Tình nguyện viên trực tổng đài trở thành F0: "Nhận một cuộc gọi là cứu sống một mạng người"

Đã chuẩn bị tâm sẽ trở thành F0 khi đi làm tình nguyện nhưng Nhiên lại không nghĩ sẽ nhanh đến vậy!

"Alo, trung tâm y tế phường xin nghe ạ!". Đó là câu nói được lặp đi lặp lại mỗi ngày như một thói quen của Quỳnh Nhiên - một tình nguyện viên trực tổng đài trung tâm y tế tại Sài Gòn. Khi tình hình dịch bệnh càng phức tạp thì nhu cầu gọi về các trung tâm y tế, trung tâm cấp cứu ngày càng nhiều. Chính vì thế, lực lượng tình nguyện viên trực tổng đài mùa dịch nơi tuyến đầu cũng gặp nhiều khó khăn bởi câu chuyện "quá tải". 

Nơi đầu não của những trung tâm cấp cứu lúc này, mỗi ngày đón nhận biết bao cuộc gọi khắp mọi nơi để nhờ cứu trợ. Khi gọi đến, người ta gấp gáp, hối hả, khóc lóc lẫn than phiền từ đầu dây bên kia,... và công việc luôn đòi hỏi các tình nguyên viên những kỹ năng xử lý tình huống tốt nhất. Chính họ phải là người bình tĩnh nhất để giúp trấn an người gọi đến, bởi vì: Nhận một cuộc gọi là cứu sống một mạng người. 

tinh nguyen vien truc tong dai tro thanh f0 nhan mot cuoc goi la cuu song mot mang nguoi - anh 0

"Cảm thấy may mắn vì là người được chọn"

Nguyễn Quốc Quỳnh Nhiên, cô bạn sinh năm 1993, hiện đang làm công việc kinh doanh tại TP.HCM. Thời gian này vì chỉ thị 16 của thành phố nên Nhiên cũng tạm ngừng kinh doanh và tuân thủ quy định chống dịch. 

Nhiên cho biết, cô bạn đã tham gia rất nhiều chương trình thiện nguyện và cũng đồng tổ chức nhiều chương trình tư quy mô nhỏ đến lớn. Mỗi nơi đều mang đến cho cô nhiều trải nghiệm riêng nhưng lần này là một trải nghiệm ý nghĩa nhất! 

"Mình không muốn trở nên vô dụng thay vì ở nhà xem tivi rồi ăn ngủ, mình đã đăng ký tham gia chống dịch và may mắn được chọn. Công việc bình thường của mình cũng thường xuyên tiếp xúc khách hàng nên chuyện giao tiếp với mình không quá khó khăn. 

Công việc trực tổng đài đã mang đến cho mình nhiều ý nghĩa. Đôi khi nhận một cuộc gọi nhưng lại cứu sống nhiều mạng người" - Nhiên tâm sự. 

tinh nguyen vien truc tong dai tro thanh f0 nhan mot cuoc goi la cuu song mot mang nguoi - anh 0

Chia sẻ về công việc của một tình nguyện viên trực tổng đài, Nhiên cho biết cô thường chuyên trực điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về Covid-19. Chẳng hạn như ghi nhận những ca F0 có dấu hiệu hoặc có kết quả của bệnh viện báo về, các trường hợp cấp cứu khẩn cấp cần y tế hỗ trợ, tư vấn sức khỏe sau khi tiêm vaccine cho người dân; giải đáp thắc mắc về lịch tiêm ngừa ở địa phương,... 

Sau khi tiếp nhận ca F0, cuối ngày Nhiên và đồng đội sẽ tổng hợp lại danh sách gửi lại cho bộ phận y tế để lên kế hoạch đưa F0 đi cách ly. "Đối với các trường hợp cấp cứu thì mình báo liền cho các bác sĩ kịp thời hỗ trợ. Vì bác sĩ phải đi khám bệnh từng nhà không thể vừa nghe điện thoại, vừa khám nên tụi mình sẽ là lực lượng hỗ trợ bác sĩ nhận điện thoại và sàng lọc thông tin". 

tinh nguyen vien truc tong dai tro thanh f0 nhan mot cuoc goi la cuu song mot mang nguoi - anh 0
Các y bác sĩ tại trạm y tế phường 15 

Có những cuộc gọi làm mình lặng đi… 

Lặng đi vì có lúc bị la mắng, than phiền khi chẳng kịp hỗ trợ người dân. Lặng đi vì có hôm nhận được cuộc gọi báo ca dương tính ngay sát bên nhà. Và thật sự lặng đi vì có lúc nhận tin báo tử vong khi đang trên đường mang oxy đến cho bệnh nhân… Đó là tất cả những "cái lặng" mà chúng tôi được nghe Nhiên kể lại về những cuộc gọi bất ngờ mỗi ngày. 

"Hiện tại có 2 vấn đề mà người dân hay gọi hỏi nhất đó là tiêm vaccine và báo ca dương tính. Những ngày đầu đi làm khi nghe điện thoại báo ca F0 tăng mỗi ngày, có khi đó là địa chỉ sát bên nhà làm mình cảm thấy buồn và lo lắng nhiều. 

