Vpop có nhiều nghệ sĩ từng đưa yếu tố lịch sử vào trong sản phẩm âm nhạc, tuy nhiên, mỗi sản phẩm lại đưa đến một góc nhìn khác nhau.
MV sử dụng tính lịch sử giúp tôn vinh văn hoá, khẳng định tính nữ quyền
Mỵ Châu của Đông Nhi đã được "hồi sinh" bởi một nữ tộc bí ẩn. Họ đã giúp cô tập luyện, mạnh mẽ vùng lên để tìm lại công lý cho chính mình. Ai cũng có quyền mắc sai lầm trong cuộc sống, người phụ nữ cũng vậy. Tuy nhiên khi có cơ hội được sửa sai họ sẽ vực lên mạnh mẽ hơn bất kỳ ai, bản lĩnh và kiên cường, dù ở thời đại - môi trường - xã hội nào, phụ nữ cũng đều tài giỏi, đủ sức chống chọi trước mọi nghịch cảnh.
Thông điệp "Nữ quyền" một lần nữa được Đông Nhi truyền tải rất rõ ràng thông qua câu chuyện của MV Đôi Mi Em Đang U Sầu cũng như lồng ghép vào các sản phẩm âm nhạc trước đây.
Giám đốc sáng tạo Alex Fox chia sẻ về sản phẩm này: "Tôi cùng ekip Đông Nhi muốn tựa trên tích xưa để phát triển một hậu truyện dưới cái nhìn của 1 xã hội mới với tính nữ quyền được để cao, cho Mỵ Châu 1 cơ hội được giải oan cho chính mình, được tự mình phục thù những nỗi đau nàng đã chịu".
Sự tích cực này như một cách tiếp nối những thành công trước đó của âm nhạc Việt với việc một loạt các MV mang yếu tố lịch sử Việt Nam trong phần nhìn như Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp (Hòa Minzy), Mặt Trăng (Bùi Lan Hương),....
Hòa Minzy khai thác một câu chuyện có thật (theo cách triệt để nhất) về chuyện tình đầy bi kịch của Nam Phương hoàng hậu. Ê-kíp sản xuất MV đã mất 6 tháng để hoàn thành kịch bản và gần 2 năm nghiên cứu lịch sử cũng như tìm kiếm bối cảnh cho sản phẩm này. Tích cực mà sản phầm này mang lại chính là đưa người ta gần hơn với lịch sử nước nhà, hình ảnh Nam Phương Hoàng hậu trở nên sống động như hiện ra trước mắt, khiến người ta muốn đọc - xem lịch sử giai đoạn đó, đặc biệt là lứa học sinh trung học.
Xuyên suốt MV, có thể thấy Hòa Minzy cùng ekip có sự đầu tư kỹ lưỡng từ phục trang, vật dụng đến cả những hình ảnh được cài cắm đều đưa khán giả về một vùng trời Huế, nơi câu chuyện này đã được xuất hiện. Những chi tiết đều được dựng lên đúng chuẩn lịch sử: Lối đan trang trí này được gọi là kĩ thuật đan Chân Chỉ Hạt Bột - một kĩ thuật trang trí trên kiệu của Đức Từ cung, mẹ ruột của Hoàng đế Bảo Đại; Chiếc gối được sử dụng trong MV cũng là đồ cổ chính hiệu được ekip mượn của nhà sưu tầm cổ vật,.... đặc biệt là lá thư mà Lý Lệ Hà gửi Nam Phương.
Đặc biệt, Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp mang theo cả yêu cầu của Nam Phương hoàng hậu đối với vua Bảo Đại về việc được giữ lại Đạo của mình, các con mai sau sinh ra được theo Đạo mẹ và được rửa tội. Đây là một chi tiết mang đậm tính lịch sử và thể hiện sự tinh tế, có đầu tư trong cách làm nội dung của MV này.
Đạo diễn Kawaii Tuấn Anh cũng đã bày tỏ suy nghĩ khi làm sản phẩm này: "Tôi muốn xây dựng một MV mà ở đó các yêu tố lịch sử được tái hiện một cách chân thực. Tôi mong muốn được mang đến cho khán giả một cái nhìn trực quan về mỹ thuật triều Nguyễn, cảm nhận chân thật nhất về cuộc tình đau đớn có thật và từ đó cảm nhận bài hát theo cách thấm đẫm nhất những nỗi buồn chất chứa".
