Vua Hàm Nghi - Họa sĩ hiện đại đầu tiên của nền hội họa Việt Nam

Ngày 22/9 tại khách sạn Drouot ở Paris, 19 bức tranh của vua Hàm Nghi được nhà Lynda Trouvé đưa ra đấu giá, đạt tổng số tiền 330.000 euro (hơn 8,5 tỷ đồng)

Tài năng hội họa của vua Hàm Nghi được phát hiện khi bị lưu đày. Ngày 13/1/1889, ông đặt chân đến Algeria trong tình trạng suy nhược vì sốt rét. Vua ở trong biệt thự tại El Biar, dưới sự giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt. Tại đây, ông bắt đầu học nhiếp ảnh, vẽ.

Tranh của ông chịu ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng, Hậu ấn tượng của Pháp và châu Âu, qua người thầy dạy vẽ trực tiếp cho ông 15 năm là hoạ sĩ Pháp Marius Reynaud, một họa sĩ Ấn tượng Pháp sống ở Algeria.

Có thể nói, vua Hàm Nghi thực sự là một họa sĩ hiện đại đầu tiên của nền hội họa Việt Nam, một nền hội họa mà đến những năm đầu thế kỷ 20 mới hình thành, khi Trường Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập (1925).

vua ham nghi hoa si hien dai dau tien cua nen hoi hoa viet nam - anh 0
Tài năng hội họa của vua Hàm Nghi được phát hiện khi bị lưu đày. 

Về mặt nghệ thuật, vua Hàm Nghi còn đi trước cả họa sĩ Nam Sơn (người đầu tiên vẽ tranh sơn dầu ở VN, đồng sáng lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương), cùng với những họa sĩ tài danh như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Phan Chánh, v.v. làm nên một nền hội họa Việt Nam hiện đại khiến giới mỹ thuật quốc tế phải kính trọng.

Hãy cùng xem những dấu ấn của phái Ấn tượng và Hậu ấn tượng ở trong tranh của vua Hàm Nghi.

Trường phái Ấn tượng Pháp

Khoảng năm 1862, có những họa sĩ trẻ cho rằng nghệ thuật đã xơ cứng do các quy tắc quá cứng nhắc được giảng dạy ở trường Mỹ thuật và họ kết hợp với nhau ở Paris.

Họ vẽ tranh ngoài trời, theo mẫu sống, và tìm cách vẽ những biểu hiện thoáng qua của bầu khí quyển. Họ từ chối vẽ trong xưởng vẽ với ánh sáng và sắp đặt chuẩn mực và có phần giả tạo, họ thu nhận những cảm giác thị giác từ phong cảnh, vẽ ánh sáng và những tác động của nó.

Những bức tranh thuộc trường phái Ấn tượng được vẽ bằng những nét cọ mảnh, nhỏ, song vẫn có thể nhìn thấy rõ, bố cục thoáng, kèm theo sự pha trộn không hạn chế giữa các màu với nhau và nhấn mạnh độ miêu tả chính xác về sự thay đổi chất lượng của ánh sáng trong tranh (thường để làm nổi bật rõ ảnh hưởng của dòng thời gian), khung cảnh đời thường, và góc nhìn mới mẻ.

Hai đặc điểm đáng chú ý trong trường phái này là: bức tranh được vẽ rất nhanh với mục đích là ghi lại một cách chính xác phong cảnh, và thể hiện một cái nhìn mới, nhanh và không định kiến. Điều này khác hẳn với trường phái Hiện thực, Tự nhiên.

vua ham nghi hoa si hien dai dau tien cua nen hoi hoa viet nam - anh 0
The Beach at Pourville - Claude Monet.
vua ham nghi hoa si hien dai dau tien cua nen hoi hoa viet nam - anh 0
 Không đề - Hàm Nghi

Bức Bờ biển ở Pourville của Monet (cha đẻ của trường phái Ấn tượng) và bức Không đề của vua Hàm Nghi có sự tương đồng rất rõ nét với các đặc điểm đặc trưng của trường phái Ấn tượng.

Nếu bức Bờ biển ở Pourville mô tả bờ biển (có lẽ là vào buổi sáng) trời nhiều mây với gam màu lạnh thì bức Không đề lại mô tả cảnh nông thôn buổi chiều với tông màu nóng, đều là những khung cảnh đời thường.

