Tết đến Xuân về đối với mỗi người không chỉ là một ngày lễ lớn mà còn là một dịp để đoàn viên, sum vầy gia đình. Thế nhưng nhiều bạn trẻ ngày nay lại chỉ ăn Tết ''cho có'', ''cho qua Tết''.
Từ xưa đến nay, Tết luôn là một ngày lễ lớn trong năm của cả nước, là dịp để những người đi xa được quay trở về nhà, là cơ hội để những đứa con được phụng dưỡng ông bà, hiếu kính với cha mẹ, là lúc cả nhà cùng quây quần trong ngôi nhà của mình để cùng nhau đón những thời khắc cuối cùng của năm cũ và chào đón một năm mới đến.
Nhưng đối với nhiều bạn trẻ ngày nay, Tết đã không còn quá quan trọng. Nhiều người thậm chí chỉ ở nhà với người thân vào những ngày giáp Tết để phụ các công việc dọn dẹp và bày biện trong gia đình còn những ngày Tết thì lại lao đầu vào máy tính, điện thoại, công việc, deadline hay đi chơi xa cùng hội bạn bè chứ không muốn ở nhà đón Tết.
Với những bạn trẻ này, Tết cũng chỉ như bao ngày lễ khác trong năm nên họ muốn tận hưởng ''cho xong'' Tết chứ không muốn đón năm mới một cách đúng nghĩa như ông cha ta thường làm.
Nội dung liên quan
Do "Tết chán" hay mình "chán Tết"?
Nhiều bạn trẻ hay than rằng, Tết nay ''chán'', Tết nay ''nhạt''. Những ngày Tết chỉ biết ở nhà để chạy deadline hay đủ các loại bài tập được thầy cô giao về nhà trước Tết, nhiều bạn thì bị những lời hỏi thăm mang tính ''sát thương'' của người thân họ hàng như ''có việc làm chưa?'', ''chừng nào mua nhà, mua xe?'' hay ''chừng nào lấy vợ lấy chồng?'' liên tục ''tấn công''.
Nguyễn Thanh Hòa (sinh viên năm 3, trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM) chia sẻ cậu bạn này không thích mỗi khi người thân đến xông đất cho gia đình thì bạn ấy lại có dịp ''đối mặt'' với những câu hỏi dồn dập của bà con họ hàng như học hành thế nào, lớn thế này thì bao giờ lấy vợ hay những màn khoe ''con nhà người ta''.
''Điều gì làm mình cảm thấy 'ngán' trong những ngày tết thì chắc chắn là những lần có khách tới chơi và rồi đặt những câu hỏi khiến mình đứng hình mất vài giây như: 'Nay lớn thế, đã dắt người yêu về chưa?' hay những màn giới thiệu con nhà người này, người kia...'', Hòa tâm sự.
Bùi Nguyệt Nga (sinh viên năm 3 của trường Đại học Khoa học Xã học và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) lại cho rằng điều đáng sợ nhất đối với Nga mỗi khi dịp Tết đến là bạn ấy lại bị cuốn vào ''vòng xoáy'' của vô số món ăn ngày Tết, mặc dù ngon nhưng lại quá nhiều và lại không được ''healthy'', dễ gây tăng cân, khiến cho cô nàng không được vóc dáng vốn xinh xắn của mình.
"Ngán nhất vào ngày tết có lẽ là đồ ăn nhiều quá, ngày nào cũng thịt heo, gà, vịt... không được healthy lắm nên dễ tăng cân", Nguyệt Nga nói.
Tết không bao giờ đổi thay, chỉ có chúng ta là những người đang lớn lên từng ngày. Tết cũng bao giờ là ''chán'' mà chỉ có chúng ta là những người thay đổi. Nhưng chúng ta đang vô tình đặt bản thân mình lên trước tiên mà quên đi mất rằng mình cũng là một thành viên quan trọng trong chính gia đình chúng ta, là một tế bào của xã hội này.
Dù xã hội này có phát triển đến như thế nào thì cội nguồn của nó vẫn là những giá trị truyền thống và Tết là một trong số đó. Đừng bao giờ chê Tết ngán vì đây là dịp mà mỗi năm chỉ có một lần và nếu qua đi rồi thì ta lại phải chờ thêm một năm nữa để có thể lại được sống trong không khí này một lần nữa.
Tết thời 4.0: Đã không còn quan trọng như trước?
Bước vào thời đại 4.0, đời sống đã có rất nhiều thay đổi, tiện nghi hơn, hiện đại hơn và cuộc sống của con người. Tết cũng như vậy, mặc dù những giá trị truyền thống vẫn còn nguyên vẹn nhưng không khí Tết đã thay đổi rất nhiều.
