Sở hữu hai kênh YouTube triệu view, Boram được rất nhiều người yêu thích bởi sự dễ thương, hồn nhiên.
YouTube hiện nay là một mảnh đất màu mỡ để kiếm thêm thu nhập, nhưng với số tiền lên đến hàng tỷ mỗi tháng thì không phải ai cũng làm được. Đặc biệt, mảng content trẻ thơ rất được các YouTuber nhí ưa chuộng bởi lợi nhuận thu về gấp bội.
Nội dung liên quan
Kiếm cả tỷ đồng mỗi tháng, mua nhà đắt đỏ tặng bố mẹ
Nổi bật trong thế giới diệu kỳ đầy màu sắc của YouTuber nhí chắc chắn phải kể đến Boram. Dù chỉ mới hơn 8 tuổi nhưng em đã sở hữu hai kênh YouTube: Boram Tube Vlog và Boram Tube ToysReview.
Với tổng lượt đăng ký của hai kênh lên đến hơn 32 triệu người theo dõi, Boram là nhân tố vàng trong mảng YouTube của Hàn Quốc. Sở dĩ, em chia ra làm hai kênh như thế vì một kênh dùng để review các loại đồ chơi, thực hiện thử thách, còn kênh còn lại dùng để quay lại những khoảnh khắc vui nhộn thường ngày trong cuộc sống.
Điều đặc biệt là Boram chỉ mới lập kênh YouTube vài năm gần đây, nhưng với sức hút của bản thân, Boram thu về hơn 10 tỷ lượt xem. Nhờ doanh thu khổng lồ mà Boram kiếm được, em và gia đình đã tậu một ngôi nhà 5 tầng tại thủ đô Seoul với giá trị lên đến 9,5 tỷ won (179 tỷ đồng).
Để phục vụ cho các hoạt động làm YouTube, gia đình Boram còn thành lập hẳn một công ty Boram Family để điều hành các kênh của cô bé. Truyền thông Hàn Quốc cho hay tổng doanh thu hằng tháng của Boram Family lên tới khoảng 3,7 tỷ won (69 tỷ đồng).
Tuy nhiên, vào cuối năm 2019, YouTuber Boram bỗng chốc lao đao khi hai kênh của cô bé đều bị tắt bình luận, mất tab "cộng đồng" và quan trọng là bị tắt quảng cáo. Điều đó đồng nghĩa với việc cô bé này không thể kiếm tiền từ các quảng cáo hiện trên YouTube. Đây là chính sách mới của YouTube về quyền trẻ em, hay còn gọi là "Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em" (COPPA) nhằm bảo vệ quyền lợi an toàn cho trẻ em khi xuất hiện trong clip.
Góc tối đằng sau những clip triệu view
Sự thành công của các YouTuber nhí này không chỉ đến từ chính bản thân các bé mà còn có cả một đội ngũ quay dựng, chịu trách nhiệm sản xuất clip phía sau. Điều này khiến một số netizen nghi ngờ rằng liệu các bé thật sự có một tuổi thơ đúng nghĩa hay chỉ là công cụ để người lớn lợi dụng kiếm tiền?
Thông tin về việc Boram và gia đình mua một căn nhà tại Gangnam - khu ăn chơi nổi tiếng đắt đỏ tại Hàn Quốc đã dấy lên nhiều cáo buộc lạm dụng trẻ em với ba mẹ của cô bé. Vào năm 2017, một chương trình bảo vệ trẻ em đã lên tiếng tố cáo những người giám hộ của bé Boram, cho rằng họ kiếm tiền bằng cách đặt những đứa trẻ vào tình huống có thể khiến chúng bị suy sụp về tinh thần. Việc thường xuyên phải xuất hiện trước công chúng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ em.
Cộng đồng mạng nhận ra, trong một số clip, Boram có nhiều hành động kỳ lạ như trộm cắp tiền, đập phá đồ chơi hay giả vờ đau đớn. Trước những phản ứng trái chiều này, ba mẹ Boram đã lên tiếng xin lỗi khán giả và xóa hết các clip trên.
Hiện tại, kênh YouTube của Boram vẫn đăng clip thường xuyên, tuy nhiên cô bé chỉ sử dụng một kênh chính là Boram Tube ToysReview. Đặc biệt, có nhiều luồng ý kiến trái chiều xoay quanh tình trạng sức khỏe hiện tại của Boram. Có người cho biết cô bé bị tai nạn xe, phải nhập viện và không qua khỏi.
Hiện tại, vẫn chưa rõ tình trạng của Boram ra sao nhưng nhiều netizen hy vọng rằng em vẫn mạnh khỏe bởi cô bé còn cả một tương lai phía trước.
Nguồn: TH&PL