Cả hai bức đều dùng bút pháp với những nét cọ mảnh, ngắn, vẽ nhanh, mô tả chính xác màu sắc ánh sáng của khung cảnh vào một thời điểm nhất định trong ngày. Tác giả phải quan sát rất kỹ, có khi nghiên cứu nhiều ngày để nắm bắt được khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày, và bằng những nét cọ nhanh, họa sĩ đưa tất cả những vẻ đẹp đó vào tranh.

vua ham nghi hoa si hien dai dau tien cua nen hoi hoa viet nam - anh 0
Bờ sông Oise - Alfred Sisley.
vua ham nghi hoa si hien dai dau tien cua nen hoi hoa viet nam - anh 0
Hồ trên dãy núi Alpes - Hàm Nghi.

Tiếp tục là sự tương đồng giữa bức tranh của vua Hàm Nghi với tranh phong cảnh của Alfred Sisley (họa sĩ Ấn tượng người Pháp). Cảnh bờ sông với những biểu hiện tinh tế của ánh sáng buổi chiều (hay có thể là bình minh).

Những nét cọ mảnh được vẽ nhanh và biến đổi liên tục làm cho mặt nước trở nên sống động hơn, người xem cũng cảm giác hàng cây phía xa ngả nghiêng theo gió, và ánh nắng chiếu lên thân cân cũng lay động theo. Bút pháp này cũng rất phù hợp để tả trời mây, có cảm giác như mây trên trời vần vũ, biến động liên tục.

Có lẽ toàn bộ tranh phong cảnh của vua Hàm Nghi đều vẽ ngoài trời. Đây là đặc trưng rõ nét nhất của trường phái Ấn tượng.

Trường phái hậu ấn tượng

Trường phái Ấn tượng là một bước ngoặt trong hội họa, rũ bỏ những quan niệm từng tồn tại rất nhiều năm ở châu Âu. Từ sau Ấn tượng, nhiều nghệ sĩ độc lập tìm tòi sáng tạo và đi theo các hướng khác nhau. Mặc dù họ không có phong cách sáng tác giống nhau, nhưng được gọi chung là Hậu ấn tượng.

Các họa sĩ Hậu ấn tượng không hài lòng với cách lựa chọn đề tài tầm thường và sự mất mát cấu trúc trong tranh của trường phái Ấn tượng nên luôn tìm cách nổi bật cá tính của mình, có thái độ biểu hiện chủ nghĩa trong hình họa, màu sắc và cách giải quyết đề tài.

Đó thực sự làm nên một nghệ thuật mới với những tuyên ngôn thẩm mỹ khác, không giống với nghệ thuật và kĩ thuật của xu hướng Ấn tượng mà họ cùng tham gia trước đó. 

vua ham nghi hoa si hien dai dau tien cua nen hoi hoa viet nam - anh 0
Thung lũng nhỏ - Paul Gauguin.
vua ham nghi hoa si hien dai dau tien cua nen hoi hoa viet nam - anh 0
 Chiều tà - Hàm Nghi.

Có thể thấy rõ sự tương đồng về màu sắc, đường nét giữa bức Thung lũng nhỏ của Paul Gauguin (họa sĩ hậu ấn tượng Pháp) với bức Chiều tà của vua Hàm Nghi.

Tông màu nâu đỏ (nóng) kết hợp với tông xanh tím (lạnh) tạo nên một buổi hoàng hôn rực rỡ. Với trường phái Hậu ấn tượng, họa sĩ không chỉ mô tả chính xác thiên nhiên với ánh sáng tinh tế, mà còn gửi gắm cảm xúc cá nhân vào trong từng bức tranh.

Xem những bức tranh trên, ta có thể cảm nhận được sự xúc động của tác giả khi ngắm cảnh thiên nhiên gần gũi và tuyệt đẹp. Những màu sắc rực rỡ hòa quyện với nhau để tạo nên một bức tranh đầy cảm xúc, mạnh mẽ và có phần hoang dại .

Không chỉ ở Pháp, mà cả châu Âu, hiếm có họa sĩ nào lại có sự tương đồng về đường nét và màu sắc với Gauguin như vậy .

Vài so sánh ở trên là ví dụ cho thấy tranh phong cảnh của vua Hàm Nghi chịu ảnh hưởng lớn từ trường phái Ấn tượng và Hậu ấn tượng ở Pháp và châu Âu.

Sau này những họa sĩ thời kỳ Đông Dương của hội họa Việt Nam cũng chịu ảnh hướng lớn của các trường phái hội họa Pháp, tuy nhiên đa phần lại là trường phái Lãng mạn Pháp với những dấu ấn về hội họa xuyên suốt thế kỷ 20, và cho tới ngày hôm nay.

19 bức tranh của vua Hàm Nghi được đấu giá lên tới 330.000 euro

Pháp sẽ đấu giá 19 bức tranh của vua Hàm Nghi vào ngày 22/9

Trường phái Lãng mạn Pháp và những ảnh hưởng tới hội họa Việt Nam

Chia sẻ