Phim đình đám 'made in TVB' White Storm 3: Heaven or Hell lên nền tảng xem trực tuyến. Có nghĩa, lượng khán giả sẽ đông và rộng hơn.
White Storm 3: Heaven or Hell (tạm dịch Bão trắng 3: Thiên đàng hay Địa ngục) mãn nhãn với những pha hành động được dàn dựng công phu, kỹ xảo đẹp mắt, kết hợp cùng dàn diễn viên thực lực.
Các ngôi sao TVB là thần tượng của khán giả thế hệ 7x, 8x gồm Lưu Thanh Vân, Cổ Thiên Lạc, Quách Phú Thành,… khiến người xem "nức lòng", đặc biệt những khán giả một thời mê đắm các siêu sao TVB - Hồng Kông một thời.
Giống như 2 phần đầu, White Storm 3: Heaven or Hell vẫn xoay quanh đề tài chống tội phạm ma túy. Phần 1 với tên gọi Cuộc chiến á phiện, phần 2 Trùm á phiện và phần 3 Thiên đàng hay địa ngục đều trở thành bom tấn làm mưa làm gió tại các phòng vé Hoa ngữ. Phim nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các nhà phê bình và khán giả.
Cả 3 phần của White Storm đểu chinh phục khán giả bởi nhiều cảnh hành động với thời lượng dài, khắc họa các cảnh chiến đấu, bom nổ hoành tráng, mãn nhãn.
Bão trắng 3: Thiên đàng hay Địa ngục tái hiện thành công các điểm đặc trưng của dòng phim hành động Hồng Kông (Trung Quốc) với những pha đấu súng nghẹt thở, rượt đuổi gay cấn, những màn đấu trí căng thẳng giữa cảnh sát và tội phạm.
Xuất hiện nhiều nhất và ấn tượng nhất là những pha đấu súng với các đại cảnh hoành tráng được đầu tư bối cảnh và kỹ xảo, đem đến những thước phim chân thật, mãn nhãn cho khán giả.
Khán giả vui vì sự trở lại của điện ảnh Hồng Kông (Trung Quốc) sau thời gian dài mất tích nhưng cũng phần nào tiếc nuối khi các nam thần nay đã bước vào tuổi U55, U65. Diễn xuất của họ còn đỉnh cao hơn thời trẻ nhưng khó mà tránh được sự tàn phá của thời gian lên sắc vóc và độ nhanh nhẹn.
Hẳn nhiên, diễn viên thì cũng phải già đi và ở một nền công nghiệp điện ảnh tiên tiến, những diễn viên tài năng không thiếu đất diễn dù mặt mày đầy những nếp nhăn xếp lớp. Ở nền công nghiệp điện ảnh từng được mệnh danh là kinh đô điện ảnh châu Á Hồng Kông (Trung Quốc) cũng vậy.
Chỉ là khán giả thấy tiếc khi nam thần trong ký ức nay trở thành những ông già và vẫn đang cố gồng mình rượt đuổi, đánh đấm, nã đạn với những bộ phim hành động.
Phong độ diễn xuất vẫn nguyên vẹn, thậm chí tăng thêm. Nhưng nếu tài năng diễn xuất ấy được đặt trong một bối cảnh diễn biến tâm lý sâu sắc, một kịch bản phim khai thách diễn viên thực tài ấy ở một diễn biến tâm lý sâu thẳm, hẳn khán giả sẽ lại một lần nữa "ngả rạp" thay vì xem phim với tâm lý lưu giữ ký ức như hiện tại.
Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, người người nhà nhà xem TVB. Có thời gian mà cứ đến giờ cơm hay mỗi tối là trong nhà nhà trong xóm kéo nhau ra cùng xem đài TVB. Nhưng từ đầu năm 2000, TVB mất dần chỗ đứng của mình, không còn là "kinh đô" phim của châu Á.
TVB được thành lập bởi ông trùm truyền thông Thiệu Dật Phu vào năm 1967. Trong giai đoạn đầu thành lập, TVB là giấc mơ, là đỉnh cao của bao chàng trai, cô gái mong muốn được nổi tiếng và đổi đời.
