Ai cũng nói nhà là nơi để về, nhưng không ai nói nếu nhà không “bình yên” như chúng ta nghĩ thì có được quyền bỏ “nhà” hay không?
Những câu chuyện xung đột trong gia đình tưởng chừng như rất xa lạ, nhưng thực ra vẫn là vấn đề muôn thuở trong những mái nhà nhiều thế hệ, nhiều tính cách cùng chung sống với nhau. Không theo đuổi những câu chuyện tình cảm gia đình tốt đẹp, trân quý. Các nhà làm phim từ điện ảnh Bố Già đến truyền hình Cây Táo Nở Hoa đều chọn những góc khuất của đề tài về gia đình để mang vào tác phẩm của họ.
Tất cả những bi kịch trong cuộc sống, những xung đột của gia đình được đạo diễn "gói gọn" trong một tác phẩm, được gửi gắm trọn vẹn trong một gia đình khiến người xem có phần "ngợp" khi chứng kiến quá nhiều câu chuyện thương tâm, đau tận đáy lòng vì chúng xuất phát từ một chữ "nhà", nơi bình yên luôn được xem là điểm neo đậu tâm hồn sau những tất bật, hối hả bên ngoài xã hội.
Khi chữ "nhà" được đặt lên đầu tòa án lương tâm, tất cả mọi lỗi lầm đều được xí xóa
Trong phim điện ảnh Bố Già và phim truyền hình Cây Táo Nở Hoa , khi mọi lỗi lầm xảy ra, bằng một phản xạ nào đó mà con người có thể "lấy danh nghĩa người nhà" để có thể làm lá khiên chắn vững chãi, tha hồ tung hoành ngang dọc mà không hề run sợ trước pháp luật và cả tòa án lương tâm của bản thân mỗi con người. Điều đó khiến người xem phải tự hỏi rằng, liệu chữ "nhà" có thực sự xứng đáng để được trân trọng như chúng ta thường nghĩ hay không?
Ở Bố Già, hình ảnh Ba Sang (Trấn Thành) bất chấp mọi lời khuyên ngăn, dù cho sự việc đã được tái đi tái lại nhiều lần nhưng vẫn chấp nhận trả nợ cho Út Quý (La Thành), người đã sa chân vào con đường cờ bạc khiến cả gia đình phải đau đầu.
Câu chuyện được "phóng đại" hơn khi với 70 tập phim của Cây Táo Nở Hoa, khi bộ phim đi gần hết thời lượng thì người anh cả Ngọc (Thái Hòa) vẫn gồng mình để năm lần bảy lượt cầm cố căn nhà, thuế chấp bảo hiểm của con mình để có thể "giải cứu" hai đứa em "trời đánh" Ngà (Trương Thế Vinh) và Báu (Nhã Phương).
Tuy nhiên, tiền bạc, vật chất mất đi có thể tìm lại được, nhưng vết thương lòng từ những lời nói của chính những người được gắn nhãn "người chung một nhà" lại khiến con người ta đau đớn hơn bất cứ điều gì. Cô em Báu đã có những câu nói để đời, không chỉ khiến cho người anh cả đang ung thư gan giai đoạn cuối đau, mà cả những người xem cũng phải rơi nước mắt, vì sức "sát thương" của nó quá lớn: "Tôi có 10 lá gan cũng không cho, nhất quyết không cho" hay "Trong gia đình này chỉ có một mình chị là em thôi, hai người tự cứu nhau đi".
Hay ở khía cạnh của Bố Già, bà Hai Giàu (Ngọc Giàu) và thím Ánh (Lan Phương) luôn dùng những câu từ thậm tệ để chỉ trích đứa cháu trai của mình - Quắn (Tuấn Trần). Cả hai đều lấy chữ "nhà" kẹp chung với chữ "người lớn" làm bức bình phong để có thể dễ dàng xúc phạm người khác, không phân biệt đúng sai.
Cả ở Bố Già và Cây Táo Nở Hoa đều có một vấn đề làm nhân vật và cả người xem bối rối, phải hành xử như thế nào khi người "nhà" luôn lấy lý do muốn tốt cho mình nên mới có những lời nói tổn thương đến như vậy.
