Dù từ những câu chuyện có thật hay không, drama đều có thể trở thành tiêu điểm. Vậy nên thế nào cho khôn khéo khi đứng trước drama?
Cái kén của những drama
Mạng xã hội ngày càng phát triển đem lại nhiều lợi ích cho người dùng. Song song đó, hệ lụy của nó cũng vô cùng trầm trọng khi hàng ngày, hàng giờ xuất hiện vô số drama. Những clip đánh ghen, bài đăng "bóc phốt", các hành vi đi ngược luân thường đạo lý... được đăng tải nhanh chóng thu hút lượng lớn sự quan tâm của dư luận.
Nội dung liên quan
Vì đâu drama xuất hiện? Có thể thấy, tất cả drama đều do con người tự tạo. Phân tích về chủ đích, drama tạm chia thành hai loại: Drama tự nổ (do người trong cuộc khơi nguồn) và drama bị bóc (do người ngoài cuộc lên tiếng). Nghĩa là mỗi drama đều có người "châm ngòi". Có người "tự nổ drama" để tìm kiếm đồng minh hoặc mưu cầu sự nổi tiếng. Có người "bóc phốt" tạo drama để dìm "nhân vật chính" hoặc đơn giản là để "chứng kiến cuộc vui".
Khi một drama được "nổ", thông thường những người trong cuộc sẽ lên tiếng thanh minh, phần trần. Không khó để bắt gặp những bài đá xéo, tố nhau trên mạng của "nhân vật chính" trong các drama rầm rộ. Họ đưa ra lập luận, phân tích khẳng định mình đúng nhằm lôi khéo người đồng tình, tìm kiếm sự thương cảm của cộng đồng mạng.
Cũng có khi, người trong cuộc chọn cách im lặng chờ mọi chuyện qua đi, tuy nhiên số này lại rất ít.
Nếu thành phần của drama có 100% thì những người trong cuộc chỉ chiếm 60%, phần còn lại thuộc về cộng đồng mạng - những người có "quyền lực tối cao" trong thế giới ảo ngày nay. Bởi đa số các drama trên mạng đều diễn ra dưới sự chứng kiến của nhiều người. Bên dưới bài đăng liên quan đến drama, cộng đồng mạng là "người tham dự" nhiều nhất. Họ phân tích vấn đề, tìm kẽ hở để phản biện, phô diễn ngôn từ nhằm thể hiện đẳng cấp cá nhân.
Đồng tình rằng việc khi đưa vấn đề lên mạng xã hội thì phải chuẩn bị tâm lý để hứng chịu búa rìu. Tuy nhiên, cộng đồng mạng ngày nay đóng một vai trò vô cùng quyền lực. Khi có drama, một bộ phận chưa rõ trắng đen đã vội phán xét, công kích cá nhân dù đó chẳng phải là chuyện nhà mình. Thậm chí, một số "luật sư mạng" còn mổ xẻ, định tội người trong cuộc, số khác lại bỏ công đi chửi mướn, khóc thuê,... Những hành động này góp phần đưa các drama lên đỉnh điểm.
Nội dung liên quan
Drama đi qua, điều gì ở lại?
Vòng đời của những drama là được thai nghén, lớn lên, già đi rồi dần chìm vào quên lãng. Tuy nhiên, sau mỗi drama, ít nhiều sẽ có người phải chịu tổn thương.
Dù là drama "tự nổ" hay "bị bóc" thì dưới sự tác động mạnh mẽ của cộng đồng mạng, những người trong cuộc cũng bị lời ra tiếng vào, phán xét, soi mói tứ phương. Sau cùng, hệ lụy mà drama đem đến không hề nhỏ. Người nhẹ thì buồn bã vài ngày, người nặng thì trầm cảm, tự kỷ. Có người còn ảnh hưởng nặng nề đến sự nghiệp, danh tiếng cá nhân dẫn đến nghĩ quẩn, kết thúc cuộc đời.
