Văn hóa Flex cùng một thế hệ trẻ "tôn sùng" giá trị hình thức

Cuộc sống hiện đại cùng sự phổ biến của mạng xã hội đã làm xuất hiện một trào lưu trong giới trẻ với những bức ảnh, video về hàng hiệu đắt đỏ.

Xu hướng mua sắm và chi tiêu của người trẻ ngày nay có thể đứng trước tình trạng đáng để báo động bởi việc dùng tiền quá mức, thậm chí là không có sự tính toán trước cho bản thân. Điều này cũng đến từ rất nhiều nguyên do, nhưng hơn hết vẫn là tâm lý muốn tận hưởng và tự vĩ đại hóa các món hàng hiệu như một chuẩn mực của giá trị để tuân theo.

van hoa flex cung mot the he tre ton sung gia tri hinh thuc - anh 0
Flex đang tạo nên một cơn sóng thèm khát đồ hiệu với giới trẻ sau thời gian dịch bệnh

Phương tiện truyền thông càng phát triển, sự ra đời của vô số các trào lưu từ những người sáng tạo nội dung đã phần nào tác động đến tâm lý mua sắm của người trẻ. Một trong số đó là để trào lưu cùng hastag #Flex đi quá xa, khiến chúng trở thành cơn sóng thèm khát đồ hiệu trong giới trẻ, nhất là sau khoảng thời gian bản thân không có nhiều điều kiện thể hiện mình vì tình hình dịch bệnh.

Xu hướng khoe đồ hiệu của người trẻ trên mạng xã hội

"Flex" là một thuật ngữ được sử dụng khá rộng rãi trong giới trẻ Hàn Quốc, đó là việc những cá nhân sẽ khoe khoang cuộc sống xa hoa của mình bằng những mặt hàng đắt đỏ, xa xỉ. Những nội dung như thế này thường nhận được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ, thậm chí quy định hành vi mua sắm của nhiều bạn trẻ khắp nơi.

van hoa flex cung mot the he tre ton sung gia tri hinh thuc - anh 0
Hàng loạt những trào lưu liên quan đến đồ hiệu ra đời trên mạng xã hội như đập hộp "tiền tỷ" 

Ở thời điểm hiện tại nhiều người xem đây như content chính thức để phát triển các kênh mạng xã hội của mình bởi các hình thức như: unbox. "rich kich check", bốc giá đồ hiệu… Chính từ sự phát triển của các phương tiện truyền thông khiến các bạn trẻ muốn tự tin khẳng định mình và đồ hiệu là giải pháp thích hợp để khoe khoang.

Đáng nói là những người trẻ theo đuổi trào lưu này một cách mù quáng bởi những câu chuyện bản thân thấy qua video và hình ảnh, nghịch lý được tạo ra là họ có quyền nghèo ở cuộc sống thật nhưng trên mạng xã hội phải thật giàu. Ngay cả khi các mặt hàng hiệu liên tục tăng giá thì họ càng có nhiều hứng thú để chạy đua cùng chúng và không gian mạng lại chính là thước đo cho những giá trị đó.

Tâm lý thua kém dẫn đến hành vi bất chấp mua sắm

Theo Creatrip, dẫn lời ông Lee Eun-hee, giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha: "Đối với thanh thiếu niên, đăng tải video hoặc ảnh chụp những món đồ sang trọng chỉ đơn giản là một cách thể hiện rằng mình vượt trội hơn những người khác bằng cách khoe những sản phẩm đắt tiền mà các bạn cùng lứa tuổi không thể mua được. Những thanh thiếu niên khác bị ảnh hưởng bởi những bài đăng đó trên mạng xã hội và cảm thấy mình cũng phải làm theo để bằng bạn bằng bè".

van hoa flex cung mot the he tre ton sung gia tri hinh thuc - anh 0
Mua sắm đồ hiệu với nhiều người chỉ đơn giản là để thể hiện giá trị của bản thân

Điều này đã vô tình hình thành nên một thói quen xấu với giới trẻ khi cho rằng hàng hiệu là chuẩn mực mình cần tuân theo, cảm thấy tiêu cực khi không sở hữu được chúng. Trên thực tế thì những giá trị về hình thức không thể quyết định cuộc sống của chúng ta, đơn giản nó cũng chỉ là cách thỏa mãn được một phần tâm lý hơn kém với người xung quanh.

