Văn mẫu và văn tả thực: Bên nào gây té ngửa!?

Từng là học sinh, chắc chắn bạn đã thuộc nằm lòng những kiểu câu này!

Mới đây, phát biểu liên quan đến thông tin "chấm dứt việc dạy học theo văn mẫu" từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn đã trở thành đề tài bàn tán của trên mạng xã hội. Theo đó, tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 11/11, trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc áp dụng văn mẫu trong dạy và học rất tai hại, ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh. Do đó, sắp tới, ngành sẽ có hàng loạt biện pháp để điều chỉnh mang tính chuyên môn. 

Tuy vậy, trước khi đi đến hành trình dài phía trước để khắc phục vấn đề này, chúng ta cần nhìn nhận lại văn mẫu đã từng tạo nên "thảm cảnh" như thế nào trong suốt thời gian dài vừa qua?

van mau va van ta thuc ben nao gay te ngua - anh 0

Những cách miêu tả người "nhân bản"

Học sinh thường tập làm văn bằng những câu từ "vỡ lòng" qua kiểu văn miêu tả. Trong đó, phổ biến nhất là văn miêu tả về người thân trong gia đình như ông bà, bố mẹ hoặc các con vật xung quanh. Tuy nhiên, để đẹp đẽ hình tượng nhân vật được miêu tả, người ta thường sử dụng một khuôn mẫu chung cho một hình tượng bất kỳ. 

Ví dụ như một bài văn tả mẹ, hình tượng một người mẹ trong văn mẫu phải hiền từ, dáng người mảnh mai, tóc dài đen nhánh, đôi mắt to tròn,... Trong khi, mỗi người mẹ của học sinh đều sở hữu một hình dáng và tính cách khác nhau, chính vì thế, văn mẫu thường phi thực tế và đến khi học sinh tả thực lại trở thành những câu chuyện bi hài.

van mau va van ta thuc ben nao gay te ngua - anh 0
Những quyển sách văn mẫu quen thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo 

Văn mẫu chuẩn chỉnh tả mẹ: "Năm nay, mẹ đã hơn bốn mươi tuổi, nhưng sao trông mẹ vẫn còn trẻ và đẹp lắm. Nhờ thân hình nhỏ nhắn, mảnh mai, cùng nước da trắng sáng, mẹ thường được mọi người khen là trẻ lâu. Khuôn mặt mẹ hơi bầu bĩnh, có đôi mắt to tròn, hàng lông mày sắc nét. Tất cả kết hợp với lúm đồng tiền nhỏ xinh bên má phải, khiến mẹ lúc cười đặc biệt đáng yêu". 

Văn tả thực về mẹ: Trong thời đại Cô - vi (Covid-19) cũng phải có sức khỏe tốt để hệ miễn dịch tốt. Mẹ em cũng vậy, mẹ tập Yoga online. Mẹ tập rất chăm chỉ, cứ 5 phút mẹ lại lấy điện thoại nhắn tin. Có lúc bạn mẹ gọi tới mẹ lại lấy điện thoại tán dóc cả tiếng đồng hồ, hết cả buổi tập. Và đó là 1 buổi tập chăm chỉ của mẹ em. 

Hay như văn mẫu chuẩn chỉnh về ông nội: Ông em năm nay đã gần tám mươi tuổi nhưng trông ông còn rất nhanh nhẹn. Người ông tầm thước, hơi gầy, da dẻ vẫn hồng hào. Đầu ông còn rất ít tóc, chỉ còn lơ thơ một vài sợi tóc bạc trắng như cước. Vầng trán ông cao, hằn sâu những nếp nhăn. Đôi mắt còn tinh nhanh ẩn dưới cặp lông mày đã ngả bạc. 

Văn tả thực về ông nội: Gia đình em ở cùng ông nội. Ông năm nay 60 tuổi rồi. Ông là người duy nhất trong nhà không làm gì cả. Lúc nào ông cũng nằm ườn ra ghế sofa xem ti vi và tính tính mấy ô số. Bố em gọi ông vào ăn cơm thì ông bảo "tao xem tí đã, chúng mày ăn trước đi"...

van mau va van ta thuc ben nao gay te ngua - anh 0
Những "ông bà" trong truyền thuyết bước ra từ văn mẫu

Những kiểu văn kể tình huống "trùng khớp" đến bất ngờ

Cô Phạm Minh Phương Hằng, một giáo viên dạy Văn đã chia sẻ trên VnExpress rằng: 

"Ngày mới ra trường, khi chấm bài kiểm tra tập làm văn lớp sáu với đề bài "kể lại một việc tốt em đã làm", tôi đã ngạc nhiên khi hầu như cả lớp chỉ làm có hai việc tốt, một là dẫn bà cụ qua đường, hai là nhặt được chiếc ví và trả lại người mất.

