Sự kết hợp giữa âm nhạc của Kitaro và Hà Anh Tuấn để lại trong lòng khán giả nhiều băn khoăn sau đêm đầu tiên của "Chân Trời Rực Rỡ".
Bên cạnh sức hút vốn có của thương hiệu concert mang tên Hà Anh Tuấn thì rõ ràng, âm nhạc của Kitaro cũng là điều khiến khán giả háo hức chờ đợi tới 2 đêm nhạc Chân Trời Rực Rỡ (The Glorious Horizon). Với việc Hà Anh Tuấn mang âm nhạc của Kitaro tới một không gian mở lớn như sân lễ hội Vua Đinh - Vua Lê với sức chứa trên 5000 khán giả, đây là bài toán khó để giữ vững được tinh thần âm nhạc của tượng đài vĩ đại bậc nhất dòng New Age.
Và có lẽ, sau đêm đầu tiên của "Chân Trời Rực Rỡ", màn kết hợp của Hà Anh Tuấn và Kitaro đã cho thấy rõ những "lỗ hổng" khiến khán giả băn khoăn.
Giọng hát của Hà Anh Tuấn "đuối" khi thể hiện lời Việt cho hai bản hòa tấu của Kitaro
Trong chương trình, Hà Anh Tuấn chọn "làm mới" âm nhạc Kitaro bằng cách phối lời Việt vào 2 bản hòa tấu nổi danh thế giới: Silk Road và Koi, lần lượt với tiêu đề tiếng Việt Đường Tơ Lụa Đường Cố Hương và Ánh Trăng Tan. Phần lời Việt của hai ca khúc do nhạc sĩ Việt Anh chấp bút.
Koi và Silk Road vốn là hai bản hòa tấu rất quen thuộc với khán giả ở thập niên 2000, nhưng việc thêm lời Việt lại biến chúng trở nên khá xa lạ với khán giả có mặt. Cũng phải nhấn mạnh, vì những bản hòa tấu của Kitaro vốn không lời, khi đặt lời Việt và hát lên với các thanh dấu trúc trắc, dù nhạc sĩ Việt Anh có viết gần sát nhất với ý của Kitaro, thì việc truyền tải ý đồ như bản gốc càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Thực tế cho thấy kể cả khi giọng hát của Hà Anh Tuấn có tiến bộ hơn so với thời điểm tổ chức show quy mô gói gọn trong nhà hát trước đó là Những Vết Thương Lành thì ở những quãng rộng trong bài hát, anh cũng không tránh khỏi chênh phô, hát "nuốt" chữ, hoặc có những đoạn hát không rõ lời.
Nội dung liên quan
Phần phối mới của Kitaro cho loạt hit cũ của Hà Anh Tuấn cũng chưa thực sự ấn tượng
Khi Hà Anh Tuấn trở lại với những bản hit của mình, giọng hát của anh có nội lực và "an toàn" hơn hẳn khi thể hiện Koi và Silk Road lời Việt. Tuy nhiên, "nút thắt" ở đây lại nằm ở phần của Kitaro khi chơi nhạc giữa không gian rộng của sân lễ hội Vua Đinh - Vua Lê.
Với 3 ca khúc Tháng Tư Là Lời Nói Dối Của Em, Một Mình Một Sớm Ban Mai và Xuân Thì, khán giả có thể nghe được thêm những âm thanh từ những loại nhạc cụ dân tộc, điển hình như sóng âm giúp tạo âm thanh gần với tiếng chim hót tại ca khúc "Tháng Tư Là Lời Nói Dối Của Em".
Tuy nhiên, những bản phối này, đặc vào không gian mở, thì gần như không có hiệu ứng tác động tâm trí như người ta vẫn kì vọng hay hình dung về âm nhạc New Age của Kitaro trước đó.
Điều này hoàn toàn không có nghĩa là phần phối của Kitaro không hay, mà do điều kiện không gian chưa phù hợp. Bởi điều cốt lõi nhất trong với âm nhạc của Kitaro là không gian kín, khi sóng âm có sự tiếp xúc thẳng với tai nghe và tác động trực tiếp vào tâm trí. Khi âm thanh bị tác động bởi yếu tố môi trường thì dù khán giả có im lặng như theo "bảo đảm" của Hà Anh Tuấn, lẽ tất yếu, âm nhạc của Kitaro cũng không được đảm bảo 100% như tinh thần mong muốn.
Ngoài phần thể hiện của Hà Anh Tuấn, Kitaro cũng có phần độc tấu nhạc phẩm bất hủ Matsuri. Yếu tố môi trường lại càng được thể hiện rõ hơn ở đây khi tiếng trống Nagado Daiko trong bản gốc vốn mạnh mẽ, nay lại có vẻ như yếu thế khi kết hợp cùng dàn nhạc giao hưởng Saigon Pop Oschestra.
Rõ ràng, Hà Anh Tuấn rất thông minh trong việc "bắt nhịp" xu hướng mời tượng đài âm nhạc về Việt Nam, nhất là một huyền thoại như Kitaro. Người ta đã quá quen thuộc với những bản hòa tấu như Koi, Silk Road,... xuất hiện trong chương trình thập niên 2000 kiểu "Thời Trang và Cuộc Sống", "Thế Giới Đó Đây",... nhưng lại có thể không biết người sáng tác là ai, thì việc mời Kitaro, giới thiệu tên tuổi của ông một cách chính thức hơn với khán giả Việt là một "nước cờ" hay cả về "kinh doanh" lẫn âm nhạc.
Dù vậy, thực tế, màn kết hợp chung của hai nghệ sĩ lần này gần như không tạo ra bất ngờ hay ấn tượng. Anh rõ ràng hợp với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Vượng - người tính toán để làm ra những bản phối đo ni đóng giày cho anh, hơn là thử nghiệm với một nghệ sĩ đã có cá tính độc lập, đặc biệt như Kitaro.