Tại một số nước châu Á, Trung Thu được xem như một ngày lễ lớn trong năm.
Năm nay vì ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài mà người ta thường bảo nhau rằng bây giờ ngày bình thường, cuối tuần hay ngày lễ cùng chẳng khác nhau là mấy. Thế nhưng Trung thu vẫn là một dịp đặc biệt được nhiều người chờ đón.
Tuy nhiên, đây không chỉ là một ngày lễ lớn và thường niên ở Việt nam mà còn ở nhiều nước Châu Á khác. Do có sự khác biệt trong văn hóa và truyền thông nên ở mỗi đất nước sẽ có một tên gọi và cách đón khác nhau cho Tết Ông trăng.
Hàn Quốc
Ngày rằm tháng 8 ở xứ sở kim chi được gọi là lễ Chunseok. Chunseok có nghĩa là đêm mùa thu, đêm trăng rằm đẹp nhất. Lễ Chunseok còn được gọi là lễ tạ ơn ở Hàn Quốc vì người dân muốn bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên vì có một mùa bội thu và chia sẻ sự sung túc với người thân. Đây là dịp đặc biệt để gia đình quây quần bên nhau và thực hiện các hoạt động như tảo mộ, cúng bái và sum họp cùng nhau tặng quà và dùng bữa. Trung thu được diễn ra ở đất nước Hàn Quốc trong không khí ấm cúng vui vẻ.
Trái với Việt Nam, Trung thu được xem là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Hàn Quốc, người dân có tới 3 ngày nghỉ trong dịp lễ này. Từ nhân viên văn phòng đến những người kinh doanh hàng quán thường sẽ đóng cửa để đón lễ bên gia đình. Ngoài ra còn có các hoạt động vui chơi giải trí vào dịp lễ này như đấu vật, kéo co,... hay nhảy múa dưới ánh trăng.
Trung Quốc
Tết Trung thu ở Trung Quốc cũng là một dịp lễ rất được người dân coi trọng, là dịp lễ lớn thứ hai trong năm chỉ sau Tết Nguyên Đán. Tết Trung thu ở Trung Quốc còn được gọi là Tết đoàn viên khi đây là dịp mà tất cả thành viên trong gia đình, dù đi làm ăn xa đến đâu cũng sẽ về quây quần với gia đình, cùng thưởng thức bữa ăn.
Lễ hội Trung thu là dịp để thưởng nguyệt nên các hoạt động ở Trung Quốc sôi nổi nhất khi màn đêm đã buông xuống. Lúc này, mọi người sẽ thực hiện các hoạt động vui chơi giải trí, đặc biệt không thể không kể đến là rước đèn lồng và múa rồng lửa. Mỗi chiếc đèn lồng đều được tạo ra một cách công phu và đẹp mắt, thể hiện sự khéo léo và sáng tạo của các nghệ nhân.
Nhật Bản
Lễ hội Trung thu ở Nhật Bản có tên gọi là "Tsukimi", có nghĩa là ngắm trăng. Đúng như cái tên, đây là thời gian để mọi người ngồi lại, cùng nhau thưởng thức đêm trăng đẹp nhất năm, thưởng trà bánh và tâm tình. Một điều đặc biệt chỉ có ở xứ sở hoa anh đào là Tết Ông trăng được tổ chức đến hai lần trong một năm, lần đầu là vào ngày 15/08 âm lịch và một lần sau đó khoảng một tháng vào ngày 13/09 âm lịch.
Không có quá nhiều hoạt động sôi nổi như lễ hội ở các nước khác, vào Trung thu, người dân xứ sở mặt trời mọc thường bày biện các món ăn truyền thống của dịp này cùng cỏ lau - loài cây quen thuộc ở Nhật Bản vào mùa thu - để ở hiên nhà hoặc nơi dễ ngắm trăng nhất để cùng nhau thưởng thức. Nếu như ở Việt Nam, đèn ông sao là hình ảnh quen thuộc mỗi dịp Rằm tháng tám thì ở Nhật, lồng đèn Cá chép lại là nét đặc trưng trong hội rước đèn.
Thái Lan
Ở Thái Lan, Tết Trung thu được gọi là "Lễ cầu trăng", ở đây, tất cả mọi người đều phải tham gia lễ cúng trăng. Mâm lễ sẽ có rất nhiều hoa quả, trong đó có hai thứ không thể thiếu đó là quả đào và bánh trung thu. Người Thái tin rằng Bát Tiên sẽ mang đào tới để chúc thọ Bồ Tát và các vị thần sẽ ban phước lành cho họ. Bánh trung thu của người Thái thường có nhân là sầu riêng.
Đối với lễ cúng trăng ở Thái Lan, tất cả mọi người già trẻ lớn bé đều phải tham gia, ngồi quây quần và cầu mong những điều tốt đẹp nhất. Sau đó, mọi người còn cùng nhau thả những chiếc đèn mang theo mong ước hạnh phúc và may mắn lên trời.
Việt Nam
Ở nước ta, Trung thu thường được gọi là Tết thiếu nhi, nhưng ngoài ra, nó còn có một các tên là Tết đoàn viên. Vào rằm tháng tám hằng năm, khắp phố phường được trang trí rực rỡ bở các loại lồng đèn đa dạng hình thù và màu sắc. Rất nhiều gia đình sẽ làm mâm cúng rằm, sau đó cùng nhau quây quần thưởng thức bữa ăn và bánh trung thu.
Vào dịp này, ngoài quây quần bên gia đình thì còn rất nhiều hoạt động thú vị khác được tổ chức như hội rước đèn, múa lân cùng nhiều hoạt động lễ hội khác đầy sôi nổi.
Năm nay bạn sẽ đón Tết Trung thu như thế nào?
Nguồn: TH&PL