Giữa tranh cãi về thông tin đề nghị cấm lưu hành MV There's No One At All của Sơn Tùng M-TP, chúng ta bắt gặp hiện trạng tích cực độc hại ở người dùng mạng.
Khi there's no one at all (không một ai) tích cực đúng nghĩa
Ngày 29/4, MV There's No One At All của Sơn Tùng M-TP bị Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn đề nghị cấm lưu hành. Về lý do, Cục cho biết: "Nội dung bản ghi âm, ghi hình There's No One At All mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật tự tử đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em".
Nội dung liên quan
Trước thông tin này, cộng đồng mạng chia ra làm 2 phe: 1 bên ủng hộ quyết định này; bên còn lại cho rằng mọi người đang quá nhạy cảm, sản phẩm này không hề gây hại. Trước những lời bênh vực của một bộ phận cộng đồng mạng, chúng ta thấy được một số tư tưởng có phần thờ ơ nhưng được đội lốt tích cực:
- MV ý nghĩa, đầu tư chỉn chu mà. Ai xem thì phải tự ý thức được đâu là thật, đâu là nghệ thuật. Không có ai coi phim, nghe nhạc mà tự tử được.
- Thấy cũng bình thường, có gì đâu mà cấm.
- Coi MV mà tự tử, tiêu cực được là dở rồi.
….
Thậm chí có bạn trẻ còn so sánh hình ảnh của Sơn Tùng trong MV với những tác phẩm văn học như Romeo & Juliet; Lão Hạc chỉ để bày tỏ quan điểm rằng There's No One At All không mang hình ảnh bạo lực, dễ gây tác động.
Nội dung liên quan
Trích bài viết của Tan Trung Nguyen Quoc:
Trước tiên, cần phải khẳng định rằng "tự sát" trong các tác phẩm nghệ thuật bao gồm văn học, thơ, hội họa, phim ảnh… không phải là một điều mới lạ.
Cặp đôi tự sát… lãng nhách nhất (và emo nhất) mà thế giới từng biết đến là ROMEO & JULIET trong vở kịch cùng tên của Shakespeare. Nhưng tác phẩm văn học này tiếp tục là nguồn cảm hứng cho hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật lớn nhỏ khác trên toàn thế giới.
Tại Hoa Kỳ, Anh và Châu Âu, "Romeo và Juliet" được dạy từ cấp trung học phổ thông (và thậm chí là sản phẩm nhạc kịch phổ biến nhất của các trường).
…
Từ việc LÃO HẠC tự sát bằng cách thức tàn nhẫn và đau đớn nhất có thể để tự trừng phạt mình (được dạy tại Việt Nam từ cấp Trung học Cơ sở / Phổ thông). THÚY KIỀU đòi sống đòi chết suốt mấy thiên (được dạy tại Việt Nam từ cấp Trung học Cơ sở). Kết thúc mù mờ với khả năng đi chết của chị Dậu (Ngữ văn lớp 8 ). Và hiển nhiên không thể không nhắc tới Chí Phèo.
…
Có thể nói "tự sát" là một hình ảnh phổ biến trong văn chương, âm nhạc, cũng như hội họa… tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
MV này của Sơn Tùng rất lạ (và theo Trung thì nó không cần thiết lắm), nhưng nó không duy nhất trong việc phổ biến hình ảnh tự sát cho giới trẻ Việt Nam.
Nội dung liên quan
Những tư tưởng, suy nghĩ và ý kiến trên có thể đúng nhưng nó không hợp. Nó lạc quan quá mức trong bối cảnh cần sự quan tâm và để tâm. Nó độc hại trong một thời đại cần những tư tưởng đúng và khách quan. Từ sự bênh vực của số ít cộng đồng mạng, chúng ta hãy nhìn về cách cư dân mạng Việt Nam đang tích cực một cách độc hại.
Tích cực độc hại - khi lời ủi an trở thành oán than
Tích cực độc hại là cái gì đó khá mới ở Việt Nam. Theo Tabitha Kirkland, một nhà tâm lý học và phó giáo sư giảng dạy tại Khoa Tâm lý học của Đại học Washington, cho biết điều quan trọng là phải nhận ra rằng sự tích cực và độc hại là hai điều khác nhau nhưng có liên quan. Người ta thường không rạch ròi cảm xúc nội bộ của bản thân và những cảm xúc có thể chiếu lên tư tưởng người khác.
Tích cực độc hại là một cách phản ứng thiếu sự đồng cảm. Suy nghĩ này bác bỏ cảm xúc của người khác thay vì thấu hiểu và khẳng định giá trị của người khác. Ví dụ điển hình của tích cực độc hại là: Bạn nói "mọi chuyện bình thường mà, vài ba bữa là mày ổn, tao từng như vậy rồi" với cô bạn thân đang đau buồn vì chia tay người yêu.
Nội dung liên quan
Khi lời tích cực rơi vào thời điểm thiếu chính xác sẽ trở thành một sự trấn an sai lầm. Điều này vô tình khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Một câu nói lạc quan mang tính chủ quan sẽ khiến người đang đau khổ cảm thấy bản thân thật thấp kém, nhỏ bé và yếu đuối.
Bênh vực There’s No One At All có phải là khách quan?
MV của Sơn Tùng là tác phẩm nghệ thuật, một sản phẩm phục vụ cho công chúng và được đăng công khai trên mọi nền tảng. Sản phẩm này không hạn chế độ tuổi, không mang bất kỳ khuyến cáo nào ngoài những hình ảnh tiêu cực, sa đoạ, bỏ bê bản thân. Thậm chí cảnh cuối trong MV còn ẩn chứa hình ảnh nhảy lầu tự tử. MV không phạm pháp, không thẳng thừng bảo mọi người kết thúc cuộc đời sau khi chống đối chẳng thành công. Nhưng những hình ảnh trong MV có thể hạt giống xấu sẽ nảy nở trong đầu những người xem đang có tinh thần không vững.
Suốt thời gian qua, mạng xã hội đã tràn ngập những tin tức đau lòng về các vụ tự tử. Các trường hợp chọn kết thúc đời mình đều là học sinh, sinh viên. Sự bế tắc, trầm cảm, tiêu cực đã dẫn các em đến quyết định cuối cùng như này. Và trong MV There's No One At All lại có cảnh tương tự và hàng chục cảnh ảm đạm, chán đời, mang tính chống đối xã hội.
Nội dung liên quan
Câu hỏi đặt ra ở đây "Chẳng lẽ khi cảm thấy cô đơn, mệt mỏi, chán nản, chúng ta lại tìm đến cái chết?"; "Chẳng lẽ đây là cách duy nhất để Sơn Tùng diễn đạt ca khúc?"; "Chẳng lẽ chúng ta vô tâm đến mức chẳng thấy việc người có sức ảnh hưởng đem đến những điều cổ xuý tiêu cực là bình thường?".
Cộng đồng mạng đã đến lúc ngừng áp đặt sự tích cực của bản thân lên suy nghĩ của cộng đồng. Đây cũng là lúc để người dùng mạng gieo rắc những tư tưởng tích cực đúng nghĩa thay vì cái nhìn lạc quan quá đà.
Nguồn: TH&PL