Có những khu nhà trọ diện tích chật hẹp, một ca nhiễm là lây cho cả dãy trọ có khi lên đến hơn chục ca. Có một số ca dương tính nhỏ tuổi đến chưa đầy một tháng, cả mẹ và bé đều dương làm mình thấy rất xót!" - Nhiên chia sẻ.

tinh nguyen vien truc tong dai tro thanh f0 nhan mot cuoc goi la cuu song mot mang nguoi - anh 0
Những bệnh nhân nhỏ tuổi đang chuẩn bị vào khu cách ly điều trị

Khi gọi lên tổng đài là lúc người ta cần nhận được sự hỗ trợ. Có những cuộc gọi vừa nhấc máy chỉ toàn nghe tiếng than khóc, thậm chí la mắng trong lúc họ hoảng loạn. Nhưng khi đối diện với những trường hợp đó, Nhiên cho biết cô chỉ biết cách trấn an tinh thần của mọi người. 

"Cuộc gọi đáng nhớ nhất có lẽ là cuộc gọi báo tử vong khi trên đường mang oxy đến cho bệnh nhân. Vì số lượng oxy có sẵn chỉ đủ cung cấp cho một vài bệnh nhân mà mình không thể lấy của người này đắp qua cho người khác. Mình thấy bác sĩ chạy vạy xin oxy khắp nơi, gọi hết các chỗ mà thấy thương. Khi được việc thì người ta tung hô khi không được thì người ta mắng mỏ chì chiết. Dù bác sĩ đã làm hết sức rồi!" - Nhiên chia sẻ. 

Đã chuẩn bị tâm lý trở thành F0 khi quyết định đi tình nguyện

Đi tình nguyện trong mùa dịch, đồng nghĩa với việc bản thân có thể trở thành F0 bất kỳ lúc nào. Đó chính là nỗi lo của không ít gia đình, phụ huynh có con đang tham gia chống dịch tại Sài Gòn. Dù đã gửi gắm lại cho người thân những lời trấn an rằng mình sẽ không sao và an toàn, nhưng đã chấp nhận lao vào tâm dịch đồng nghĩa với việc họ đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống không may. Và Quỳnh Nhiên cũng không ngoại lệ! 

tinh nguyen vien truc tong dai tro thanh f0 nhan mot cuoc goi la cuu song mot mang nguoi - anh 0
Nhiên đã trở thành F0 sau khi tiếp xúc với ca dương tính trong quá trình làm tình nguyện

"Trước khi đi tình nguyện mình cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn có thể sẽ bị dương tính rồi. Nhưng mình tin y tế Việt Nam sẽ giúp mình khỏi bệnh. Mình cũng không nghĩ chỉ vì sợ covid mà nhùn chí không tham gia chống dịch cùng mọi người. Mình tham gia tình nguyện chống dịch cũng được 1 tháng đến hôm nay phát hiện mình dương tính, cảm giác đầu tiên là mình nghĩ sao nó đến nhanh quá vì mình còn chưa hoàn thành xong nhiệm vụ của mình".

Chia sẻ thêm về công việc tại tuyến đầu chống dịch, Nhiên cho biết nhiều anh chị bộ phận y tế sau khi tiếp xúc F0 và dương tính nhưng vẫn phải đi làm rồi tự cách ly tại chỗ. "Từ tuyến đầu các anh chị chuyển qua khâu nhập liệu online đến khi tự chữa khỏi bệnh thì lại xông pha ra chiến đấu tiếp.

Tất cả mọi người đều hơn 2 tháng chưa về nhà. Các cuộc gọi qua video call cho gia đình dù khoảng cách rất gần. Mình thấy mọi người rất dũng cảm, từ đó mình cũng có động lực để vượt qua hơn". 

tinh nguyen vien truc tong dai tro thanh f0 nhan mot cuoc goi la cuu song mot mang nguoi - anh 0

Với tinh thần vui vẻ và lạc quan chống chọi với Covid-19, Nhiên cũng mong mọi người bình an vượt qua đợt dịch lần này. "Nếu có không may mắn là người bị hay có người thân bị nhiễm covid thì xin đừng xa lánh kì thị họ. Cũng đừng buồn hay hoang mang. Hãy xem nó như một bệnh cảm cúm thông thường. Luôn giữ tinh thần lạc quan vui vẻ rồi mọi thứ sẽ qua nhanh thôi" - Nhiên chia sẻ. 

''Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại'' là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!

Nhật ký tình nguyện tại Sài Gòn: "Mình đã trở thành F0 sau khi tham gia chống dịch"

Nhật ký "triệu view" của cô gái F0 tại bệnh viện dã chiến Thuận Kiều

Kỹ thuật viên X-quang mùa Covid-19: "Ám ảnh đồ bảo hộ và nỗi sợ khi nhìn phổi bệnh nhân"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