Sinh viên theo đuổi con đường nghệ thuật đã phải trải qua một năm "chật vật" học online - một cách học còn quá nhiều hạn chế đối với ngành học đặc thù về nghề thuật.
Không giống như bạn bè ở nhiều ngành học phổ biến khác, sinh viên theo đuổi con đường nghệ thuật lại gặp độ chênh lệch khá lớn khi phải chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến trong suốt một năm dịch bệnh vừa qua. Đặc biệt là đối với các bạn sinh viên của trường Sân khấu - Điện ảnh, để cải thiện khả năng diễn xuất cũng trở nên gian nan hơn khi cơ hội thực hành giảm sút, mỗi sinh viên nếu muốn giữ lửa nghề phải nỗ lực bội phần.
Không chỉ là cản trở về mặt học tập, các sinh viên theo đuổi con đường nghề thuật còn phải gánh chịu một năm "cửa khoá cài then" tại các sân khấu biểu diễn lớn nhỏ hay phải gác máy lại những dự án còn dang dở vì ảnh hưởng của Covid-19. Xem khó khăn là cơ hội, nhiều bạn trẻ quyết định tấn công sang mạng xã hội để tìm "đất sống" và dành thời gian đầu tư, trau dồi thêm hình ảnh của bản thân.
Đòn giáng nặng nề của dịch bệnh lên những sinh viên theo đuổi con đường nghệ thuật
Nhắc đến nghệ thuật, chúng ta nghĩ ngay đến một bộ môn cần có sự tương tác trực tiếp và mang tính biểu diễn cao. Không sai khi nói Covid-19 đã tạo nên một "cánh cửa hẹp" cho những bạn sinh viên theo đuổi con đường này khi đã phải trải qua một năm "chật vật" học online - cách học không hề phù hợp cho những sinh viên cần có tinh thần thực hành, luyện tập và tương tác trực tiếp cùng nhau để cải thiện kỹ năng của mình.
Bạn Hưng Thịnh (sinh năm 2000, hiện đang là sinh viên năm cuối của trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, khoa diễn viên Kịch - Điện ảnh) cho biết mình là một người rất thích được thể hiện khả năng của bản thân, nhưng trong một năm dịch bệnh vừa qua đã khiến cuộc sống của cậu bạn dường như đảo lộn.
"Đầu tiên là việc học online có rất nhiều hạn chế đối với việc diễn, không gian học không còn là sân khấu mà lại là nhà của mình, không được tương tác trực tiếp với bạn diễn làm cho việc diễn trở nên khó khăn hơn. Sau đó, các công việc ở ngoài trường của mình hầu như bị hoãn lại, mọi tính toán cho công việc của mình đều bị sai lệch đi", Hưng Thịnh chia sẻ.
Cùng chung một hoàn cảnh, bạn Yến Nhi (sinh năm 1997, sinh viên năm cuối của ngành Diễn viên Kịch - Điện ảnh) cũng cảm thấy khó khăn trong việc kết nối và học diễn xuất qua phương pháp online. Nhi chia sẻ rằng, học ngành diễn viên thì rất cần sự tương tác của các bạn diễn chung để có thể hoàn thành các bài tập, bài thi một cách tốt nhất.
"Dịch như vậy làm tụi mình không thể lên sân khấu tập cùng các bạn được, và học qua online thì không thể nào đạt hiệu quả cao như lúc học trực tiếp, nhưng mình cũng thấy rất ấm lòng khi được thầy cô, bạn bè đã giúp đỡ rất nhiều khi học online, tất cả mọi người đều cố gắng để có thể vượt qua những khó khăn hiện tại", Nhi chia sẻ.
Mạng xã hội - nơi cứu cánh của sinh viên nghệ thuật trong mùa dịch
Để tránh "lụt nghề", các sinh viên học nghệ thuật nói chung và sinh viên Sân khấu Điện Ảnh nói riêng đều phải "tự lực cánh sinh" và tìm kiếm cho mình một cơ hội để trau dồi và phát triển hình ảnh của bản thân. Nhiều bạn đã chọn nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok để thoả sức sáng tạo và rèn luyện thêm những kỹ năng cho mình.
Đối diện với những khó khăn hiện tại, Võ Vi Khanh (sinh năm 1996, hiện đang là sinh viên năm cuối khoa diễn viên Kịch - Điện Ảnh) đã chọn phương án vừa học vừa làm để đảm bảo thu nhập cho cá nhân. Trước khi vào học tại trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Vi Khanh từng tốt nghiệp tại một trường Đại học khác với chuyên ngành tiếng Trung nên trong quá trình dịch bệnh phức tạp, cô bạn ở nhà dạy online kết hợp với học online qua những bài giảng về lý thuyết ở trường Sân khấu - Điện ảnh.
"Về diễn xuất thì mình không thể luyện tập nhiều, chủ yếu là mình tìm đọc các kịch bản, các tác phẩm hay, và cũng quay TikTok về cuộc sống ở quê khi giãn cách xã hội. Nói chung là tuy dịch làm ảnh hưởng đến quá trình học, nhưng đồng thời cũng có nhiều điều mình cảm thấy cần phải học hỏi nhiều hơn" - Vi Khanh chia sẻ.
Chọn mạng xã hội làm nơi cứu cánh trong mùa dịch, ngoài việc học online, Hưng Thịnh cũng đã cùng với bạn bè của mình thực hiện những video ngắn tại nhà, tận dụng tất cả những gì mình có để quay, dựng và sản xuất video. Hưng Thịnh hiện tại đang sở hữu kênh TikTok với hơn 200 nghìn lượt theo dõi và 2,8 triệu lượt yêu thích. Đồng thời cậu bạn cũng thường xuyên quay video và diễn xuất cùng với Reency Ngô - nữ Tiktoker với hơn 10 triệu followers "cực khủng".
"Rất may mắn trong thời gian đầu được một lượng khán giả ổn định đón nhận và yêu quý. Mình cảm thấy rất biết ơn và trân trọng. Trong năm 2022 sắp tới, mình sẽ hoàn thành nốt học kì cuối của năm 4, cũng là học kỳ tốt nghiệp của mình. Bên cạnh đó mình vẫn sẽ duy trì kênh TikTok, tận dụng thời gian trống để đầu tư vào nội dung và hình ảnh hơn, đưa kênh của mình tới với nhiều khán giả hơn nữa", Hưng Thịnh nói.
Cỏn đối với Yến Nhi, 2022 sẽ là năm vô cùng đặc biệt khi cô bạn sẽ phải thực hiện kì thi tốt nghiệp - một trong những kì thi quan trọng nhất của các sinh viên trường Sân khấu - Điện ảnh. Chính vì thế, Yến Nhi cũng sẽ cố gắng trau dồi thêm kỹ năng diễn xuất và tập luyện nhiều hơn cho kì thi tốt nghiệp sắp tới. Bên cạnh đó, cô bạn cũng sẽ cố gắng phát triển một số dự án trên kênh TikTok của mình để mang những niềm vui nhỏ đến cho mọi người bằng sự nghiệp diễn xuất mà mình đang theo đuổi.
Nguồn: TH&PL