Xét khía cạnh những người tự tạo drama nhằm tìm kiếm sự nổi tiếng, hậu drama, họ có thể phần nào đạt được mục đích. Tuy nhiên, cuộc chơi nào cũng có rủi ro, và cái giá phải trả cho những cuộc phiêu lưu là vô cùng đắt đỏ. Họ nổi lên nhờ drama nhưng sau cùng nhận về tai tiếng. Thời gian trôi qua, có thể con người thay đổi, muốn làm mới bản thân nhưng tiếng xấu thì vẫn luôn ở đó. Và cái mác "người hoàn lương" bao giờ cũng rất nặng nề.
Bởi thế, drama nào rồi cũng để lại sự khó chịu, tổn thương cho người trong cuộc. Những người ngoài cuộc đôi khi cũng bị "vạ lây". Sau drama, họ hả hê vì được chứng kiến chuyện cười của thiên hạ. Có những người xem việc người ta đấu tố, xâu xé nhau là niềm vui. Có người tự mãn vì "có đất dụng võ", làm "anh hùng bàn phím". Tuy nhiên, cũng có "người thua cuộc" vì đứng về phe bại, bị chỉ trích nặng nề.
Khôn khéo trước những drama: Bình tĩnh sống
Nên làm thế nào trước những drama là câu hỏi nhiều người cần lời giải đáp. Sẽ không có giáo án cụ thể dạy người ta phải sống thế này, phải suy nghĩ thế kia. Tuy nhiên, việc xem nhiều lời khuyên, tích lũy kinh nghiệm cũng phần nào giúp ta đỡ chới với hơn khi gặp vấn đề nan giải.
Đối với người trong cuộc, khi gặp phải drama, tốt nhất ta nên bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo để giải quyết vấn đề. Rất nhiều drama bị "cơn lốc mạng" cuốn xa không hồi kết. Bởi thế, việc "vạch áo cho người xem lưng", phơi bày chuyện nhà cho thiên hạ thấy là điều dại dột. Việc mà những nhân vật chính trong drama cần làm là giải quyết vấn đề với đối phương chứ không phải đi kể tội, tìm kiếm đồng minh để rồi làm mọi chuyện càng thêm rắc rối.
Với những người xung quanh, khi nghe hoặc tiếp xúc với drama, ta nên nhìn nhận vấn đề đa chiều, nghe từ nhiều phía để hiểu thấu đáo ngọn ngành gốc rễ. Việc bạn không rõ vấn đề, bênh vực người thân, nghe từ một phía sẽ đẩy người trong cuộc đi xa. Nếu không cho được lời khuyên thỏa đáng, đừng nên châm dầu vào lửa, bởi đôi khi chỉ cần một lời nói, bạn đã vô tình làm liên lụy đến nhiều người.
Trong thời buổi châm ngôn "hít drama mà sống" lên ngôi, cư dân mạng nên làm thế nào khi tiếp cận vấn đề? Bảo một người ngừng quan tâm đến sự việc mà họ yêu thích là điều không hề dễ. Thế nên, không thể bắt ai đó "ngừng hít drama". Tuy nhiên, "hít" thế nào cho văn minh mới là chuyện đáng bàn.
Nội dung liên quan
Việc thật giả lẫn lộn khiến người ta đôi khi bị "mù mắt", cư dân mạng nên phân tích vấn đề, nghe từ nhiều bên và chọn lọc thông tin cần thiết khi gặp drama, đừng để bị "dắt mũi". Tránh phán xét, không bình luận chuyện nhà thiên hạ, không áp đặt suy nghĩ của bản thân lên người khác, không công kích cá nhân,... là những điều "người hít drama chân chính" nên tuân thủ. Bởi đôi khi, một bình luận của bạn có thể khiến người ta bị đẩy lên đầu sóng ngọn gió, gây nhiều phiền toái, hệ lụy phía sau.
Mỗi sự vật, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống đều có những mặt khác nhau của nó. Bởi thế khi đứng trước drama, người dùng mạng nên khôn khéo, bản lĩnh, có tư duy. Giữ "một cái đầu lạnh, một quả tim nóng" trước các thông tin, sự việc sẽ giúp bạn an toàn, văn minh hơn trên không gian mạng.
Nguồn: TH&PL