đã không còn gắt gao như trước, tuy nhiên, Bác sĩ Huỳnh Tuấn Kiệt vẫn khuyên rằng nếu điều kiện thời gian cho phép thì vẫn nên cách ly để đảm bảo bản thân an toàn và cho cả những người xung quanh.
"Chúng ta không nên mang tâm lý 'ai cũng trở thành F0' mà cần có biện pháp để phòng chống dịch, bảo vệ bản thân", Bác sĩ Huỳnh Tuấn Kiệt thông tin.
Nguồn: TH&PL