Chủ tịch Tập đoàn Pfizer chia sẻ về những vấn đề xoay quanh vaccine Pfizer và Covid-19.
Dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục tác động lớn đến các nước trên toàn thế giới và Pfizer, một thương hiệu dược phẩm toàn cầu, đang trở thành một trong những "kẻ thù" đáng gờm của nó.
Nhà sản xuất thuốc 172 tuổi đang tận dụng toàn bộ khả năng và nguồn lực của mình để giảm thiểu rủi ro của Covid-19, đặt ưu tiên tạo ra vaccine Covid-19 lên hàng đầu. Thương hiệu này đã hợp tác với BioNTech, một công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Đức, để mang loại vaccine đầu tiên dựa trên RNA thông tin (mRNA) tới hàng tỷ người trên thế giới.
Các công ty đã tăng dự báo sản xuất thuốc, đặt mục tiêu sản xuất ba tỷ liều vaccine Covid-19 vào năm 2021 và bốn tỷ liều vào năm 2022. Với khoảng 80.000 nhân viên và văn hóa làm việc liên kết mạnh mẽ, Pfizer cũng đang bổ sung thêm lợi thế về con người để giải quyết một trong những cuộc khủng hoảng sức khỏe phức tạp nhất mà thế giới từng phải đối mặt.
Bà Angela Hwang, Chủ tịch Tập đoàn Pfizer Biopharmaceuticals, cảm thấy rằng lịch sử của Pfizer đã giúp tập đoàn thúc đẩy các tuyến đầu của những đột phá khoa học liên quan đến Covid-19. Nhưng đó không chỉ là về khoa học, bà còn giải thích về cách mà lịch sử hoạt động lâu năm và niềm tin vào chính mình đã giúp Pfizer trở thành một lực lượng chủ lực góp phần giảm bớt những hạn chế trong việc cung cấp vaccine ra toàn cầu.
Vào tháng 12 năm 2020, Pfizer đã kết hợp với BioNTech (Pfizer-BioNTech) đã sản xuất một trong những vaccine Covid-19 đầu tiên được phê duyệt sử dụng khẩn cấp (EUA) từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho những người từ 16 tuổi trở lên. Sau đó, nó được phát triển để thích hợp sử dụng cho cả thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi.
Vào tháng 8 năm 2021, vaccine Covid-19 Pfizer-BioNTech đã được FDA cấp phép đầy đủ để sử dụng cho nhóm người có độ tuổi từ 16 trở lên. Những nỗ lực nghiên cứu và phát triển vaccine hiện tập trung vào các vấn đề phục hồi quan trọng, chẳng hạn như các chủng biến thể, nhu cầu tiềm năng trong tương lai và khả năng tạo vaccine tăng cường.
"Chương trình vaccine này đã dạy chúng tôi rất nhiều về thời gian được sử dụng và thời gian có thể được rút ngắn. Tôi nghĩ chắc chắn rằng tất cả chúng ta sẽ tiến về phía trước từ quan điểm phát triển và ý thức rõ ràng hơn về thời điểm có thể tăng tốc", bà Hwang chia sẻ.
Nhà điều hành Pfizer đã có cuộc trò chuyện với đối tác cấp cao của McKinsey, David Quigley, về cách mà công ty có thể mở rộng quy mô nhanh chóng trong cuộc chiến chống lại Covid-19, vai trò của các mũi tiêm tăng cường trong quá trình phục hồi toàn cầu và tại sao Pfizer tin rằng tận dụng tinh thần con người là một yếu tố cần thiết để thành công.
Pfizer là một trong những công ty dược phẩm lâu đời nhất và lớn nhất thế giới. Vậy những yếu tố nào trong văn hóa và tổ chức của Pfizer đã giúp Pfizer phản ứng nhanh chóng với cuộc khủng hoảng Covid-19?
Điều đầu tiên mà chúng tôi phải nhận ra là chúng tôi đang ở trong một trận đại dịch và thời điểm đó đại dịch chưa lan đến khu vực của chúng tôi. Khi tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu tăng lên, chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi có bất kỳ tác động nào, chúng tôi sẽ cần phải tạo ra một loại vaccine trong một khoảng thời gian kỷ lục.
Bối cảnh này đã thúc đẩy tư duy, mức năng lượng cũng như khả năng phục hồi và quyết tâm của chúng tôi trong việc giải quyết vấn đề. Khi bạn biết rằng bạn không có nhiều thời gian, điều đó chắc chắn sẽ nâng cao khả năng sáng tạo, tốc độ và khả năng quyết định của bạn.
Đó là một hành trình phi thường, được thúc đẩy bởi một mục tiêu chung của tất cả mọi người, đó là toàn thế giới, bao gồm cả bản thân và gia đình chúng ta, cần một loại vaccine. Khi bạn đối mặt với một điều gì đó như thế, bạn sẽ ngạc nhiên với những gì bạn có thể làm.
