Các trường đại học đang 'lạm dụng' IELTS trong phương thức xét tuyển?

Trong giai đoạn dịch bệnh, xét tuyển bằng học bạ đang được các thí sinh ưu tiên, các trường đại học đã mở rộng chỉ tiêu cũng như phương thức xét tuyển. Nhiều trường tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ đánh giá tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL...

Việc ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng nhóm thí sinh này đã tạo nên "cơn sốt" khiến nhiều học sinh đăng ký học ngoại ngữ với hy vọng tăng cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, cũng có những luồng ý kiến, băn khoăn về sự công bằng đối với những học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có điều kiện khó khăn. Liệu các trường đại học có đang quá lạm dụng IELTS trong phương thức xét tuyển?

cac truong dai hoc dang lam dung ielts trong phuong thuc xet tuyen - anh 0
Thí sinh được cán bộ tuyển sinh tư vấn (Nguồn ảnh: VLU)

Có chứng chỉ ngoại ngữ là một lợi thế

Năm 2022, các trường ĐH trên cả nước đã đưa ra phương án tuyển sinh từ rất sớm. Trong nhiều trường nổi tiếng như ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh... đều dành từ 10-20% để xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Trong mùa tuyển sinh năm 2021, theo thống kê có hơn 20 trường đại học đã ưu tiên xét tuyển và tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 đến 6.5. Thậm chí các trường có điểm chuẩn cao như Trường ĐH Y Hà Nội, Học viện Anh ninh Nhân dân… cũng "săn lùng" thí sinh giỏi ngoại ngữ.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, biết ngoại ngữ là một lợi thế rất lớn, do đó việc các trường ĐH "ưu ái" cho các thí sinh sở hữu chứng chỉ tiếng Anh giúp đẩy mạnh phong trào học ngoại ngữ đối với học sinh nói riêng và nhà trường THPT nói chung.

Nhiều người nhìn nhận, kết quả bài thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa đủ để đánh giá toàn diện năng lực và trình độ của các thí sinh. Song, với chứng chỉ quốc tế lại khác. Hệ thống thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh điển hình như IELTS đã được hình thành trên toàn cầu trong một thời gian dài và có uy tín.

Việc sở hữu điểm từ 5.5 trở lên trong kỳ thi IELTS sẽ đồng nghĩa với khả năng nghe, nói, đọc, viết ở mức trung bình, khá, có thể sử dụng ngôn ngữ tương đối hiệu quả, đặc biệt trong các tình huống quen thuộc như giao tiếp hằng ngày.

cac truong dai hoc dang lam dung ielts trong phuong thuc xet tuyen - anh 0
Danh sách các trường Đại học tuyển thẳng thí sinh có IELTS 4.0, 5.5 - 6.5 trở lên 2022 (Nguồn ảnh: Internet)

Nhiều giáo viên cho rằng, trong bối cảnh chủ yếu tập trung vào mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc cho điểm, đánh giá của các trường có sự khác nhau và chênh lệch nhất định. Do đó ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ là một hướng đi hợp lý. Bên cạnh đó các trường cũng chỉ xét tuyển ngoại ngữ vào những ngày chú trọng hoặc yêu cầu cao về kỹ năng này.

Không chỉ đánh giá đầu vào, nhiều trường ĐH còn bắt buộc sinh viên phải có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu thì mới được phép ra trường. Tùy vào từng trường mà điểm đầu ra khác nhau tuy nhiên vẫn có thể thấy các chứng chỉ ngoại ngữ có tầm quan trọng nhất định.

Có bất công và lạm dụng chứng chỉ ngoại ngữ?

Trong thực tế, không phải tất cả các thí sinh đều có khả năng và điều kiện để tiếp cận ngoại ngữ một cách toàn diện. Điển hình như ở nông thôn hay vùng sâu, vùng xa, đi lại đã vốn khó khăn, đường truyền mạng không ổn định, lại không có nhiều giáo viên để theo học, do đó "sở hữu" một tấm bằng ngoại ngữ dường như là một thách thức vô cùng lớn.

Ở một bài viết trên mạng xã hội bàn về việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển, bạn Bảo Ngọc đã cho rằng: "Nếu vậy thì tội học sinh nghèo vượt khó vùng quê quá. Đâu phải nơi nào cũng có chỗ học IELTS, đâu phải ai cũng có 5 triệu để thi". Bạn còn kể thêm: "Ở chỗ mình muốn học phải chạy ra tỉnh mấy chục cây số, khó lắm!".

Hay như bạn Hải My đã bình luận: "Nói thật chứ ở quê như tui đây, được đi học thêm đã là tốt rồi, nhiều bạn còn chẳng được đi học thêm nốt. Lấy đâu ra tiền mà học IELTS".

cac truong dai hoc dang lam dung ielts trong phuong thuc xet tuyen - anh 0
Một bài viết khi bàn về chứng chỉ IELTS trên mạng xã hôi nhận được đông đảo sự quan tâm (Nguồn ảnh: Internet)

Tuy nhiên vẫn có những ý kiến đồng ý với việc sử dụng bằng IELTS của các trường ĐH, như bạn Ngân Hà bình luận: "Nhưng chỉ tiêu xét tuyển chỉ dao động từ 5% đến 15%, hơn nữa IELTS khó chứ không phải cứ có tiền là học được, thi đạt mục tiêu được. Số lượng những người đạt IELTS cao cũng ít. Còn với việc xét tuyển, trường nào yêu cầu ngoại ngữ thì việc ưu tiên bằng IELTS là chuyện bình thường mà nên từ " lạm dụng" ở đây không phù hợp". 

Một ý kiến khác từ Hoàng Vỹ: "IELTS là thước đo khả năng Anh Ngữ, tư duy, óc sáng tạo, khả năng ghi nhớ, tính logic và trên hết là sự nỗ lực qua một quá trình dài. Học vài môn bậc trung học chẳng là gì khi so với IELTS band cao cả. Tôi đồng ý với việc chọn IELTS để tuyển sinh, đặc biệt là band cao".

TS. Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, cho rằng: "Trong xu thế tự chủ hiện nay, việc các trường ĐH lựa chọn phương thức tuyển sinh "phi truyền thống" như sử dụng chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế là điều bình thường". Trên thực tế, các chứng chỉ về ngoại ngữ như IELTS, TOEFL cũng không phải là tiêu chỉ duy nhất mà còn thường kết hợp với kết quả học tập THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm đánh giá năng lực. Ngoài ra phương thức này cũng chỉ dành cho một số lượng thí sinh  nhất định chứ không chiếm phần lớn chỉ tiêu. 

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID - 19 trong 2 năm qua, một số học sinh đã ôn luyện và thi được các chứng chỉ IELTS, TOEFL nhưng không đi du học được. Chính vì vậy những thí sinh này đã dùng kết quả này để nộp vào các trường ĐH trong nước. Từ đó số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ cao hơn. Tuy nhiên chỉ tiêu xét tuyển này không quá nhiều và thường tập trung vào các ngành chú trọng hoặc đào tạo bằng tiếng Anh.

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