“Trịnh Công Sơn” - “Em Và Trịnh” phát hành 2 bản song song vẫn là đề tài gây tranh cãi nhiều ngày qua.
Em Và Trịnh là dự án điện ảnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Bộ phim nhằm phác hoạ lại một phần cuộc đời của cố nhạc sĩ vang danh Trịnh Công Sơn. Trong đó, có câu chuyện của những nàng thơ lướt ngang cuộc đời Trịnh, có lý giải nguồn cảm hứng bất tận trong các sáng tác sống mãi với năm tháng của ông.
Song, điều bất ngờ xảy ra ở những ngày cận kề công chiếu, cùng lúc nhà sản xuất đưa ra chiến lược quảng bá song song bộ phim Trịnh Công Sơn với Em Và Trịnh. Sau khi xem cả hai bản chiếu và thấy gần như giống hệt nhau, nhiều khán giả đặt ra câu hỏi: Việc phát hành như vậy là tâm huyết hay "chiêu trò"?
Chiến lược marketing hay dụng ý nghệ thuật?
Việc phát hành hai bản chiếu song song gây ra nhiều ý kiến tranh cãi. Xét về góc độ lợi nhuận của nhà sản xuất, có thể hiểu được rằng bất kỳ nhà làm phim nào cũng mong bộ phim mình "thắng lớn", đạt được doanh thu cao. Tuy nhiên triển khai chiến lược marketing khôn khéo thế nào là bài toán cần giải quyết.
Để lý giải cho việc chiếu cùng lúc Trịnh Công Sơn và Em Và Trịnh không nhằm mục đích marketing, ông Lương Công Hiếu, đại diện phía sản xuất chia sẻ: Dự định ban đầu của ekip chỉ là làm "một tác phẩm điện ảnh thật chỉn chu" (Em Và Trịnh). Thế nhưng, khi xem gần 1000 giờ quay thì họ "phát hiện ra, có đến hai câu chuyện, hai góc nhìn khác biệt về người nghệ sĩ, mà khía cạnh nào cũng đặc biệt thú vị".
Theo như lý giải từ nhà sản xuất, bộ phim sẽ có hai câu chuyện thú vị khác nhau về Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, sau khi 2 bản phim được công chiếu, người hâm mộ khá bức xúc vì bản chiếu ngắn Trịnh Công Sơn (95 phút) chỉ có 2 phút là khác so với bản dài Em Và Trịnh (136 phút).
Điều này được xem là sự thiếu tôn trọng khán giả khi quảng cáo đến người xem là hai nhưng thực chất chỉ là một. Trên thực tế, Em Và Trịnh chỉ là bản "Director's Cut" của Trịnh Công Sơn.
"Tham lam" phát hành gây tranh cãi!
Nhìn nhận một cách khách quan, đây là tác phẩm nhận được rất nhiều sự trông đợi từ khán giả ngay từ những ngày đầu casting. Đến lúc thành hình, người hâm mộ càng vui sướng hơn hết khi sắp được chìm đắm trong giai điệu nhạc Trịnh, được ngắm những thăng trầm trong cuộc đời ông trên màn ảnh rộng.
Từ sự kỳ vọng, nhiều tin tức xoay quanh câu chuyện phát hành hai bản cùng lúc được nổi lên, có tin tức cho rằng sự xuất hiện của nhân vật Michiko làm cho nội dung bị dàn trải khiến bản dựng ban đầu dài lên đến 4 tiếng.
Phần lớn suy đoán cho rằng, khi ghép vào thời lượng quá dài nhưng khi bỏ đi câu chuyện của Michiko thì mất hay, ngoài ra nhà sản xuất không nỡ cắt bỏ cảnh quay nào nên quyết định sẽ tách thành hai bản riêng biệt, lý do mà Trịnh Công Sơn ra đời. Dụng ý từ ekip không sai, tuy nhiên sự tham lam trong cách phát hành khiến nhiều khán giả không đồng tình.
Bên cạnh đó, có thể thấy lịch chiếu dày đặc của Em Và Trịnh hơn hẳn Trịnh Công Sơn tại các cụm rạp càng minh chứng cho việc phát hành song song chỉ nhằm mục đích thương mại, thu hút sự tập trung của khán giả để thu lợi nhuận từ Em Và Trịnh.
"Mẹo" để "phần yếu" vẫn thu được lời
Em Và Trịnh chắc chắn sẽ là bản phim chính được đầu tư một cách chỉn chu ngay từ đầu, bởi dụng ý ban đầu của nhà làm phim vẫn là hướng đến một tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Vậy việc phát hành thêm Trịnh Công Sơn nhưng vẫn thu được lợi nhuận là chiến lược gì?
Trên thế giới, việc phát hành nhiều bản phim cùng một thời điểm là điều đã xảy ra nhưng bắt buộc các bản phim đó phải mang đến những cái kết khác nhau. Năm 1985, đạo diễn Jonathan Lynn đã từng thực hiện tác phẩm "hài đen - dark comedy" kết hợp trinh thám mang tên Clue. Ông cho công chiếu cùng lúc 3 bản phim ngoài rạp với 3 cái kết khác nhau.
Ông gọi tên 3 phim của mình bằng Kết A, Kết B, Kết C và cho khán giả có quyền lựa chọn bản phim mong muốn hoặc lựa chọn ngẫu nhiên như một trò may rủi. Thậm chí, tại một số rạp người mua vé còn không biết mình sẽ xem bản nào.
Trịnh Công Sơn và Em Và Trịnh dường như cũng học hỏi từ mô hình mới mẻ và thú vị này. Nhà sản xuất sẽ thu lợi từ chính sự tò mò và nhu cầu đối chiếu hai sản phẩm của khách hàng. Tuy nhiên, hai bản phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh không đưa ra cái kết khác nhau, mà tương đồng đến khó chấp nhận được.
Theo số liệu của trang Box Office Vietnam, doanh thu thống kê sau vài ngày công chiếu sớm, hai phim làm về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chạm mốc doanh thu gần 19 tỷ đồng. Tính từ 19h ngày 10/6 đến trưa 14/6, Em Và Trịnh thu được 17,3 tỷ đồng còn phim Trịnh Công Sơn chưa đến 1,5 tỷ đồng. Sự chênh lệch khá lớn về lợi nhuận thu vào của hai phim càng khẳng định Trịnh Công Sơn là "đòn bẩy" chiến lược cho Em Và Trịnh.
Trịnh Công Sơn và Em Và Trịnh là dự án điện ảnh lấy cảm hứng từ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với sự tham gia của các nghệ sĩ Trần Lực, Avin Lu, Bùi Lan Hương,... Bộ phim khai thác những "bóng hồng" lướt ngang qua đời Trịnh và hành trình cảm tác các sản phẩm âm nhạc vang danh của Trịnh Công Sơn.
Nguồn: TH&PL