Tâm lý này đôi lúc sẽ giúp ích cho cuộc sống con người trong những khía cạnh khác, nó giúp ta có nhiều động lực phấn đấu hướng đến sự thay đổi và hoàn thiện. Trong khi đó với vấn đề mua sắm nó chỉ khiến bản thân kiệt quệ dần về mặt tinh thần, ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập và tạo nên sự phân cực trong chi tiêu từ việc mua sắm bất hợp lý.

Hàng hiệu đang đặt ra vấn đề về tài chính mỗi người

Việc một số cá nhân có điều kiện về kinh tế, sẵn sàng chi một khoản lớn để mua sắm là điều rất bình thường nhưng nó sẽ không đúng với nhiều người khi dùng cách chi tiêu của người khác áp dụng cho cuộc sống của bản thân. Điều này sẽ dẫn đến nguồn tài chính trở nên khó khăn hơn rất nhiều, chưa kể việc đầu tư vào hàng hiệu đâu đó là "một cuộc đầu tư không sinh lợi".

van hoa flex cung mot the he tre ton sung gia tri hinh thuc - anh 0
Đồ hiệu được nhiều người xem như một "cuộc đầu tư không sinh lợi"

Flex đã gây ra những vấn đề tài chính, khiến bản thân con người luôn sống trong sự kham khổ và thiếu thốn, những gì chúng ta thấy lại chỉ là về mặt hình thức bên ngoài. Việc tận hưởng vẫn còn rất nhiều cách khác nhau và thể hiện bản thân cũng không thể dùng đồ hiệu để khẳng định, vậy sao ta phải cứ đặt nặng có hay không cho bản thân những mặt hàng đắt đỏ?

Thời gian sau dịch bệnh, những vấn đề về thu nhập chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, có thể sẽ phải mất một khoảng thời gian sau này mới khôi phục lại. Nếu mỗi người vẫn cứ chạy đua theo xu hướng Flex thì nguồn tài chính của bản thân cũng sẽ dần trở nên cạn kiệt và những khoản chi tiêu cần thiết sẽ thiếu sót, từ đó có thể dẫn đến hành vi vay mượn nợ.

Flex không sai nhưng đừng để nó quyết định hành vi

Việc sở hữu cho mình những món đồ hiệu cũng là một điều tốt đẹp và đáng tự hào nếu nó được xem như thành quả sau những nỗ lực của chính bản thân ta trong cuộc sống. Xu hướng này cũng xuất phát từ sự lan rộng của một trào lưu trong giới trẻ, nó không phải tất cả những quy định để con người nên thực hiện theo.

van hoa flex cung mot the he tre ton sung gia tri hinh thuc - anh 0
Đồ hiệu không nên là mục đích sống duy nhất

Cần nên tránh việc xem đây là mục đích duy nhất mà ta hướng đến trong cuộc sống, bởi nhìn nhận thực tế việc sở hữu những món hàng hiệu đắt đỏ ta sẽ phải chi một số tiền rất lớn. Hãy chủ động trong việc mua sắm, xem xét đâu là những thứ nên mua và có thật sự cần thiết với cuộc sống thay vì chỉ mua để tự nâng cao giá trị bản thân.

Hiện tại thì vẫn có nhiều cá nhân tự tin thoải mái công khai đồ hiệu bản thân, đó là cuộc sống và công việc của họ, tất nhiên mỗi người đều có những giá trị khác nhau cần hướng đến. Nên đừng cho rằng xu hướng này chỉ dành cho những người khoe khoang hay có cách nhìn nhận tiêu cực về vấn đề, mua đồ hiệu nhưng nếu có được sự tính toán hợp lý để mọi thứ được cân bằng thì vẫn nên có sự ủng hộ.

Sự khoe mẽ và lối sống "flex" giữa mùa dịch: Nỗi bất an đến từ "sự ưu tiên"?

Đại học tự chủ tài chính: Đi tìm chỗ rẻ lại va vào chỗ "đắt"?

Trào lưu FIRE: Giới trẻ chọn "nghỉ hưu sớm" bằng cách độc lập tài chính

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