Làm chính mình, tự lựa chọn con đường sự nghiệp của mình vẫn còn là một điều khó khăn với nhiều bạn trẻ.
Mỗi mùa tuyển sinh, thi đại học chúng ta luôn bắt gặp hình ảnh những người cha, người mẹ tất bật bên đống hồ sơ cho con về việc chọn ngành, chọn trường. Việc của các bạn học sinh lại trở thành "niềm trăn trở" của phụ huynh.
Cùng với những lo lắng, sự quan tâm đó phụ huynh hay vướng vào những sai lầm đáng tiếc trên con đường tương lai của con em mình. "Hệ lụy" cùng bao tiếc nuối khi phụ huynh chọn trường cho con mình.
Chưa đủ trưởng thành để quyết định tương lai, hay đã trưởng thành mà không được nhìn nhận?
Tâm lý của phụ huynh Việt Nam ám thị với việc luôn nghĩ con cái của mình dù ở độ tuổi nào vẫn rất nhỏ, còn trẻ con chưa đủ chín chắn trong mắt người lớn. Việc quyết định chọn trường, chọn ngành cũng không là điều ngoại lệ. Sẽ không quá xa lạ hay bất ngờ với định kỳ mỗi năm, mùa tuyển sinh lại rộn ràng bóng dáng phụ huynh với hồ sơ, điền nguyện vọng, chọn trường, chọn ngành cho con. Nhưng đằng sau sự lo lắng ấy là những sai lầm, những hệ lụy không thể ngờ đến.
Ba mẹ của biết bao thí sinh là người quyết định chọn ngành chứ không cho con chọn vì nghĩ con mình chưa lớn để hiểu rõ vấn đề. Với 2 tình huống, một là ba mẹ có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết, nắm được sở thích, năng lực của con cũng như hiểu rõ nhu cầu thị trường lao động, muốn tốt cho con nên định hướng con phải học ngành đó.
Hai là ba mẹ thể hiện quyền lực, muốn tự mình quyết định thay con nhưng không có sự am hiểu về ngành nghề, không hiểu khả năng của con, chọn ngành theo đám đông rồi áp đặt con phải học. Dù là tình huống nào cũng dẫn đến sai lầm, mâu thuẫn về sau khi con chọn ngành.
Với sự bao bọc, lo lắng này sẽ dẫn đến việc học của con không phù hợp về sau, không đúng với năng lực, niềm đam mê cùng những nhu cầu phát triển của các bạn. Chọn nghề vượt quá khả năng kiến thức, trí tuệ.
Nhiều phụ huynh chọn trường chọn ngành cho con mà quên để ý đến năng lực học tập con mình. Phụ huynh hướng con đến những kỳ vọng quá cao để rồi tạo thành một áp lực vô hình khi con bước vào kỳ thi, mất tự tin vào bản thân, trên con đường học tập và theo đuổi dễ dẫn đến việc "đứt gánh giữa đường" vì không thể cố gắng được nữa.
Bên cạnh đó phụ huynh còn vướng phải những sai lầm khi chọn nghề chọn ngành cho con như chọn ngành về năng khiếu nhưng con em mình không có những năng khiếu đó. Chọn nghề mà con không có đủ đức tính, phẩm chất phù hợp, không đủ sức khỏe.
Để tránh những sai lầm này, ba mẹ hãy trở thành những người bạn của con, đồng hành cùng con trong suốt quãng đường học tập của con em mình, hãy học cách trò chuyện làm bạn cùng con, hiểu con để trở thành "cố vấn" mà con tin tưởng tìm đến.
Thực hiện ước mơ của ba mẹ, không phải học cho chính mình?
Đây được xem là sai lầm hay gặp, phổ biến nhất ở phụ huynh Việt Nam, các bậc phụ huynh gửi cả những ước mơ, những kỳ vọng ngày xưa của mình trên con đường tương lai của con mình. Với sự vô tình của ba mẹ đã vô hình đã đẩy con mình vào vô số khó khăn, trăn trở, áp lực học, gồng gánh ước mơ của ba mẹ trên vai, chán chê mất đi những hứng thú trong học tập, luôn trong tâm thế "học cho ba mẹ" chứ không phải học cho mình.
Đam mê, sở thích cùng những khả năng của bản thân gần như được gạt bỏ sang một bên khi phải thực hiện ước mơ thay ba mẹ. Con đường tương lai của chính bản thân mỗi bạn học sinh như dừng lại trước những quyết định của phụ huynh.
Hãy để con được là chính mình, theo đuổi những điều mà con muốn, chịu trách nhiệm trước quyết định của chính bản thân mỗi người. Đừng áp đặt những suy nghĩ, ước mơ, ngành nghề của người lớn lên đôi vai của con trẻ. hãy để con được đi trên con đường mà con lựa chọn.
Thương con, quan tâm đến con không có nghĩa là như vậy, vì điều đó ảnh hưởng rất nhiều tới tính cách, hành động và cuộc đời của con sau này. Phụ huynh thường bị nhầm giữa việc "muốn tốt cho con" và " muốn tốt cho con theo ý cha mẹ".
Chính sự ích kỷ, sự an toàn quá mức, gò bó, áp đặt con vào khuôn khổ đã níu chân biết bao người trẻ. Khiến cho tuổi trẻ là những lầm lỡ, là chệch hướng, là sai lầm. Nó bất lực trước những chuỗi ngày tẻ nhạt, những cái hư vinh không thật mà ba mẹ vẫn luôn tự hào. Nhưng họ nào biết "Mẹ ơi, cha ơi, con cũng có bầu trời của riêng mình".
Tình yêu thương sẽ là động lực nếu ba mẹ biết lắng nghe và thấu hiểu con cái và con cái cũng bình tĩnh sẻ chia cùng ba mẹ. Tình yêu thương sẽ là "song sắt" nếu ba mẹ chỉ chú tâm vào những giá trị thực tế, những suy nghĩ được áp đặt từ quan điểm cá nhân. Để rồi, tương lai con trẻ sẽ mãi mãi chôn chân trong cái vỏ bọc được nhân danh tình yêu, dưới sự kiểm soát đầy vị kỷ của chính họ. Hãy để các con được là chính mình, được tự lựa chọn con đường của riêng mình.
Nguồn: TH&PL