Tuy nhiên, cũng có những khoảnh khắc chúng tôi tự hỏi rằng: "Chúng ta thực sự có thể làm được điều này không? Chúng ta có thể giải quyết vấn đề này không?". Chúng tôi tập trung vào việc khiến cả công ty tin tưởng vào chính mình, rằng việc phát triển vaccine này, với tốc độ này, với một số lượng yêu cầu - và thực hiện tất cả những điều này theo tiêu chuẩn cao của Pfizer về chất lượng và an toàn - thực sự có thể thực hiện được. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng làm cho nhân viên của mình - và chính chúng tôi - tin tưởng vào điều đó.
Sau đó là đến phần làm việc nhóm: có mục tiêu chung, chia sẻ thông tin, cùng chung suy nghĩ và cùng nhau thực hiện bước tiếp theo. Nếu bạn muốn làm một điều gì đó to lớn như thế này, bạn không thể bị chia rẽ. Chỉ có duy nhất một mục tiêu và một cách mà chúng ta có thể tiến tới.
Làm việc nhóm và sự tin tưởng là một phần quan trọng để tất cả có thể di chuyển với tốc độ đã đưa ra. Một phần trong văn hóa làm việc của chúng tôi là với độ tin tưởng cao, bạn sẽ thoải mái thử thách suy nghĩ của người khác hơn, điều này giúp thúc đẩy chúng tôi theo đuổi sự xuất sắc và không bao giờ dừng lại ở mức "đủ tốt".
Một trong những "bí quyết" khác chính là các mối quan hệ đối tác mà chúng tôi đã thiết lập từ lâu. Dù trước đây, chúng tôi đã phát triển rất nhiều loại vaccine nhưng chúng tôi chưa bao giờ phát triển lâm sàng hoặc thương mại hóa vaccine mRNA. Chúng tôi đã hợp tác với công ty tiên phong phát triển mRNA là BioNTech, một công ty công nghệ sinh học hàng đầu ở Đức, kể từ năm 2018.
Sự hợp tác đầu tiên của chúng tôi là tập trung vào việc phát triển vaccine cúm dựa trên mRNA. Nền tảng này cho phép chúng tôi và BioNTech bắt đầu làm việc cùng nhau từ sớm để phát triển vaccine Covid-19 và cơ sở lòng tin cũng như các quy trình đã được thiết lập đã giúp chúng tôi rút ngắn thời gian nhất có thể.
Chính sự tự tin, văn hóa và chuyên môn của Pfizer cùng với công nghệ và sự đổi mới của BioNTech đã giúp chúng tôi đưa loại vaccine này ra thị trường trong một khoảng thời gian mà dường như không thể trong bối cảnh trước đây. Nhìn chung, chúng tôi đã phát triển và bắt đầu phân phối vaccine Covid-19 trong khoảng tám tháng.
Vaccine Pfizer-BioNTech là vaccine đầu tiên được Hoa Kỳ phê duyệt sử dụng khẩn cấp cho thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi. Vậy hành động tiếp theo của Pfizer trong việc giải quyết mối đe dọa đang diễn ra của Covid-19 sẽ là gì?
Chúng tôi hướng đến phát triển chương trình vaccine Covid-19 toàn diện và mạnh mẽ. Ví dụ với nhóm người từ 12 đến 15 tuổi: đây là nhóm tuổi quan trọng khi chúng tôi xem xét việc mở rộng tiêm chủng cho những người nhỏ tuổi hơn nữa. Vào tháng 3/2021, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu vaccine này ở nhóm trẻ em từ 6 tháng đến 11 tuổi.
Ngoài ra, còn có rất nhiều công việc đang diễn ra liên quan đến công thức của vaccine thực sự. Dạng lỏng kết đông là thứ chúng ta cần sử dụng để thoát khỏi tình trạng này nhanh chóng. Nhưng để tiếp cận được nhiều người nhất có thể, chúng tôi cần tiếp tục tìm cách sản xuất vaccine và đơn giản hóa các điều kiện bảo quản vaccine. Những câu hỏi khác mà chúng tôi cần trả lời bao gồm câu hỏi về thời gian hiệu quả của vaccine.
Sau đó là nghiên cứu về các biến thể. Chúng tôi xem xét chúng theo hai cách. Đầu tiên là hiểu liệu vaccine hiện tại có đủ để bảo vệ chống lại các biến thể Covid-19 mới hay không. Đồng thời, chúng tôi cũng đang đánh giá nhu cầu tiềm năng đối với một loại vaccine mới hoặc nâng cấp vaccine với mRNA khác phù hợp hơn, chẳng hạn như vaccine hiện tại không thể bảo vệ mọi người khỏi protein đột biến của một biến thể. Liệu điều đó xảy ra thì sẽ ra sao?
