Tuy khác nhau về cách thể hiện, cả Andree Right Hand lẫn Đen Vâu đều không dưới một lần nói về câu chuyện kiếm tiền từ nhạc rap.
Giấc mơ kiếm tiền từ rap
Chủ đề của huấn luyện viên Andree Right Hand đặt ra cho bộ đôi Dlow - STRANGE H tại vòng Đối đầu Rap Việt mùa 3 là "money dream" - giấc mơ về tiền bạc. Tuy nhiên, nội dung này không mang theo những sự tiêu cực. Thay vào đó, đây là khát vọng vươn lên của những rapper trẻ vốn không có một bệ đỡ vững chắc.
MC Trấn Thành nói sau tiết mục: "Tất cả chúng ta ở Rap Việt mang rap đến cho khán giả, để họ biết đây là một bộ môn được công nhận, có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân".
Rapper Andree Right Hand nói: "Mình không thể sống với đam mê nếu không có tiền. Ngay cả Đen Vâu cũng bảo là: 'Đem tiền về cho mẹ'. Làm nghệ sĩ là để chúng ta kiếm tiền mà. Tôi cũng có giấc mơ đem rap để kiếm tiền, và một ước mơ khác là đem rap đến với mọi người nghe".
Rapper BigDaddy cũng nhắc về câu chuyện "mất chất" từng gây nhiều tranh cãi trước đây. Giọng rap Tình Yêu Màu Nắng nói: "Giờ mọi thứ đã thay đổi rất nhiều rồi. Phải kiếm được tiền mới theo đuổi được đam mê".
Ngay cả Đen Vâu cũng bảo là: 'Đem tiền về cho mẹ'.
Từ lúc đặt chân lên mainstream, âm nhạc của các rapper cũng giảm bớt tính đường phố trong ca từ, khiến đông đảo người nghe có thể chấp nhận. 10 năm trước, giới rap còn gặp nhiều trái chiều trên thị trường. Đa phần các rapper phải hoạt động ở underground (thế giới ngầm).
Giờ đây, rất đông rapper ồ ạt bước qua ranh giới underground để tiến lên mainstream. Họ bắt đầu được khán giả đại chúng công nhận, và kiếm nhiều tiền hơn.
Nội dung liên quan
"Không có tiền thì làm nhạc làm sao..."
Theo Thanh Niên, ở góc độ người thưởng thức, có thể cảm nhận rõ nếu trước đây rap "khó nghe, khó gần" vì bị định kiến, bị cho là gắn với ngôn ngữ của bạo lực, của sự phản kháng cực đoan. Đây là vấn đề xuất thân và phát triển của dòng nhạc này: tập trung ở nơi thường gắn với nhiều tệ nạn xã hội và băng đảng của người da màu/người nghèo. Dần dà định kiến ấy đã thay đổi.
Những câu chuyện mà rap Việt mang đến ngày càng đa dạng hơn, từ tình bạn, tình yêu đến những vấn đề của xã hội, từ tâm tư riêng hóa thành nỗi niềm chung, khiến những câu rap ngày càng được lan tỏa. Cũng từ sự lan tỏa này, âm nhạc bắt đầu mang lại những đồng tiền thực thụ cho các rapper.
Rapper Thái VG nói trong bài phỏng vấn độc quyền cùng chúng tôi: "Ở Việt Nam hiện tại, đã có thêm rất nhiều sự hỗ trợ khác nhau cho văn hóa rap. Nói rộng ra, cả thế giới rap đều đang phát triển, mỗi người có một màu sắc riêng".
"...không có tiền thì làm nhạc làm sao?". Đó là câu nói của Đen Vâu ở cuối ca khúc Bài Này Chill Phết hợp tác cùng MIN. Và đó cũng là câu chuyện không-của-riêng ai mỗi khi làm nhạc.
Nói như MC Trấn Thành: "Chúng ta làm nghề, không đặt tiền lên hàng đầu nhưng cũng phải là thứ hai, thứ ba. Nghệ thuật không thể nào là không ai nghe, không ai mua sản phẩm đó.
Nghệ thuật cuối cùng làm ra để thưởng thức. Và khi nhiều người thưởng thức, đồng tiền sẽ là món quà được kèm theo. Chúng ta làm để có cả hai: nghệ thuật lẫn người công nhận".
Nghệ thuật cuối cùng làm ra để thưởng thức. Và khi nhiều người thưởng thức, đồng tiền sẽ là món quà được kèm theo.
Nhạc rap Việt Nam bắt đầu được đặt nền móng từ những năm 1997 - 2000 qua bản Vietnamese Gang của Thái VG - Khanh Nhỏ. Suốt 2 thập kỷ tồn tại và phát triển, nhạc rap Việt Nam hiện nay đang là dòng nhạc được nhiều người trẻ yêu thích, theo đuổi. Các rapper cũng được công nhận và công chúng đã có cái nhìn thoáng hơn với "thứ âm nhạc" thô ráp này qua những bản hit triệu view.
Nguồn: TH&PL