Ngoài những xung đột của anh em chung một nhà, Bố Già và Cây Táo Nở Hoa đều "chạm" tới câu chuyện "đẻ nhưng không nuôi", rồi sau này quay lại vòi tiền vì câu "ơn nghĩa sinh thành". Ở Bố Già có người mẹ vì danh lợi muốn lấn thân vào showbiz, Trizzy Trúc Nhàn (Minh Tú) mà có thể quay lại để có thể uy hiếp cả Quắn và Ba Sang.
Quá đáng hơn khi bà Ích ở Cây Táo Nở Hoa, sẵn sàng lừa gạt những đứa con của mình: ăn cắp tiền cưới của Châu, sẵn sàng đuổi Báu vì tình trẻ, đột nhập vào nhà của Ngọc để ăn cắp nhằm phục vụ người chồng ăn chơi của bà.
Cả hai đều có những điểm tương đồng với nhau, cả hai đều bỏ đi khi đứa con của mình còn rất nhỏ và cả hai quay lại đều vì chữ tiền. Cả hai đều là những người mẹ "ngược", đi trái lại với định nghĩa làm mẹ cơ bản trong xã hội. Những câu chuyện thương tâm như thế luôn đã, đang và sẽ liên tục diễn ra hằng ngày. Thực sự đây là câu đố khó nhất của mỗi con người mà không ai có thể đưa ra một câu trả lời hoàn toàn thuyết phục.
Gộp chung những bi kịch ở trên, nút thắt quan trọng nhất vẫn là chữ "nhà", nút thắt mà không ai có thể đứng ra có thể gỡ rối được. Hay câu nói của Quắn là đáp án cho bài toán này "Những người mà ba gọi chị chị em em, bên trong họ đâu có yêu thương ba thì những người đó chỉ nên gọi là họ hàng".
Trong tình yêu, ai yêu nhiều hơn người đó thua, trong "nhà" cũng vậy
Có thể nhận thấy rõ ràng, sự hy sinh không phải là khởi nguồn của tình yêu mà tình yêu mới là khởi nguồn của sự hy sinh. Ba Sang và Ngọc có những hành động vì "người nhà" mà quên đi bản thân và cả gia đình nhỏ đều vì tình yêu to lớn dành cho những đứa em của mình.
Cả ba Sang và Ngọc đều chưa bao giờ so sánh sự hy sinh của mình để mưu cầu một chuyện nào đó, chỉ mong những người họ xem là nhà có thể sống một cách hạnh phúc, một cách vui vẻ cùng họ đến cuối cuộc đời.
Anh cả Ngọc đã từng nói "Năm anh em mình như một bàn tay vậy đó, một ngón đau thì mấy ngón kia đâu làm được gì đúng không?". Từ câu nói của anh Ngọc đã nhận ra, anh xem những đứa em như bản thân, sinh mạng của mình, có thể hy sinh tất cả mọi thứ để bảo vệ họ. Hay ở ông Ba Sang "Nhưng đó là gia đình tao mà Quắn, tao nhịn gia đình tao thì có gì là sai?''.
Cả anh Ngọc và Ba Sang đã quên đi rằng mình hy sinh quá nhiều, hy sinh mà không cần biết mình có nhận lại ít nhất là sự tôn trọng hay không. Chỉ cần biết ai có nhãn "nhà" là cả hai đều ra sức bảo vệ.
Tạm gác những câu chuyện ở "gia đình lớn", vì mãi chạy theo tình yêu của anh em ruột thịt mà cả ông Ngọc và Ba Sang đã quên mất đi mái ấm nhỏ của mình, quên đi người vợ tần tảo sớm hôm, đồng cam cộng khổ, quên đi người con cũng cần nhận được sự yêu thương, quan tâm từ chính người cha của mình, và họ cũng là máu mủ ruột rà với cả hai như những người kia.
