Nhiều chuyên gia nhận thấy nguy cơ lây nhiễm ở trẻ em nên đã tiến hành đẩy mạnh tiêm chủng trên nhóm đối tượng này.
Trước đó vaccine được nghiên cứu trên người từ 18 tuổi và nhận thấy trẻ em không phải đối tượng của Covid-19 hoặc ít có diễn biến phức tạp từ dịch bệnh. Nhưng với sự xuất hiện của các biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh chóng như hiện nay thì vấn đề này cũng được nhiều người bày tỏ quan ngại.
Nhiều chuyên gia cũng đã có những khuyến cáo về tiêm chủng vaccine cho trẻ em trước những nguy cơ về lây nhiễm. Đồng thời, trong bối cảnh cuộc sống "bình thường mới" được áp dụng tại nhiều quốc gia, các trường học bắt đầu mở cửa trở lại thì việc đẩy mạnh nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 là điều hoàn toàn cần thiết.
Nghiên cứu về nguy cơ mắc Covid-19 ở trẻ em
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thực hiện và nghiên cứu về nguy cơ mắc Covid-19 đối với trẻ em và nhận thấy khả năng về lây nhiễm có thể tương tự như ở người lớn. Nghiên cứu này mang tính phát hiện bởi được thực hiện trong một thời gian dài với dữ liệu cao từ những hộ gia đình ở New York.
Theo CNN, dẫn lời TS.PGS Flor Munoz trước những nguy cơ lây lan dịch bệnh trên cơ thể trẻ em: "Nghiên cứu đã chứng minh trẻ em dù ở mọi lứa tuổi nào, từ sơ sinh đến thanh thiếu niên đều có nguy cơ mắc Covid-19 như người lớn. Song đó thì chúng có ít triệu chứng bệnh hơn. Kết luận này làm thay đổi góc nhìn trước đó về việc trẻ em ít có nguy cơ lây nhiễm Covid-19".
Theo các dữ liệu từ nhóm chuyên gia công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics thì với những nhóm tuổi khác nhau thì tỷ lệ mắc Covid-19 sẽ không giống nhau. Cụ thể thì với nhóm <4 tuổi (6,3%), 5-11 tuổi (4,4%), 12-17 tuổi (6%), người trên 18 tuổi (5,1%), điều này cho thấy nguy cơ cao lây nhiễm giữa những nhóm tuổi trên không có quá nhiều sự khác biệt.
Điều đáng nói trong nghiên cứu này chính là trẻ em ít có triệu chứng phản ứng với virus hơn người lớn, thậm chí là không ghi nhận bất kỳ triệu chứng nào. Điều này sẽ tạo nên những nguy cơ lây lan trong cộng đồng, nhất là khi đối tượng trẻ em hiện nay tại nhiều nơi vẫn chưa có quá đủ điều kiện tiếp cận vaccine như nhóm đối tượng trên 18 tuổi.
Việc bỏ sót đối tượng trẻ em trong công tác tiêm chủng vaccine cũng có thể sẽ dẫn đến sự lây nhiễm của nhóm đối tượng này cho người lớn nếu vô tình bị mắc bệnh. Tuy trước đó có những chuyên gia nhận định trẻ em không phải là đối tượng của loại virus này bởi miễn dịch bẩm sinh của chúng có thể ngăn chặn sự lây nhiễm nhưng trên thực tế thì trẻ em hoàn toàn có nguy cơ, thậm chí với nhóm đối tượng suy giảm miễn dịch hay có bệnh nền thì có thể trở nên nặng hơn.
Những kế hoạch về vaccine phòng Covid-19 dành cho trẻ em Việt Nam
Hiện tại trên thế giới cũng đã có nhiều quốc gia triển khai tiêm chủng vaccine cho nhóm đối tượng là trẻ em. Cụ thể tại Cuba - quốc gia đầu tiên tiêm chủng cho nhóm trẻ em 2 – 18 tuổi từ tháng 9/2021, Trung Quốc từ tháng 6/2021 là quốc gia đầu tiên sử dụng khẩn cấp vaccine theo công nghệ bất hoạt cho nhóm đối tượng từ 3 tuổi, vào tháng 8/2021 thì UAE phê duyệt khẩn cấp vaccine Sinopharm cho nhóm đối tượng từ 3 – 17 tuổi… Cùng nhiều nước tiêm chủng với các nhóm đối tượng khác nhau.
Trước đó vào ngày 14/7 thì Bộ Y tế cũng đã thoả thuận và đàm phán ban đầu với hãng Pfizer về việc cung ứng 20 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam để tiêm chủng cho trẻ em từ 12 – dưới 18 tuổi, trong bối cảnh nước ta hiện có khoảng 9 triệu trẻ em trong độ tuổi này. Đồng thời tại nhiều nơi cũng đã có những kế hoạch và phương án tiến hành tiêm chủng cho trẻ em.
VNExpress dẫn lời PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đề nghị Trung ương trong cuộc Hội nghị gần đây để sớm triển khai tiêm vaccine cho trẻ em trong giai đoạn đã có kế hoạch mở cửa các trường. "Việc tiêm ngừa cho trẻ em đã được chứng minh an toàn, hiệu quả. Vì vậy, tôi kiến nghị Trung ương sớm triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em để bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước", bà Tuyết nhận định.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch và dự kiến cuối tháng 10 năm nay sẽ triển khai tiêm chủng vaccine cho nhóm đối tượng trẻ em từ 12- dưới 18 tuổi, sau đó sẽ dần mở rộng ra các nhóm độ tuổi khác. Đồng thời, thì tài liệu tập huấn tiêm chủng cho trẻ nhóm đối tượng này đang được Chương trình tiêm chủng quốc gia xây dựng.
Trước đó tuy cũng có những đề xuất nhưng theo Bộ Y tế thì vẫn nên ưu tiên cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao trong tình hình đất nước vẫn thiếu nguồn cung vaccine. Nhưng với mức độ phủ sóng vaccine như hiện tại, đồng thời áp dụng cuộc sống "bình thường mới" tại nhiều nơi thì trong thời gian tới nhóm đối tượng trẻ em cũng sẽ được sớm triển khai tiêm chủng để đảm bảo an toàn dịch bệnh và ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêm ngừa vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng ta bảo vệ sức khoẻ và trở lại cuộc sống bình thường. Tuyến bài Toàn cảnh Vaccine sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực, lạc quan và sự hiểu biết nhất định về vaccine Covid-19 để nâng cao ý thức tiêm ngừa và phòng chống dịch bệnh.
Nguồn: TH&PL