Sự kiện Hội An ký biên bản ghi nhớ với tổ chức phúc lợi động vật về vấn đề loại bỏ sử dụng, buôn bán thịt chó, mèo đang tạo nên những sự tranh cãi mạnh mẽ.
Suốt nhiều năm qua, chủ đề về sự "bình đẳng" chó, mèo vẫn luôn gây ra rất nhiều những ý kiến trái chiều khác nhau, những người ủng hộ thì vẫn luôn một mực bảo vệ và xem chúng như những người bạn, số khác thì cho rằng cũng chỉ là một loài động vật bình thường. Dường như câu chuyện sẽ vẫn còn rất lâu mới có thể đi đến một kết luận rõ ràng, khi ai cũng có những lý lẽ để bảo vệ cho quan điểm của mình.
Trong vấn đề này chúng ta cần có cách nhìn nhận khách hơn, cũng như dành những sự tôn trọng nhất định trước những ý kiến của người khác thay vì luôn mặc định hành vi trên là lệch lạc đạo đức hay thiếu văn minh. Dưới nhiều góc độ, nền văn hóa và bối cảnh từng quốc gia thì sẽ có những cách tiếp nhận vấn đề khác nhau, cụ thể hơn đó vẫn thuộc về sự lựa chọn của mỗi người.
Mỗi nền văn hóa và con người có cách tiếp nhận khác nhau
Trên thực tế, chúng ta không thể nào đánh giá một con người hay cộng đồng chỉ qua hành vi ăn uống của họ, suy cho cùng nó cũng là nhu cầu của mỗi người, song đó cũng không thể vì tình yêu thương của ai đó mà đánh đồng họ là thượng đẳng. Mỗi người đều có những cách tiếp nhận vấn đề và quan điểm hoàn toàn khác nhau, chính vì lẽ đó mà chúng vẫn sẽ tạo nên rất nhiều sự tranh cãi xoay quanh.
Có những món ăn của các quốc gia vốn trở thành đặc trưng nhưng với người khác đó là điều gì đó rất kinh khủng, nên trong một phần những ý kiến chúng ta vẫn có thể thông cảm được. Thứ mà dư luận đáng lưu tâm không phải là một cá nhân trưng dụng thứ gì làm thức ăn đáp ứng nhu cầu của mình, mà là cách họ ăn ra sao để dung hòa với những cách tiếp nhận khác nhau.
Nếu chúng ta là một người yêu thích các loài thú nuôi, dành những tình cảm chân thành cho chúng thì vẫn có quyền được bảo vệ quan điểm của mình và đấu tranh cho những gì mình cho là đúng. Tuy nhiên, cần để mọi thứ diễn ra trong sự văn minh và tôn trọng, hơn hết là không để những cảm xúc tiêu cực của bản thân vô tình xúc phạm đến những cá nhân trong một cộng đồng.
Bên cạnh đó, mỗi người trong xã hội cần có sự nhìn nhận vấn đề như một nền văn hóa có từ lâu đời và có những suy nghĩ tích cực để không ngừng thay đổi. Bản chất thật sự có việc tiếp nhận này là không phải làm mất đi những giá trị truyền thống cốt lõi, mà đặt mọi thứ trong những sự phát triển không ngừng, hướng đến một đất nước với sự văn minh, hiện đại và không ngừng đổi mới.
Chúng ta vẫn còn nhiều cách tiếp nhận văn minh hơn
Có sự phản đối và lên án, nhưng nó cần đặt đúng hơn vào các bối cảnh, ví như việc những cá nhân có hành vi trộm cắp chó mang đến những lò giết mổ, công khai đánh đập hay hành hạ dã mang chúng… Đây chính là những hành vi phản cảm cần được bài trừ, khi nỗi đau không còn dừng lại ở những thứ thuộc về vật chất, mà là một phần tổn thất to lớn về mặt tinh thần.
Về mặt cơ bản, thì mọi loài động vật trong tự nhiên đều ngang bằng với nhau, nhưng ở một khía cạnh khác thì sự "công bằng" mà hội yêu chó mèo vẫn thường hay nói với nhau lại đến từ tình cảm. Chúng thường gần gũi với con người nhiều hơn, đi vào cuộc sống nhiều hộ gia đình, thậm chí trở thành một thành viên, nên khi chứng kiến chúng bị làm thức ăn thì những cảm xúc đau lòng cũng là một điều bình thường chắc chắn xảy ra.
Cũng có nhiều người dù rất yêu thương chó mèo nhưng khi đứng trước việc một ai đó dùng chúng làm thức ăn thì họ vẫn có thể chấp nhận trong một giới hạn nào đó. Điều này, cũng một phần đến từ cách tiếp nhận khác biệt của mỗi người khi vốn hai vấn đề không liên quan mật thiết với nhau, bạn vun đắp tình yêu cho thú nuôi nhưng không có nghĩa sẽ phản đối việc một người mang đồng loại chúng ra làm thức ăn.
Điều quan trọng hơn hết là chúng ta cần có những khoảng thời gian để có thể dần thay đổi và thích ứng sao cho phù hợp hơn, trước vấn đề tranh cãi này không thể giải quyết một cách ngay lập tực. Vì vậy, trước khi muốn người khác lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cá nhân mình thì hãy luôn dành sự tôn trọng tuyệt đối trong cách ứng xử và có cách nhìn nhận tích cực.
Góc độ tình cảm, đó là minh chứng cho sự phát triển nhân loại
Nhà nước và những chế tài của pháp luật cũng đã có những giải pháp để đẩy lùi những hành vi ngược đãi động vật, nhưng chưa có bất kỳ quy định nào cho việc cá nhân không được phép sử dụng thịt chó mèo. Nếu xét về góc độ tình cảm thì đâu đó vẫn cần đến sự nhân văn trong nhu cầu của con người, bởi trong thời đại hiện nay chức năng của chúng không còn là để đáp ứng cho nhu cầu ăn uống của mỗi cá nhân.
Chúng ta cũng cần một nhìn nhận một thực tế, chính những thứ tình cảm nhỏ bé này cũng sẽ quyết định nên một phần nhân cách và quy định hành vi của cả một thế hệ. Sự thay đổi các quan điểm sẽ rất khó có thể thực hiện, nhưng chúng ta vẫn có thể khuyến khích, tuyên truyền và có những hành động tích cực bảo vệ động vật để có thể tác động đến tư duy nhiều người.
Có thể nhận thấy, trong xã hội ngày nay thì vấn đề này cũng đã dần có những sự chuyển biến nhất định, bằng chứng là việc có nhiều tổ chức bảo vệ chó mèo hơn, nhiều bộ luật được ban hành hay những hàng quán về thịt chó mèo trở nên thưa thớt so với giai đoạn trước. Đây chính là một tín hiệu đáng mừng để chúng ta có thêm hy vọng về một thế giới với sự hòa hợp trong tình yêu thương.
Công lý với những hành vi tồi tệ dành cho động vật có thể đến muộn, nhưng sẽ không bao giờ mất đi trong một xã hội với rất nhiều những con người vẫn đang miệt mài hành động. Hãy dừng những việc tranh cãi, phân định đúng sai và giữ cho mình một thái độ tích cực nhất để cùng chung tay xây dựng một thế giới văn minh và đón chờ những điều tốt đẹp.
Nguồn: TH&PL