Chị Hạnh (Hồng Ánh) dù năm lần bảy lượt vẫn không thể ly hôn ông Ngọc, người đã không cho chị được hạnh phúc trọn vẹn mà một người vợ phải có. Nhưng chị vẫn ở bên, vẫn đồng hành, vẫn cắn răng chịu đựng chỉ vì chữ yêu, chữ thương.
Tình yêu đôi lứa đã là một thứ khó có thể phân định, tình yêu thương trong gia đình còn lại là một điều gì đó khó phân định hơn rất nhiều. Cũng không thể trách ông Ngọc hay Ba Sang vì đã dành tình yêu quá nhiều cho anh em, khi ông Ngọc một tay vừa làm cha, vừa làm mẹ để nuôi nấng đàn em của mình, Ba Sang thì luôn muốn vun vén nhà mình hòa thuận, vui vẻ, sum vầy với nhau. Suy cho cùng, tình yêu trong gia đình là thứ không thể cân, đo, đong, đếm, mà mỗi người phải có trách nhiệm và bổn phận khi "nhận" tình cảm đó.
Nếu không sống trọn vẹn trong chữ "nhà", có thể chọn cuộc sống cho riêng mình được không?
Cũng phải nhìn nhận lại rằng, cả Hạnh, Ngọc, Ngà, Châu, Báu, Dư hay Ba Sang, Quắn, Cẩm Lệ và gia đình đều có thể chọn một cuộc sống riêng của mình, không bận tâm đến cuộc sống của ai, nhưng cũng vì chữ "nhà" đã khiến tất cả không thể có một quyết định dứt khoát được.
Quắn từng muốn đưa cha của mình đến một nơi khác sinh sống, tận hưởng những giây phút về già của mình "Ba nói lý lẽ giùm được không, con thương ba mà ba nói một hồi giống như con là mất dạy vậy". Hay con gái của Hạnh và Ngọc, Phúc (Trịnh Thảo) mong muốn cha mẹ mình đừng quan tâm đến cô chú nữa, hãy sống cuộc sống của riêng mình. Tất cả nhân vật như một xâu chuỗi tình cảm, tất cả đều yêu thương, đều muốn cho nhau một cuộc sống tốt nhưng lại không biết cách để trao gửi cho nhau.
Mà ở đó, Ba Sang và Ngọc đều lựa chọn cho bản thân mình là một cái "hố đen vũ trụ", từ bỏ cuộc sống riêng mà đón nhận hết những tổn thương, đau đớn mà cả gia đình đã gây ra cho bản thân mình. Sức chịu đựng của cả hai dường như không có giới hạn, gần hai tiếng của Bố Già và 70 tập phim của Cây Táo Nở Hoa, là những tổn thương, đau đớn mà hai nhân vật phải liên tục trải qua.
"Tôi nói với ba rồi, mỗi người một cuộc sống", đây chắc là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi ở trên, mỗi người một cuộc sống. Mỗi người đều có quyền trao gửi yêu thương của mình cho người khác, nhưng trước khi trao gửi, hãy tự yêu thương bản thân mình trước.
Tạm kết
Chúng ta hay nghe "Nhà là nơi ngập tràn tình yêu thương giữa mọi thành viên trong gia đình. Không có chỗ cho sự vụ lợi, không có chỗ cho sự ganh ghét, nghi ngờ lẫn nhau như ở ngoài xã hội, không có chỗ cho sự giả tạo. Nhà là nơi gắn kết mọi thành viên trong gia đình bằng tình yêu thương, bằng những tiếng cười và và bằng sự bình yên mà không ở đâu khác có được". Nhưng không ai nói rằng chất liệu kết dính được "nhà" là sợi dây tinh thần, là sự thấu hiểu nhau giữa các thành viên.
Khi tình yêu của "nhà" dần bị mai một mà các thành viên không nhận ra, dù bù đắp bằng vật chất như thế nào thì chữ "nhà" cũng sẽ trở nên trống rỗng. Điều mà "nhà" cần là tình cảm chân thật giữa những thành viên với nhau. Từ lẽ đó, "nhà" mới thật sự có ý nghĩa.
Nguồn: TH&PL