Bùi Hữu Nghĩa là gương mặt trẻ tuổi nhất trong 13 Đại sứ Nhà bán hàng tại Lazada Việt Nam.
Đối với sinh viên đại học, gap year có lẽ không còn là một cụm từ xa lạ, thế nhưng quyết định "gap" hay không lại là một vấn đề khiến các bạn trẻ không khỏi đắn đo. Gap year có thể hiểu nôm na là một kỳ nghỉ dài hạn, giúp các bạn trẻ có thời gian để suy nghĩ, giải quyết những vấn đề cá nhân khi gặp phải khó khăn cũng như áp lực trong học tập, cuộc sống. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ thời nay còn chọn gap year để thực hiện những ước mơ, kế hoạch mà mình ấp ủ từ lâu.
Một kì "gap year" thường sẽ kéo dài tầm 6 đến 8 tháng, phụ thuộc vào chương trình học của nhà trường. Mặc dù có ý nghĩa là "nghỉ ngơi", thế nhưng đứng trước quyết định này, nhiều bạn trẻ vẫn còn rất nhiều câu hỏi, băn khoăn không thể giải đáp. Liệu "gap year" có là sự lựa chọn đúng đắn, "gap year" lợi nhiều hay hại nhiều?
Bùi Hữu Nghĩa, cậu sinh viên đến từ trường Đại học Công Nghiệp TP. HCM cũng mang theo những trăn trở đó, quyết định "gap year" và thu hoạch được những bài học đáng quý trong cuộc đời mình.
Mình từ từ từng bước tìm tòi, sai ở đâu thì sửa ở đó
"Thời gian đầu vì chưa đủ kinh nghiệm và hầu như cái gì cũng mới mẻ nên một ngày mình chỉ dám ngủ 3-4 tiếng, cố gắng tìm hiểu nhiều nhất có thể. Khoảng thời gian đầu xuất phát với vài sản phẩm, mình vẫn còn duy trì song song với việc học, mình làm bán thời gian thôi nên bố mẹ cũng chưa để ý đến. Sau này, khi doanh thu lớn hơn, công việc mở rộng hơn, mình muốn tự chủ, độc lập hơn trong việc quản lý tài chính, vì vậy mình xin gap year" - Nghĩa chia sẻ về khoảng thời gian ban đầu khi quyết định gap year.
Gap year, có người gọi đó là trào lưu đáng trải nghiệm, cũng có người xem đó là quyết định mạo hiểm của rất nhiều sinh viên đang mất phương hướng. Nhưng khi nói về quyết định mạo hiểm đó của mình, Hữu Nghĩa cho rằng đó vẫn là một trải nghiệm đáng nhớ, tuy bước đầu khó khăn nhưng lại mang lại rất nhiều kinh nghiệm thực tế.
"Quyết định xin bảo lưu kết quả học tập, gap year khiến bố mẹ mình phản đối, họ không quá kịch liệt chỉ là chưa đồng ý với hướng đi của mình, không có bố mẹ nào muốn con cái gián đoạn việc học như thế cả. Nhưng mình nghiêm túc chia sẻ mong muốn của mình, hồi cấp 3 mình cũng từng làm nhiều công việc part time nên hiểu đồng tiền giá trị đến mức nào, và công việc này cũng là một hướng mới mà mình muốn thử.
Gap year 1 năm không quá dài, cũng không quá ngắn để có thể cho mình thực hiện hoài bão của mình. Mình từ từ từng bước tìm tòi, sai ở đâu thì sửa ở đó. Mình biết mình đang ở đâu nên bản thân cần cố gắng hơn".
Độc lập tài chính là tốt, nhưng việc học cũng quan trọng không kém
Sau quyết định "gap year", Bùi Hữu Nghĩa bắt tay vào xây dựng thương hiệu thời trang của riêng mình trên nền tảng thương mại điện tử Lazada. Lúc vừa bắt đầu, Nghĩa gặp vô vàn khó khăn, khó khăn về kinh phí, tìm kiếm sản phẩm, nhà sản xuất, kế hoạch kinh doanh,… Tuy nhiên, với vô vàn câu hỏi tại sao, Nghĩa đã dần tìm kiếm được từng đáp án cho bản thân, giúp cậu trở thành Đại sứ nhà bán hàng Lazada trẻ tuổi nhất hiện nay với thu nhập khủng lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
"Mình đọc rất nhiều sách rồi nghe thêm những diễn giả chia sẻ kiến thức để học hỏi thêm, không chỉ giúp ích cho việc học của mình ở trường mà cũng ứng dụng được nhiều vào công việc kinh doanh hiện tại nữa" - Nghĩa cho biết.
