Một chủ đề đang rất được quan tâm trong thời gian gần đây, đặc biệt là khi metaverse bắt đầu "bành trướng" và tạo ra nhiều hiệu ứng trên khắp thế giới.
Xu hướng mới của thế giới
Năm 2018, Riot Games cho ra mắt K/DA, một nhóm nhạc nữ ảo để quảng bá cho một tựa game của mình. Màn mở đầu của chiến dịch quảng bá tạo nên tiếng vang lớn với màn trình diễn của các ca sĩ và idol ảo trên cùng một sân khấu.
Bài hát đầu tiên của K/DA đạt No.1 trên BXH Billboard World Digital Song Sales Charts tháng 10 năm 2018.
MV của bài hát này cũng vượt mốc 100 triệu lượt xem trên YouTube chỉ trong một tháng kể từ khi ra mắt. Thành công của K/DA đã giúp Riot Games chuyển mình từ một công ty game bình thường thành một đế chế đa phương tiện thế hệ mới.
Nội dung liên quan
Việc sử dụng idol ảo được đưa đến một quy mô khác khi cuối năm 2020, SM Entertainment - một trong những công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc, giới thiệu nhóm nữ mới: aespa.
Nhóm nhạc này bao gồm bốn thành viên là người thật và kèm theo bốn thành viên là phiên bản ảo được gọi là các ae.
SM nói rằng những idol ảo này sẽ có tương tác với idol thật. Họ còn xây dựng KWANGYA để phát triển một vũ trụ riêng phù hợp với concept của nhóm. Việc xây dựng idol ảo dựa trên idol thật là một bước đi mới trong lĩnh vực idol ảo, tạo ra nhiều cuộc bàn luận và mở ra nhiều tiềm năng trong tương lai.
Mang người thực vào thế giới ảo
Công nghệ dựng CGI (Computer-Generated Imagery - tạo ra các hình ảnh tĩnh hoặc động bằng phần mềm máy tính) cũng đang rất được ưa chuộng trên thị trường âm nhạc quốc tế như K-Pop có MV Dynamite của BTS, US-UK thì có Billie Eilish.
Cũng chính từ đó, những câu hỏi bắt đầu được đặt ra rằng, đến khi nào Việt Nam mới có những thần tượng "ảo" để phù hợp với xu hướng metaverse đang làm mưa làm gió sau khi được CEO Facebook Mark Zuckerberg nhắc đến trong giai đoạn cuối năm 2021.
Trong nền công nghiệp âm nhạc nói chung và ngành công nghiệp Idol nói riêng, công nghệ dần trở thành một khía cạnh cần thiết giúp nghệ sĩ trở nên khác biệt. Trong đó, AI virtual idol (thần tượng ảo) đã xuất hiện và được nhiều công ty giải trí để mắt đến.
Idol ảo là một hình tượng máy tính, được xây dựng để có thể nhảy, hát và thực hiện những hoạt động theo mong muốn của người sản xuất. Idol ảo đầu tiên ra mắt là Hatsune Miku, được phát triển vào năm 2007 để trở thành hình tượng cho một phần mềm tổng hợp giọng hát tên Vocaloid.
Dù chỉ đơn thuần là những sản phẩm của máy tính, "thần tượng ảo" hoạt động năng suất không kém người nổi tiếng ngoài đời.
Những nhân vật này biết biểu diễn ca hát, chụp ảnh thời trang, tham gia các buổi quảng cáo... Nhiều thần tượng ảo có lượng lớn người hâm mộ, hợp tác với thương hiệu danh tiếng và thu về số tiền không nhỏ cho chủ sở hữu.
Thần tượng ảo cũng làm tiêu biến đi tất cả những khó khăn mà các công ty quản lý phải đối mặt, khi những idol này không cần nghỉ ngơi, có thể xuất hiện cùng lúc trên nhiều nền tảng, tiêu tốn chi phí rẻ hơn.
Thần tượng ảo cũng gạt bỏ nỗi lo vướng scandal, trong bối cảnh nhiều nghệ sĩ đánh rơi sự nghiệp vì bê bối đời tư. Chính vì thế, rất nhiều người đặt niềm tin rằng, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ bắt đầu xuất hiện những thần tượng ảo để hỗ trợ hoặc thay thế cho các thần tượng bằng xương, bằng thịt như hiện tại.