Khi còn nhỏ, cha mẹ luôn là đối tượng được con cái thần tượng và gần gũi nhất. Tuy nhiên, càng trưởng thành, những đứa con lại càng không muốn chia sẻ với cha mẹ nhiều nữa.
Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều bạn trẻ, khi mà càng trưởng thành hơn thì lại càng ít tâm sự, ít chia sẻ cũng cha mẹ nữa. Trong khi nhiều bậc phụ huynh lại cho đây là một chuyện bình thường khi con mình đã lớn thì chuyện thay đổi tâm lý là chuyện hết sức bình thường. Cũng như các bậc phụ huynh luôn cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm sống hơn con cái, vì vậy cho dù sai thì cũng không có nhiều vị phụ huynh chịu nhận lỗi. Điều này càng khiến cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng thêm gia tăng.
Nội dung liên quan
Thực tế đã chỉ ra rằng, nhiều trường hợp mâu thuẫn không phải do con cái ngang bướng hay tính nết khó chịu mà do cha mẹ không hiểu con, không biết con mình đang nghĩ gì và muốn nói gì. Vậy hãy cùng tìm hiểu xem tại sao con cái càng lớn lại càng không muốn tâm sự với cha mẹ nữa?
Cha mẹ vẫn chưa thực sự làm bạn được với con cái
Ngày nay trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta vẫn thường hay nghe về việc phải làm bạn với con. Tuy nhiên, đó không phải là điều dễ dàng với tất cả các bậc phụ huynh. Khi mà liên tục xảy ra những vụ trẻ tự tử, thậm chí là trước sự chứng kiến của phụ huynh.
Nhiều bậc phụ huynh vẫn còn giữ suy nghĩ là con mình vẫn còn bé, chưa thể hiểu hết mọi chuyện cũng như không thể biết nhiều điều bằng mình được. Vì vậy, cha mẹ thường rất ý khi nghe con nói mà lại sẵn sàng gạt phăng đi và cho rằng mình đúng. Dù trong nhiều trường hợp, phụ huynh mới chính là người sai.
Dù nói là có thể làm bạn với con. Tuy nhiên, do việc không chia sẻ với những đứa con của mình. Nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa biết được con mình đang nghĩ gì, cần gì và muốn được làm gì. Điều đó dẫn đến nhiều khi cha mẹ không hiểu con mình mà lại la mắng cũng như tạo áp lực thêm. Điều đó rất dễ khiến cho con cái dễ sinh ra nhiều căn bệnh về tâm lý.
Cha mẹ thường áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái
Bên cạnh đó, việc cha mẹ thường xuyên áp đặt những suy nghĩ, tư tưởng của mình lên vai những đứa con của mình càng khiến cho áp lực đè lên con cái nặng gấp đôi, gấp ba lần so với bình thường.
Việc đặt kỳ vọng lên con mình của các bậc phụ huynh là một việc hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh vì quá mong muốn con mình sẽ có kết quả học tập tốt nên đã đặt rất nhiều kỳ vọng quá nhiều. Điều này vô tình khiến cho động lực của mình dành cho con lại biến thành áp lực. Không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà những áp lực vô hình này còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của những bạn trẻ mới lớn.
Trong nhiều trường hợp, quyền quyết định mọi thứ trong cuộc sống của mình không còn thuộc về tay con cái mà lại thuộc về cha mẹ. Đúng như người xưa có câu "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Nhiều bậc phụ huynh ngày nay vẫn muốn con cái sống theo những "chỉ dẫn" của mình mà lại không cho con cái nêu ý kiến riêng. Vô tình, cuộc sống của con cái không còn là của con cái nữa. Chính việc này khiến cho những bạn trẻ này không còn cảm thấy được tự do từ đó càng muốn tránh xa cha mẹ hơn.
Con cái không là chính mình mỗi khi đối diện với cha mẹ
Cha mẹ luôn ràng buộc con mình với rất nhiều quy chuẩn khác nhau. Con của mình là phải ngoan, phải lễ phép, phải hiếu thảo cũng như là phải tuyệt đối nghe lời cha mẹ. Tuy nhiên, bên cạnh những quy chuẩn bình thường thì một số vị phụ huynh còn đặt ra một số quy chuẩn khá khắt khe về thời gian sinh hoạt, thời gian học tập, cách ăn mặc cũng như quản lý chặt việc giao lưu kết bạn của con mình. Điều này khiến cho con cái cảm thấy áp lực, tự ti cũng như bị gò bó mỗi khi đối diện với cha mẹ của mình.
Lâu dầu những quy chuẩn này khiến cho con cái khi ở ngoài xã hội là một người khác và khi về nhà lại là một con người hoàn toàn khác. Trong khi nhiều bạn trẻ ở ngoài xã hội rất cởi mở, vui vẻ giao tiếp với bạn bè cũng như mọi người xung quanh thì lúc về nhà lại rất ngại giao tiếp, sống rất kín đáo và hầu như chỉ sống theo những gì cha mẹ sắp đặt trước. Cha mẹ càng muốn sắp đặt cuộc sống của con mình thì con cái lại càng khép kín hơn và không còn muốn trò chuyện với các bậc phụ huynh nữa.
Vì vậy, cha mẹ hãy thực sự làm những người bạn chia sẻ mọi vui buồn cùng con, lắng nghe con, tâm sự cùng con, hiểu những gì con mình đang nghĩ cũng như biết con mình đang cần những điều gì. Chính những điều này sẽ giúp khoảng cách giữa cha mẹ và con cái sẽ thu hẹp hơn và tạo ra một nguồn động lực lớn cho những đứa con. Từ đó, thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Nguồn: TH&PL