Những thanh niên thời đó ấp ủ khát khao ứng tuyển lớp đào tạo diễn xuất do Thiệu Dật Phu thành lập. Đó là chàng trai nhà nông Châu Nhuận Phát, gã thanh niên lêu lỏng, chơi bời Châu Tinh Trì, anh chàng hướng nội trầm tư Lương Triều Vỹ…
TVB còn tổ chức các cuộc thi hoa hậu Hồng Kông, tạo cơ hội để bồi dưỡng, chắp cánh cho các mỹ nhân như Trương Mạn Ngọc, Lý Gia Hân, Triệu Nhã Chi…
Trong thời đại hoàng kim của mình, TVB là bệ phóng tạo ra những những minh tinh, ngọc nữ, thiên hậu, thiên vương mà có lẽ chẳng ai thay thế nổi.
TVB rực rỡ nhất giai đoạn những năm 80,90. Những bộ phim cổ trang, hình sự, tâm lý gia đình như Bến Thượng Hải, Phượng Hoàng Lửa, Tô Khất Nhi, Anh Hùng Xạ Điêu, Cô gái Đồ Long, Đại thời đại, … cho đến nay vẫn là những phim được khán giả yêu thích.
Khi TVB đổi chủ (Thiệu Dật Phu qua đời) thì TVB cũng bắt đầu có những dấu hiệu đi xuống vì không còn nhiều phim gây tiếng vang. Sau thời khai sinh thế hệ vàng của làng phim Hồng Kông, TVB chưa làm nên ngôi sao trẻ nào có sức ảnh hưởng đáng kể.
Sự suy thoái của TVB thể hiện rõ qua các con số. Thập niên 1990, đa số phim đạt tỷ lệ người xem trên 30% như Thần điêu đại hiệp, Tây du ký, Hồ sơ trinh sát...
Có những tập đạt tỷ lệ trên 45%. Nhưng ngày nay, khán giả xem phim ngày càng giảm. Theo Kknews, tỷ lệ người xem đi xuống rõ rệt từ năm 2012, ở mức trung bình 22 đến 26%.
Năm 2014, một biên kịch của TVB tiết lộ trên tạp chí ICEO sự khó khăn của TVB sau khi Thiệu Dật Phu không trực tiếp lãnh đạo. Nhân viên TVB từ 4.500 người giảm còn 3.000 người, cả những người có công với đài cũng bị cho nghỉ việc.
Vận mệnh "kinh đô điện ảnh châu Á" của TVB đặt dấu chấm hết khi phim truyền hình Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Đại lục càn quét khắp châu Á. Sự xuất hiện làn sóng phim truyền hình từ nhiều nước châu Á khác đã nhanh chóng lấn át, đẩy phim TVB vào thế yếu.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là vấn đề nhân sự. Tờ The Time Weekly nhận định TVB đang đối mặt với sự thiếu hụt tài năng trầm trọng nhất trong lịch sử 50 năm. Bên cạnh đó, kịch bản phim cũ kỹ đến mức khán giả gọi đó là "công thức TVB" - cụm từ ám chỉ mô típ quen thuộc: tình yêu tay ba, tranh đoạt gia tài, thân thế bí ẩn, truy đuổi tội phạm… khiến phim TVB rơi vào thế "hết thời".
Theo một tiết lộ, lãnh đạo nhà đài tiết kiệm cả tiền đầu tư phim đến mức, dây cáp để quay phim kiếm hiệp bị thay bằng loại rẻ tiền hơn, khiến một diễn viên bị thương trên trường quay.
Phim trường chật hẹp, phông nền giống nhau, đạo cụ tái chế... mọi thứ chắp vá như nồi lẩu thập cẩm, cộng thêm việc dàn diễn viên trẻ diễn xuất yếu kém là các nguyên nhân lớn khiến các bộ phim TVB trở nên lạc hậu nghiêm trọng trong thời đại "bùng nổ" hiện nay.
Truyền thông Trung Quốc mô tả kỷ nguyên điện ảnh TVB là "Vô khả nại hà hoa lạc khứ" (Chẳng đặng lòng nhìn cánh hoa rơi xuống, nhưng đành bất lực).
Nguồn: NLD