Việc bắt sao biển lên bờ để chụp ảnh đã trở thành "thói quen" của không ít du khách, nhưng ít ai ý thức được rằng chính hành động này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển.
Những ngày qua, câu chuyện về du khách tiếp tục bắt sao biển lên bờ chụp ảnh sống ảo đang nhận được nhiều sự quan tâm của netizen, phần lớn ý kiến đều cảm thấy bức xúc và cho rằng hành động này là vô ý thức, gây mất cân bằng đến hệ sinh thái biển.
Nội dung liên quan
Cơ chế hô hấp của sao biển
Sao biển lấy oxy và thải cacbonic qua chân ống, chúng hô hấp bằng một hệ thống mạch bơm nước biển qua khắp cơ thể thay cho máu. Chân ống và các nốt nhú này được trang bị một lớp mô rất mỏng, hệ thống hô hấp của chúng rất thô sơ. Vì thế, khi bắt sao biển lên cạn đồng nghĩa với việc bạn đang rút dần máu của sao biển. Không khí trên cạn được xem như là độc tố đối với hệ hô hấp của loài sinh vật này.
Khi quyết định cầm sao biển lên khỏi mặt nước cũng chính là lúc bạn cho sao biển một án tử. Việc bắt sao biển không đúng cách sẽ khiến chúng chết từ từ và đau đớn. Vì cơ thể của loài sinh vật này vốn chỉ được bao bọc bởi những lớp mô mỏng, chưa kể bàn tay con người có hàng tỉ vi khuẩn tiềm ẩn những khả năng gây hại đến sao biển.
Vai trò của sao biển trong hệ sinh thái
Mỗi sinh vật được tạo ra đều đảm nhiệm một nhiệm vụ đảm bảo sự cân bằng của tự nhiên, sao biển cũng vậy. Sao biển là một loài chủ chốt trong hệ sinh thái, chúng ăn tạp và thức ăn chủ yếu của chúng là xác thối, cá nhỏ, động vật thân mềm, tảo,...
Loài sinh vật này có vai trò quan trọng trong quá trình luân chuyển hữu cơ, vận hành hệ sinh thái mà chúng đang tồn tại. Vì thế, việc suy thoái hệ sinh thái sao biển có thể dẫn đến mất cân bằng cả một hệ thống sinh thái dưới khu vực biển đó.
Nội dung liên quan
Một số du khách ngày nay có thói quen bắt sao biển lên để chụp hình hay chạm vào san hô khi đi đến vùng biển. Hành động này một phần phản ánh việc thiếu ý thức, trách nhiệm với thiên nhiên, một phần thể hiện việc thiếu kiến thức của họ. Hiện tại, cơ quan chức năng cũng có nhiều biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên “vấn nạn” này vẫn diễn ra thường xuyên khiến hệ sinh thái biển mất cân bằng.