Còn với MV Bùi Lan Hương, sự duy mỹ được đề cao khi cô khái thác về nội dung gốc của câu chuyện huyền sử Mỵ Châu- Trọng Thủy theo cách tôn trọng lịch sử và đi theo diễn biến "đúng chuẩn" của câu chuyện cũng đã nhận được nhiều sự yêu thích của khán giả. Mị Nương trong "Mặt trăng" xuất hiện với đầy đủ những chi tiết mà chúng ta biết đến trong truyền thuyết như lông ngỗng, vua cha chém đầu,...
Cốt truyện bám sát vào lời bài hát, khai thác những dằn vặt nội tâm của Mỵ Châu do Bùi Lan Hương vào vai. Hình ảnh lông ngỗng, viên ngọc vốn gắn với Công chúa Mỵ Châu cũng được đạo diễn gửi gắm xuất hiện xuyên suốt, liên tục trong MV, từ trang phục cho tới cách trang điểm. Không gian huyền ảo được thực hiện toàn bộ ngoài trời, đặc biệt là dưới nước.
Mang văn hóa - lịch sử vào âm nhạc là một hướng đi nhiều thử thách và xứng đáng nhận được những khích lệ. Trong một dòng chảy âm nhạc với nhiều màu sắc và sự hòa trộn, "lai căng" từ nhạc Hàn, Hoa, US - UK,.. việc đưa được bản sắc dân tộc vào âm nhạc hiên đại chắc chắn cũng sẽ tạo ra được những dấ ấn riêng biệt của nghệ sĩ đó trên thị trường.
Khai thác lịch sử một cách cẩn thận, tránh "sạn"
Những vấn đề về lịch sử - văn hóa luôn là chủ đề nhạy cảm. Sự nghiên cứu và tìm hiểu thông tin thật kỹ lưỡng luôn là một ưu tiên bắt buộc ở mỗi nội dung liên quan đến nhóm chủ đề này. Sự "khó tính" của khán giả trong các sản phẩm này cũng sẽ được nâng lên một mức độ cao hơn
Chính vì lẽ đó, việc có một ekip thực sự cẩn trọng, có tìm kiểu sâu về nội dung và từng thứ được đem vào sản phẩm âm nhạc chính là cách để các nghệ sĩ có thể thỏa mãn được sự chờ đợi từ khán giả cho các sản phẩm theo trường phái như vây.
Nhiều tác phẩm đã nổ ra tranh cãi khi vượt qua ranh giới của sự phá cách khuôn mẫu truyền thống. Một số tác phẩm lại biến tấu quá đà yếu tố truyền thống từ trang phục, bối cảnh, đến nội dung sản phẩm gây nên sự phản cảm dành cho một bộ phận khán giả.
Điển hình như cách Đông Nhi biến tấu những chi tiết trong câu chuyện Trọng Thủy - Mỵ Châu thành một MV huyền sử cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều. Có người khen rằng cô đang sáng tạo thêm dựa trên huyền sử, nhưng cũng có những người cho rằng điều này sẽ gây hại đến sự toàn vẹn của tác phẩm gốc. Hay việc sử dụng chữ Khoa Đẩu - bộ chữ cái được nhiều người cho là không có căn cứ và chưa từng xuất hiện trong lịch sử để quảng bá cho MV cũng là một điều bất cẩn lớn của ekip.
Những hạt sạn trong phần câu chuyện và hình ảnh đó cũng khiến thông điệp Đông Nhi mong muốn truyền tải gặp nhiều khó khăn hơn, khiến những ấn tượng của khán giả về MV Đôi Mi Em Đang U Sầu cũng giảm bớt phần nào.
Từ những thông điệp đầy tích cực đã được nêu ra, khán giả cũng kỳ vọng rằng những sai sót trong việc truyền tải các yếu tố thuộc về văn hóa - lịch sử sẽ không xuất hiện trong các sản phẩm âm nhạc sử dụng chất liệu từ các câu chuyện mang đậm sự ảnh hưởng của thời gian.
Kết hợp những thông điệp của thời hiện đại, khi mang nữ quyền hay cả những câu chuyện có thật vào bên trong phần nhìn mang tính đương đại không phải là một thứ dễ dàng. Nhưng nếu đã làm, nghệ sĩ nên (cần) có những sự tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đưa ra thị trường sản phẩm của mình.
Nguồn: TH&PL