Tuy nhiên cũng vì thế mà nhiều bạn trẻ lại không muốn ăn Tết truyền thống mà lại muốn ăn Tết theo kiểu ''online'', ''ăn Tết qua loa'', chỉ thích cắm cúi vào chiếc điện thoại thay vì ăn bữa cơm Tết chung với gia đình hay lao đầu vào chiếc laptop trong khi mà cả nhà đang ngồi nói chuyện rất rôm rả với nhau.
Chia sẻ về vấn đề này, Nguyễn Vũ (sinh viên năm nhất của trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết vẫn có rất nhiều những bạn trẻ chờ mong đến Tết để bày tỏ tình cảm của mình với gia đình, người thân. Mặc dù Tết có chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, của giá trị hiện đại nhưng những nét đẹp thiêng liêng, trang trọng của Tết là điều sẽ không bao giờ thay đổi.
''Nhiều người trẻ rất mong chờ đến Tết để bày tỏ tình yêu thương đối với những người thân – điều mà họ khó có thể cất thành lời… Tết, có thể kém náo nhiệt khi xã hội hiện đại, có thể kém rộn ràng với tình hình dịch bệnh nhưng Tết vẫn chứa đựng những nét đẹp thiêng liêng, trang trọng. Tết không hề thay đổi, Tết chỉ đến đúng dịp và rời đi khi thời gian trôi…'', Nguyễn Vũ nói.
Quả thật là bên cạnh những người cho rằng Tết ''chán'', Tết ''nhàm'' thì vẫn còn rất nhiều bạn trẻ háo hức chờ đón một mùa Tết lại đến. Dù là ở trong nước hay ngoài nước, dù làm việc văn phòng hay ngoài công trường, dù bất kể là ai đi nữa thì Tết vẫn là khi chúng ta quay trở về với gia đình, với vòng tay của cha mẹ.
Làm gì để "reload" lại Tết?
Thay vì năm nào cũng lặp đi lặp lại điệp khúc ''Tết này chán quá'' rồi lại ở nhà ăn Tết cho qua rồi lại đi. Ta nên làm mới Tết để Tết không còn nhàm chán lại còn tăng thêm phần thú vị và gắn kết thêm tình cảm giữa chúng ta với gia đình, người thân hay bạn bè. Nhiều bạn trẻ đã chọn cho mình những cách khác nhau để ''reload'' lại mùa Tết này.
Nguyệt Nga cho biết cô bạn này sẽ làm tặng cho mẹ một điều bất ngờ nho nhỏ trong dịp này, bên cạnh đó còn dự định thực hiện một video ngắn để ghi lại những khoảnh khắc của gia đình bạn ấy.
''Tết này mình dự định sẽ tặng mẹ một bất ngờ nho nhỏ do chính tay mình làm. Ngoài ra, mình sẽ định làm một video ngắn thôi để ghi lại khoảnh khắc khi được ở bên gia đình vì cũng khá lâu rồi, chưa có dịp để chụp một tấm hình gia đình hoàn chỉnh. Thêm nữa là vì dịch nên không thể đi lại như mọi năm, mình cũng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, điện thoại, pin đầy đủ để chúc tết, ăn tết online cùng cô dì chú bác", Nguyệt Nga chia sẻ.
Bên cạnh Nguyệt Nga, nhiều bạn trẻ cũng tận dụng khoảng thời gian Tết đến Xuân về này để ở bên gia đình nhiều hơn, bên người thân nhiều hơn. Thay vì như mọi năm đi du lịch một mình hay chỉ đi với bạn bè thì tại sao không đặt một chuyến du lịch để cả nhà đón năm mới cùng nhau. Với những bạn không có nhiều điều kiện để đi xa thì cũng có thể ở nhà, tham gia các hoạt động Tết truyền thống của địa phương hay là đi tình nguyện giúp các mảnh đời khó khăn có một cái Tết ấm êm, hạnh phúc hơn.
Thay vì chỉ cắm đầu vào điện thoại, laptop cho xong Tết thì hãy thử một lần cùng cả nhà ngồi lại, tâm sự với nhau về những chuyện đã trải qua trong suốt một năm vừa qua có gì vui buồn, chắc chắn điều đó sẽ giúp chúng ta loại bỏ đi nhiều gánh nặng và nhẹ nhàng hơn để sang năm mới có một năm học tập làm việc hiệu quả hơn.
Nguồn: TH&PL