Những vấn đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm trong năm 2022.
Dịch bệnh khiến việc dạy và học cần hết sức linh hoạt, linh hoạt để điều chỉnh, để ứng phó với các tình huống phức tạp. Đối với toàn ngành, linh hoạt thích ứng là một năng lực của ngành, thích ứng với các hoàn cảnh là năng lực của từng cá nhân. Những phương pháp vạn năng để học và trưởng thành trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay đang được phát huy tối đa và sự nỗ lực hết mình của cả thầy và trò.
Năm 2022, ngành giáo dục tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bộ GD&ĐT sẽ ưu tiên những vấn đề gì cho giáo dục trong năm bản lề này?
Dạy học trực tuyến chưa thể thay thế trực tiếp
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, trong hai năm qua, hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện bởi yêu cầu ứng phó bắt buộc với dịch bệnh nên việc triển khai còn bị động, thiếu đồng bộ và nhiều điều kiện cần thiết.
Trước yêu cầu cần phải thích nghi hiệu quả với dịch bệnh, ngành giáo dục đã chuyển trạng thái, tập trung làm tốt hai việc đảm bảo chất lượng giáo dục và phòng chống dịch an toàn. Những quyết sách của ngành nhằm triển khai kế hoạch chuyển đổi lâu dài để thích ứng với dịch bệnh; trong ngắn hạn, tại mỗi địa phương, kế hoạch, hoạt động dạy học cần phải có những giải pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, thời điểm trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng về kiến thức, kỹ năng cốt lõi mà người học cần phải đạt được.
"Nhìn theo hướng tích cực, dịch bệnh đã là một cú hích thúc đẩy ngành Giáo dục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong công tác dạy học trực tuyến, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định phương thức dạy học trực tuyến chưa thể thay thế ngay phương thức học trực tiếp.
Trong thực tế, hoạt động dạy học trực tuyến đang cho thấy những vấn đề bất cập như kế hoạch, nội dung, phương pháp dạy học chưa được chuẩn bị bài bản, thống nhất, chưa chuyển đổi phù hợp với phương thức dạy học trực tuyến, truyền hình; thiếu học liệu; dạy học trực tuyến hay dạy học truyền hình không thay thế được học trực tiếp đối với các cháu mầm non và chưa đáp ứng các yêu cầu chất lượng đối với học sinh tiểu học; quá trình học trực tuyến đòi hỏi gia đình học sinh (bố, mẹ) tham gia hỗ trợ nhiều hơn, trong khi vẫn phải thực hiện các công việc khác; tâm lý và sức khỏe của học sinh bị ảnh hưởng khi phải dành hàng giờ trước màn hình tivi, máy tính để hoàn thành các nội dung học tập;
Theo báo cáo của các địa phương, chất lượng học tập nói chung và học theo hình thức trực tuyến truyền hình ở các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Tình trạng học sinh học không chuyên cần, học sinh bỏ học và học sinh đang có nguy cơ bỏ học, tái mù chữ đang diễn ra tại một số địa phương. Hệ thống bài giảng điện tử theo còn thiếu, hạn chế và đang từng bước xây dựng.
Đặc biệt, tình trạng thiếu các thiết bị công nghệ học trực tuyến, truyền hình và hạ tầng truyền thông diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Hiện còn nhiều tỉnh/thành phố có nhu cầu hỗ trợ máy tính, trong đó, tại các tỉnh, thành phố đang triển khai dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid -19.
Nội dung liên quan
Vẫn là một năm đầy thách thức
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, năm 2022, dịch bệnh sẽ còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và cũng chưa biết hồi kết khi nào. Cho nên, những khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục chắc chắn sẽ còn nhiều và thậm chí là lớn hơn, đang chờ ở phía trước.
Bởi 2 năm chống dịch vừa qua, ngành giáo dục mới bước đầu khắc phục, bù đắp và củng cố để đảm bảo chất lượng. Nhưng phía trước, câu chuyện tới lớp học trực tiếp, hoặc có thể học trực tuyến, hay tiến hành kết hợp các hình thức vẫn là những phương án được đặt ra.
Cho nên, Bộ trưởng cho rằng ngành giáo dục phải xác định năm tới sẽ là một năm đầy thách thức, lớn hơn nữa là đối với công tác của ngành hay công tác chỉ đạo của Bộ GD&ĐT cũng như đối với từng thầy cô và học sinh.
Cần phải rà soát, đánh giá những kinh nghiệm phòng chống dịch trong 2 năm qua, đánh giá những tác động tiêu cực và dự đoán trước những tác động sẽ còn lớn hơn nữa, từ đó điều chỉnh các biện pháp ứng phó trên cơ sở kinh nghiệm của 2 năm qua để tiếp tục kiên trì cho mục tiêu chất lượng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chuyển đổi số là vấn đề mà chính phủ đã chỉ đạo ráo riết, toàn ngành cũng đã triển khai trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng gặp không ít khó khăn đặc biệt về vật chất, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số này.
Năm 2022, Bộ GD&ĐT xác định đây sẽ là năm tập trung để triển khai đề án về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Trong đó, những xây dựng, hạ tầng về công việc, về nguồn dữ liệu, những vấn đề về việc sử dụng và khai thác để vừa phục vụ cho đổi mới hoạt động dạy và học, đồng thời cũng chính là việc rất thiết thực trong việc ứng phó với dịch bệnh.
Trong tất cả các công việc, đối với hoàn cảnh của Việt Nam hiện tại, sẽ ưu tiên cho hạ tầng, công nghệ, trang thiết bị và quản trị phù hợp.
Mục tiêu lâu dài
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay trước mắt, cần triển khai thật tốt đổi mới giáo dục phổ thông, củng cố chất lượng dạy và học để ứng phó với dịch bệnh và tăng cường các kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Thực hiện Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó, phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ và kỹ thuật. Đặc biệt là nhóm đào tạo về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay một số lĩnh vực như đảm bảo an toàn thông tin mạng, số lượng thiếu hụt lên đến hàng chục nghìn người.
Cần phải hỗ trợ kịp thời cho những sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học quay trở lại đào tạo bình thường để có thể giải quyết được nguồn nhân lực trước mắt cho các năm 2022, 2023.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cung cấp nhân lực cho kế hoạch phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch, cả tầm vĩ mô ngắn hạn hay dài hạn đều cần nhất quán để thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Trong đó, việc phát triển con người là gốc rễ. Có con người phát triển nhân cách tốt, phẩm chất tốt thì mới có nhân lực tốt. Tuy nhiên, phát triển con người vẫn phải đảm bảo các năng lực và kỹ năng mà đất nước cần ở những giai đoạn và những đòi hỏi ở những thời điểm cụ thể. Như thế, việc phát triển con người mới được thực hiện một cách bền vững.
Nguồn: TH&PL