Điều khiến tôi không biết nên cười hay nên khóc là bà cụ trong bài nào cũng đứng ở ngã tư, cũng "tóc bạc phơ, dáng người gầy gầy, lưng cong cong, đôi mắt hiền từ". Chiếc ví nào cũng nhặt được trên đường đi học về, cũng "màu nâu đậm, hình vuông, bên trong có chứa nhiều giấy tờ quan trọng và một số tiền lớn".

van mau va van ta thuc ben nao gay te ngua - anh 0
Giúp đỡ người già qua đường trở thành một việc tốt chung của bao thế hệ học sinh trong các bài làm văn (Ảnh: Thế giới cổ tích)

Hay như phụ huynh Lê Thị Lan Anh, khi tham gia tiết học Văn với con và được nghe các con đọc văn mình "viết", cũng vô cùng bất khi: "Đề bài yêu cầu viết thư hỏi thăm người thân bị ốm nhưng đã có trên 50% học sinh viết cho bà ngoại và 70% bà ngoại bị đau bao tử..." 

Việc gợi mở cho học sinh những tình huống cơ bản trong văn mẫu khiến học sinh mang tâm lý "lười suy nghĩ" để nhớ về những tình huống trong thực tế mà mình từng gặp và ứng dụng vào bài học. Thậm chí, học sinh còn mang tâm lý "nên chọn tình huống dễ nhất" để làm vì có sẵn... thay vì tìm một tình huống khác lạ chưa từng ai làm để phát huy tính sáng tạo của bản thân. 

Mở bài "vạn năng", một trăm bài như một

Đối với một bài văn phân tích hay nghị luận thì mở bài không chỉ có ý nghĩa đảm bảo cho bài văn có một cấu trúc hoàn chỉnh mà còn có nhiều ý nghĩa khác. Một mở bài ngắn gọn, súc tích, gọi tên được vấn đề và có sức lôi cuốn không chỉ tạo tiền đề cho người viết triển khai mạch văn một cách dễ dàng mà còn tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với người chấm.

van mau va van ta thuc ben nao gay te ngua - anh 0

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách để tạo nên một mở bài ấn tượng mà chỉ "đóng khung" trong những kiểu câu lối mòn, cơ bản hay đủ để có điểm.

"Giữa cuộc sống ngày càng hiện đại và phát triển..." 

"Trong tất cả những.... nhưng em thích nhất là..." 

"Gia đình em có bốn người, nhưng em yêu nhất là..."

Tuy đây vẫn được xem là một trong những cách mở bài "hợp thức hóa" để có điểm cho một bài văn, nhưng khi áp dụng lối mở bài an toàn với suy nghĩ "dù sao cũng có điểm" sẽ khiến cho học sinh mất đi sự tư duy khác biệt cho từng cá nhân.

van mau va van ta thuc ben nao gay te ngua - anh 0

Suy cho cùng, sách Văn hay môn Văn là sự truyền tải "lời hay ý đẹp" và lối sống đẹp cho bao thế hệ học sinh. Có không ít trường hợp học sinh hiểu cách khai thác, biết cách tìm ý nhưng lại không biết cách diễn đạt, thể hiện, lúc này văn mẫu sẽ "xuất hiện" để giúp đỡ học sinh cách hành văn, cách đặt câu, giúp thể hiện từ ngữ câu chữ... Khi đã gọi là "mẫu" có nghĩa nó đã đạt được mức độ chuẩn mực để làm mẫu cho người khác. Lúc này, văn mẫu như một công cụ, một phương tiện giúp học sinh luyện kĩ năng.

Sẽ thật khó để "khai tử" văn mẫu, nhưng văn mẫu hoàn toàn không có lỗi trong vấn đề này để bị "đổ thừa". Chỉ là cách dùng và học của chúng ta đã đi lệch với những gì chuẩn mực của văn mẫu.

Khai tử... văn mẫu, cách nào?

"Bi hài" chuyện xài văn mẫu

Bộ trưởng Giáo dục trả lời chất vấn: Chấm dứt việc dạy học theo văn mẫu, kiểm tra việc dạy online!

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