Việc áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là AI để hỗ trợ các công tác dịch bệnh được xem là biện pháp tiện lợi nhưng cũng vấp phải vô số những ý kiến trái chiều.
Tranh luận đang nảy sinh về dự án thí điểm nhằm kết hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt dựa trên AI với hàng nghìn camera giám sát được lắp đặt để sử dụng trong việc theo dõi liên lạc của bệnh nhân Covid-19. Trong khi chính quyền nhiều nơi kỳ vọng rằng hệ thống mới sẽ giúp thực hiện các cuộc điều tra dịch tễ nhanh và chính xác hơn, thì các nhóm dân cư đã bày tỏ lo ngại về việc vi phạm quyền riêng tư và xâm phạm thông tin cá nhân của những người bị nhiễm bệnh.
Tại Hàn Quốc, Chính quyền thành phố Bucheon ở tỉnh Gyeonggi sẽ khởi động dự án vào tháng tới với sự tài trợ của Bộ Khoa học CNTT-TT, địa phương nhận được 1,6 tỷ won từ Bộ và phân bổ ngân sách 500 triệu won. Là một trong những thành phố đông dân nhất trong khu vực đô thị với hơn 800.000 cư dân, Bucheon có mật độ camera giám sát cao nhất cả nước, theo các quan chức thành phố, với gần 10.000 thiết bị được lắp đặt và có 123 camera trên mỗi km vuông.
"Dự án thử nghiệm, nếu được triển khai thành công, sẽ giảm đáng kể thời gian và nguồn lực cần thiết cho việc truy tìm liên lạc của bệnh nhân Covid-19", một quan chức thành phố trong Bộ phận Thành phố Thông minh nói. Công nghệ được hỗ trợ bởi AI sẽ giúp các nhà điều tra dịch tễ học, những người hiện đang dành hàng giờ để phân tích thông tin thẻ tín dụng, hồ sơ điện thoại và nhật ký khách truy cập tại các cơ sở đa dụng.
Quan chức này nói thêm, "Các điều tra viên không chỉ phải gánh nặng bởi khối lượng công việc nặng nề, mà còn có nhiều vấn đề, khi một số bệnh nhân đưa ra lời khai sai về di chuyển và nơi ở của họ". Hiện tại, mất từ 30 phút đến một giờ để thu thập dữ liệu theo dõi liên lạc cho một bệnh nhân, nhưng với công nghệ mới, các nhà điều tra có thể phân tích dữ liệu của 10 bệnh nhân chỉ trong 5 - 10 phút.
Nhưng hệ thống nhận dạng khuôn mặt, sử dụng dữ liệu sinh trắc học nhạy cảm, đã làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư, cũng như khả năng chính quyền địa phương xử lý sai thông tin cá nhân. Trước đó vào tháng 10, Bộ Tư pháp đã bị chỉ trích vì chuyển giao khoảng 170 triệu hình ảnh khuôn mặt của công dân Hàn Quốc và nước ngoài được thu thập tại sân bay cho các công ty tư nhân, mà không có sự đồng ý của những người được ghi lại, như một phần trong dự án xây dựng nhận dạng AI.
Về những lo ngại như vậy, quan chức thành phố cho biết, "Công nghệ nhận dạng khuôn mặt sẽ chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của bệnh nhân và quyền truy cập vào dữ liệu sẽ bị giới hạn nghiêm ngặt đối với các nhà điều tra dịch tễ học", nhưng các nhóm công dân lại nhìn nhận tình hình và vấn đề một cách khác, có thể chưa hiểu rõ hoặc sai lệch.
Cha Yeo cho biết, giám đốc điều hành của Viện Quyền Kỹ thuật số: "Xét về độ nhạy cảm của dữ liệu sinh trắc học, dữ liệu này nên được giữ lại và sử dụng một cách rất hạn chế. Nhưng vẫn còn nghi ngờ rằng liệu Bộ CNTT-TT và chính quyền thành phố có xem xét dự án kỹ lưỡng dựa trên Đạo luật Bảo vệ và Thông tin Cá nhân hay không".
Bà nói: "Ngoài ra, không có gì đảm bảo rằng các quan chức thành phố sẽ không sử dụng dữ liệu ngoài các mục đích liên quan đến Covid-19". Theo kế hoạch của thành phố Bucheon, mục tiêu dài hạn của dự án là tạo ra cơ sở dữ liệu để xây dựng một hệ thống dựa trên AI tiên tiến nhằm ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm trong tương lai. Cha Yeo bổ sung thêm ý kiến: "Kế hoạch này rất đáng lo ngại, vì nó để lại chỗ cho các nhà chức trách giao dữ liệu cho khu vực tư nhân".
Nguồn: TH&PL