Hà Anh Tuấn đã có những tính toán nhất định khi mời huyền thoại dòng nhạc New Age là Kitaro tới Việt Nam.
Chỉ còn 1 ngày nữa, hai đêm nhạc Chân Trời Rực Rỡ (The Glorious Horizon) của Hà Anh Tuấn sẽ chính thức diễn ra tại Ninh Bình với sự xuất hiện của huyền thoại Kitaro. Đây được xem như nước cờ liều lĩnh của Hà Anh Tuấn cả về sắp xếp địa điểm tổ chức cũng như cách chọn lựa âm nhạc trong không gian mở giữa núi rừng.
Bài toán kết nối với âm nhạc chánh niệm của Kitaro tại concert
Về việc mời Kitaro về Việt Nam tham dự đêm nhạc lần này, Hà Anh Tuấn từng chia sẻ với khán giả:
"Ông Kitaro chỉ băn khoăn 1 điều duy nhất, đó là khi ông xem show diễn ở Đà Lạt của tôi trên YouTube, ông lo rằng quy mô đó hơi to so với ông. Ông thích âm nhạc ở những không gian nhỏ hơn. Nghe vậy, tôi nói rằng: 'Tôi đảm bảo với ngài, dù quy mô có to hơn nữa, nhưng khi ngài biểu diễn, tất cả khán giả sẽ không nói gì và giữ một sự yên tĩnh tuyệt đối'."
Sở dĩ, Kitaro có những lo lắng như vậy là bởi âm nhạc của Kitaro sử dụng đàn synthesizer với rất nhiều những sóng âm thanh điện tử để tác động mạnh mẽ vào tâm trí. Nhạc của Kitaro được xếp vào dòng New Age (Thời đại mới) nhưng ông thích gọi đó là nhạc tâm linh, nhiều cảm xúc hơn là kỹ thuật điện tử. Các buổi biểu diễn của ông thường được tổ chức trong không gian kín với quy mô nhỏ, thường sẽ là các nhà hát để có thể đảm bảo chất lượng âm thanh.
Chính vì vậy, chỉ riêng việc Hà Anh Tuấn mang âm nhạc của Kitaro tới một không gian quá lớn như sân lễ hội Vua Đinh - Vua Lê với sức chứa trên 5000 khán giả/đêm cũng khiến không ít khán giả đặt câu hỏi về việc ekip Hà Anh Tuấn sẽ xử lý thế nào để giữ vững được tinh thần âm nhạc của tượng đài vĩ đại bậc nhất dòng New Age.
Theo như track-list từ phía Hà Anh Tuấn cung cấp, giọng ca sinh năm 1984 sẽ thể hiện hai nhạc phẩm bất hủ của Kitaro là Koi và Silk Road với lời Việt từ nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Ngoài ra, Kitaro cũng sẽ sáng tạo thêm và cùng Hà Anh Tuấn thể hiện 4 bản hit gắn liền với tên tuổi của anh là Tháng Tư Là Lời Nói Dối Của Em, Một Mình Một Sớm Ban Mai, Xuân Thì và Tháng Mấy Anh Nhớ Em.
Ở phần độc tấu, Kitaro sẽ thể hiện 3 nhạc phẩm bất hủ của ông là Matsuri, Think Of You và Heaven And Earth.
Ngoài phần liên quan tới Kitaro, Hà Anh Tuấn cũng thể hiện những ca khúc như Tình Ca (Phạm Duy), Qua Cơn Mê (Trịnh Lâm Ngân),... Nhìn chung, nhạc mục là một danh sách tổng hợp những chủ đề gần đây nhất của Hà Anh Tuấn: thiên nhiên, tự do, hàn gắn, những vết thương lành.
Với track-list kể trên, kết hợp cùng không gian tôn nghiêm tại sân lễ hội Vua Đinh - Vua Lê, Hà Anh Tuấn đang muốn hướng khán giả của mình tiếp cận một cách gần hơn tới những giá trị tinh thần, cộng hưởng văn hoá tâm linh.
Đây là một bài toán rất nan giải trong đêm concert, bởi âm nhạc của Kitaro đã quá quen thuộc, vì không lời nên sóng âm thanh "tiếp xúc" thẳng vào tâm trí, còn khi đặt lời Việt - với các thanh dấu trúc trắc, lại ở giữa không gian quá lớn thì điều đó càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Mượn âm nhạc Á Đông của Kitaro để "bắt nhịp" sang âm nhạc tâm linh
Có thể nói, Hà Anh Tuấn là một nghệ sĩ thức thời, điều này được chứng minh bằng việc anh là người đầu tiên tại Việt Nam xây dựng được concept âm nhạc cover kết hợp với du lịch trải nghiệm cách đây 5 năm từ See Sing Share mùa 2. Và lần này, khi concept đó đã trở thành trào lưu và có phần thoái trào tại Việt Nam, Hà Anh Tuấn tiếp tục bắc "nhịp cầu" mới với sự kết hợp cùng âm nhạc "healing" của Kitaro.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, trong thời điểm hiện tại, sau khoảng thời gian khủng hoảng vì đại dịch COVID-19 và cả khi xã hội càng phát triển, con người dễ gặp các vấn đề về tâm lý, thì việc dùng âm nhạc mang hướng "spiritual" (tâm linh/chánh niệm) để thiền hay chữa lành lại càng nhiều hơn bao giờ hết.
"Detox" tinh thần bằng thiên nhiên và âm nhạc đang trở thành một trong những xu hướng, thì việc Hà Anh Tuấn lựa chọn "bắt nhịp" cùng Kitaro cũng là một trong những sự khôn lanh của anh. Bản thân Kitaro trưởng thành từ một gia đình theo đạo Phật và Thần đạo (Shinto) nên âm nhạc của ông gắn chặt với tinh thần vui sống, hòa hợp vào thiên nhiên.
Tại thị trường âm nhạc trong nước, diva Hà Trần, hay ở một dạng nguyên bản hơn đã có Lê Cát Trọng Lý từng làm điều này và có riêng một bộ phận khán giả ủng hộ. Album Những Dòng Sông Ngón Tay của Hà Trần hay dự án Du Ca của Lê Cát Trọng Lý là một trong hai ví dụ điển hình về việc sử dụng những nhạc cụ mộc để đem tới tinh thần âm nhạc hoang dã, gần gũi với thiên nhiên, với đời sống thật của con người.
Hà Anh Tuấn đã đưa khán giả của mình gần với thiên nhiên bằng hình thức tổ chức, giờ là lúc anh "mượn" bàn tay Kitaro để hoàn tất nó về cả phần âm nhạc với tinh thần mới.
Nguồn: TH&PL