Tin tốt là chúng tôi đang suy nghĩ về tất cả những câu hỏi này và đang thực hiện các thử nghiệm. Khi nói về điều này, tôi thường được hỏi là: "Việc sản xuất một loại vaccine mới hoặc nâng cấp vaccine cũ sẽ mất bao lâu? Liệu chúng ta có phải mất cả một năm nữa không?". Chúng tôi không nghĩ vậy. Đó là chất lượng của công nghệ mRNA.
Theo ước tính của chúng tôi - tùy thuộc vào quy trình quy định - là chúng tôi có thể phát triển một loại vaccine mới hoặc cập nhật trong vòng 100 ngày. Điều này giúp chúng tôi yên tâm và tin tưởng rằng chúng tôi dường như có các công cụ cần thiết để giải quyết virus từ góc độ phát triển vaccine khi nó tiếp tục thay đổi và lan truyền trên toàn thế giới.
Theo bà, tốc độ đổi mới hiện tại có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển vaccine ngoài Covid-19? Việc phát triển thuốc nói chung có thể bị ảnh hưởng như thế nào?
Thế giới mới của chúng ta không phải là thế giới mà chúng ta đã từng sống, thậm chí không phải một năm trước. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi chúng ta một cách sâu sắc và theo nhiều cách, dù là ở cơ quan hay ở nhà. Những bài học mà chúng tôi đã học được để phát triển thuốc trong suốt hành trình này có thể nhân rộng.
Ví dụ, khi tuyển dụng cho các thử nghiệm lâm sàng, có các quy trình và hoạt động tiêu chuẩn cần tuân theo. Trong suốt đại dịch, chúng tôi đã học cách sử dụng nhật ký bệnh nhân điện tử để dữ liệu bệnh nhân có thể được thu thập ngay lập tức, giúp tăng cường hiệu quả trong các nghiên cứu lâm sàng và tương tác với các cơ quan quản lý. Tôi nghĩ rằng các quy trình hiệu quả và hỗ trợ công nghệ như thế này sẽ được duy trì.
Trong một bước chủ động khác, chúng tôi đã liên kết tất cả các trang thử nghiệm lâm sàng trong khi FDA xem xét lại các bản tường thuật. Tôi nhớ buổi chiều khi FDA phê duyệt bản tường thuật Giai đoạn III của chúng tôi, chỉ trong vòng hai giờ, chúng tôi đã có thể tiêm chủng cho người đầu tiên trong thử nghiệm Giai đoạn III.
Việc chuyển sang bắt đầu thử nghiệm lâm sàng và nhận dữ liệu nhanh chóng hơn có thể là một yếu tố mang đến thay đổi lớn đối với việc phê duyệt thuốc khẩn cấp và không khẩn cấp trong tương lai, thậm chí là ngoài vaccine. Nhiều loại thuốc và liệu pháp của chúng tôi đóng vai trò rất quan trọng, và những phương pháp điều trị đó cũng cần thiết càng nhanh càng tốt.
Với tư cách là một đội, giờ đây chúng tôi buộc phải kiên trì với yêu cầu giải quyết vấn đề, gắn kết mọi người lại với nhau và quyết đoán. Tất cả những công cụ này đều có thể nhân rộng và giúp chúng tôi phát triển nhanh hơn nhiều so với những gì chúng tôi từng làm trước đây trong tất cả các chương trình và giai đoạn phát triển.
Khi toàn thế giới đang nỗ lực mở rộng phạm vi tiêm chủng, liệu chúng ta có thể làm gì để nâng cao hơn nữa nhận thức về vaccine và giảm thiểu đi sự do dự về vaccine?
Còn rất nhiều điều mà chúng ta cần làm để giúp thế giới và công chúng hiểu được sự đánh đổi giữa lợi ích và rủi ro của những gì sẽ xảy ra khi họ không tiêm vaccine. Tất cả các nhà sản xuất vaccine cũng như chính phủ đều phải "gánh vác" vấn đề này.
Chúng ta đang ở thời điểm thuận lợi để thực sự tăng cường các nỗ lực giáo dục và giúp mọi người hiểu được tại sao tiêm chủng lại quan trọng và ý nghĩa thực sự của vaccine đối với họ - không chỉ với tư cách cá nhân mà còn là lợi ích sức khỏe cộng đồng.
Tiêm vaccine không chỉ là để ngăn ngừa bản thân mắc bệnh. Việc bạn tiêm vaccine còn đồng nghĩa với việc bạn góp phần làm chậm quá trình lan truyền virus, nhờ đó mà có thể làm giảm dần theo thời gian quá trình virus tiếp tục lây lan và bùng phát trong cộng đồng.
Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêm ngừa vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng ta bảo vệ sức khoẻ và trở lại cuộc sống bình thường. Tuyến bài Toàn cảnh Vaccine sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực, lạc quan và sự hiểu biết nhất định về vaccine Covid-19 để nâng cao ý thức tiêm ngừa và phòng chống dịch bệnh.
Nguồn: TH&PL