Ngoài ra, Nghĩa còn chia sẻ, việc độc lập tài chính là tốt nhưng việc học cũng quan trọng không kém. Nghĩa có quan điểm chúng luôn song song nhau, bạn nào kiếm tiền giỏi thì chắc chắn sẽ học giỏi, không chỉ là học ở trên trường mà còn trong cuộc sống, trong công việc. Đây cũng là mục tiêu mà Nghĩa cũng như nhiều bạn trẻ khác hướng tới, phải học và ưu tiên trau dồi kiến thức nền tảng rồi bắt tay vào việc kiếm tiền hoặc vừa học vừa làm nếu như mình đủ năng lực.
Cuối năm 2019, khi tổng kết doanh thu, Nghĩa rất bất ngờ khi biết mình lọt top 200 nhà bán hàng có doanh thu xấp xỉ 250 triệu đồng mỗi tháng và là Đại sứ nhà bán hàng của Lazada - sàn thương mại điện tử trẻ tuổi nhất Việt Nam:
"Mình ngưỡng một Jack Ma và ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Jack Ma có một câu khiến mình tâm đắc: 'Đừng trở thành người giỏi nhất, hãy trở thành người đi đầu'. Thời gian đầu mình còn lưỡng lự xem có nên gap year và bắt tay vào kinh doanh hay không, mình áp lực và có chút sợ về kết quả sắp tới, nếu không thành công thì mọi người hẳn sẽ có những xét nét tiêu cực và sẽ không còn dành nhiều sự tin tưởng ở mình.
'Cứ đi đi, phải đi mới biết mình đang ở đâu' là câu nói của Sơn Tùng mà mình vẫn còn nhớ tới bây giờ, đây cũng là động lực mấu chốt lúc bản thân mình đang còn lưỡng lự có nên gap year hay không. Mình tự nhủ với bản thân rằng bây giờ là thời đại mà cá nhanh nuốt cá chậm chứ không còn cá lớn nuốt cá bé nữa và làm mọi điều ngay khi mình có thể".
Hiện tại, Nghĩa đã có thể tự chủ và độc lập tài chính, không còn phụ thuộc vào gia đình. Số tiền kiếm được dành vào việc phục vụ cho học tập, công việc kinh doanh, cũng đã có những khoản nhỏ dành cho bố mẹ và số còn lại dùng vào đầu tư những lĩnh vực nhỏ khác. "Đó cũng là một trong những mục tiêu ban đầu mà mình đặt ra và những công sức bỏ ra mình nghĩ là xứng đáng với kết quả hiện tại" - Nghĩa chia sẻ.
Biết mình thích gì rồi thì nên học những gì mình thích
Trải qua một năm với nhiều kinh nghiệm được đúc rút, Nghĩa bắt đầu sắp xếp công việc ổn thỏa hơn, đồng hành cùng một team khoảng 6 - 7 người hỗ trợ nhau đảm nhận những khâu trong quá trình kinh doanh. Sau khi kết thúc 1 năm gap year, "ông chủ nhỏ" quay trở lại trường và theo học một ngành mới, từ ngành Ngôn ngữ Anh sang ngành Quản trị kinh doanh.
Qua việc tiếp xúc với việc kinh doanh, Nghĩa tìm thấy những niềm yêu thích mới với ngành học này: "Mình từng đọc một cuốn sách mà đại ý trong đó là đã mê nghệ thuật mà thích kinh doanh thì kinh doanh thời trang là sự lựa chọn tuyệt vời. Bản thân mình thấy câu đó đúng với bản thân hiện tại, nên đã quyết tâm theo đuổi công việc này. Mình vẫn mong muốn tiếp tục con đường này, vì thế mình quyết định đổi ngành để không lãng phí thời gian. Mình biết mình thích gì rồi thì nên học những gì mình thích".
