Tưởng chừng “đại dịch” sẽ không là tên gọi cho Covid-19 nhưng không, cho đến khi nó đã cướp đi 23.476 người. Thì, Covid-19 thật sự là đại dịch.
Ngày 19/11, hầu như mạng xã hội đều phủ màu đen để tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Khi đau thương chồng chất...
Đầu năm 2020, Việt Nam ghi nhận 2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, lúc này cộng đồng mạng bắt đầu dậy sóng vì "con Covid" đã tới Việt Nam. Những từ khóa "Covid là gì?", "Cách nhận biết dấu hiệu mắc Covid"… bắt đầu trải khắp Google.
Tháng 7/2020, bệnh nhân đầu tiên tử vong vì Covid-19, cộng đồng mạng lại ồ ạt gửi những lời chia sẻ, hỏi thăm nhau và nhắc nhở "giữ khoảng cách an toàn". Khi số ca tử vong tăng lên 100, 1.000, 10.000, 20.000… thì trên mạng xã hội cũng chừng đấy các hội nhóm được tạo ra để giúp nhau vượt qua ĐẠI DỊCH.
Nội dung liên quan
Trước những mất mát to lớn đấy, nhiều người đã chọn gửi gắm hình ảnh người thân lên mạng xã hội như một công cụ lưu trữ. "Đưa bố đi cách ly, ai ngờ là lần cuối cùng được đi cùng bố", "Lúc đi ba dặn mọi người ở nhà đóng cửa kỹ càng, lúc ba về chỉ còn lại…", "Con không tin ngày đưa ba đi chích ngừa lại biến mình thành trẻ mồ côi"…
Thế nhưng khi những chia sẻ đăng lên (trên trang cá nhân của họ), chủ nhân bài viết vẫn bị chỉ trích vì "câu like", "kéo view".
Tài khoản Như Phan đăng đoạn clip ghi lại khoảnh khắc gia đình chia tay ông và cha vào viện để điều trị Covid. Cô hy vọng phép màu sẽ đến, nhưng kết quả chỉ có người ông trở về, còn cha của Như đã mãi mãi nằm lại sau thời gian chống dịch.
Sau khi xem đoạn clip, dân mạng đều nghẹn ngào, để lại những bình luận động viên, an ủi gia đình mau sớm vượt qua nỗi đau mất người thân. Nhưng bên cạnh hàng loạt những bình luận đồng cảm, tiếc thương, khi sự nghẹn ngào bao trùm tâm trí người xem, vẫn có người có thể buông ra những lời tiêu cực, cho rằng TikToker quay lại clip vì muốn nổi tiếng, trục lợi để kiếm tiền.
Ngay lập tức, chủ nhân đoạn clip đã đính chính sự việc và dân mạng cũng bày tỏ thái độ gay gắt với loại bình luận độc hại này.
... đừng gieo rắc thương đau
Trong khi hầu hết tấm lòng đều hướng về những nạn nhân nằm xuống trong cuộc chiến không khói súng, một bộ phận người dùng mạng toxic vẫn buông lời cay nghiệt, gây đau thương đến những người vốn đã chồng chất thương đau. Vì suy luận cá nhân, vì nghi kỵ, ganh ghét, họ cho rằng ai ai lên mạng cũng để câu view, trục lợi.
Và ngày này, ngày của niềm thương cảm, nhớ nhung hiện diện, chúng tôi xin miễn nhiễm với những lời chỉ trích, độc hại, xấu xa. Bởi không ai biết được, đâu đó sau những dòng tâm sự trải dài trên trang cá nhân là nỗi trống rỗng, mất mát, đau thương đến tột cùng.
Nếu may mắn còn mỉm cười, gia đình còn đầy đủ sau đại dịch, bạn sẽ khó lòng hiểu được cảm giác của những ai phải giã từ cha mẹ, người thân. Và nếu không nếm trải, bạn sẽ chẳng thể biết, phải khổ sở thế nào người ta mới trút ra được những lời dồn nén sâu tận đáy lòng.
Nếu ví bạo lực mạng giống như một đứa bé đang ngày càng phát triển, chúng tôi mong hôm nay, đứa bé này hãy ngừng lớn, ít nhất một ngày. Để những tâm hồn tổn thương được có nơi bám víu, những nạn nhân ra đi vì Covid-19 được an nghỉ bên kia cõi đời.
Nội dung liên quan
Những người dùng mạng bạo lực, xin hay thôi làm người khác khổ đau. Nếu không nói được những lời tử tế, xin đừng gieo cho người vốn đã bị thương thêm nhiều vết xước trong cuộc đời. Ngày tưởng niệm được tổ chức mang ý nghĩa vô cùng cao quý. Và chúng ta, những người may mắn giữa đời thường, xin hãy để nó được diễn ra tự nhiên, hoàn thành đúng sứ mệnh vốn thuộc về mình.
Ngày 19/11, ngày không nhận những lời chỉ trích, để không gian mạng được bình yên.
xin gửi lời chia buồn sâu sắc với tất cả những ai đã mất mát người thân trong đại dịch này.
Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 diễn ra lúc 20 giờ ngày 19/11 tại Hội trường Thống Nhất (TP. HCM) và Công viên Thống Nhất (Hà Nội).
Nguồn: TH&PL