Gap year đối với Nghĩa mà nói hiện tại là một con đường đúng đắn. Sau khoảng thời gian tập trung cho công việc mà mình yêu thích, Nghĩa tìm ra cho mình một ngành học mới, đúng với mong muốn, sở thích và khả năng, công việc hiện tại và ngành học có mối liên kết hiệu quả.
Mỗi người có một quỹ thời gian giống nhau, nhưng để duy trì tốt việc học sau khi quay lại trường, và quản lý tốt việc kinh doanh thì phải chủ động hơn trong việc mở rộng thời gian: "Mình luôn cố gắng tạo cho mình một quỹ thời gian nhiều nhất có thể, mình thường bắt đầu một ngày vào lúc 5-5h30, cũng chỉ giải trí những lúc quá căng thẳng để dành nhiều thời gian hơn cho việc học, công việc kinh doanh mình có một team hỗ trợ phần nào nên đây là khoảng thời gian mình bắt đầu đầu tư lại cho việc học".
Những đánh đổi được mất và thành công khi gap year của cậu sinh viên năm 3
Nếu xác định gap year và chọn phát triển theo một con đường mới thì việc chuẩn bị một tâm lý vững vàng ngay từ đầu thực sự quan trọng, vì trong một năm ấy có rất nhiều sự thay đổi. "Với mình, thay vì học xuyên suốt 4 năm như các bạn mình chọn gap year, việc bảo lưu một năm hiển nhiên sẽ khiến mình chậm tiến độ học tập so với bạn bè, bắt đầu một kỳ học mới với các em khoá dưới cũng là lý do khiến mình không có quá nhiều bạn, thực sự thì đôi khi có hơi buồn và cô đơn" -Nghĩa chia sẻ.
Nếu đã dành ra hẳn một năm để phát triển bản thân thì hãy nghiêm túc và quyết liệt với quyết định ban đầu của mình, hãy chi tiêu thời gian và sức lực sao cho hiệu quả nhất xứng đáng với những gì mà đã đánh đổi.
Nếu bạn kiên định với mục tiêu của mình, đúng hướng và nỗ lực thì quả ngọt vẫn sẽ ở đó. "Sau một năm gap year mình hoàn toàn thay đổi theo hướng tích cực hơn trong nhiều khía cạnh như kinh nghiệm trong việc quản lý kinh doanh, giao tiếp, các mối quan hệ. Mình cũng tìm được ngành học đúng với khả năng và yêu thích của bản thân. Mình độc lập hơn, tự chủ hơn trong vấn đề tài chính và bắt đầu giúp đỡ được cho bố mẹ" – Nghĩa chia sẻ.
Thời gian dịch bệnh phức tạp, Nghĩa cũng nằm trong số những người chịu ảnh hưởng khi doanh số thời gian gần đây giảm tới 50-60%. Những lúc tình hình dịch bệnh căng thẳng một số công việc và dự định phải tạm hoãn, nhưng điều đó không khiến cho Nghĩa nản lòng: "Mình có thể tranh thủ thời gian học hỏi nhiều hơn cho việc kinh doanh và quan tâm hơn đến việc học ở trường".
Gap year bây giờ không còn là một khái niệm lạ lẫm với giờ trẻ đặc biệt là với thế hệ sinh viên Việt Nam. Gap year là một lựa chọn đúng đắn trong khi bạn đang quá rối ren trong "mớ bòng bong" những giá trị mà mình theo đuổi. Hãy mạnh dạn thử sức ở một lĩnh vực mới, một mục tiêu mới mà bản thân ấp ủ. Trong quá trình khám phá bản ngã có lẽ bạn sẽ tìm được chính bản thân mình.
Vượt qua ranh giới tuổi tác của Gen Z, Gen Y..., Gen Vie - Thế hệ những người trẻ Việt Nam không thiếu câu chuyện truyền cảm hứng và nhiều hành trình thú vị để kể bạn nghe. Tuyến bài Humans of GenVie sẽ giới thiệu đến bạn những gương mặt Việt, và cả trải nghiệm của những người Việt đầy đam mê, năng lượng tích cực trong mọi lĩnh vực.
Nguồn: TH&PL