Ngoài là vận động viên chuyên nghiệp, công việc thường ngày của họ khiến khán giả không khỏi bất ngờ.
Diễn viên
Trong số các vận động viên quốc tế đến Việt Nam tranh tài tại SEA Games 31 lần này, kình ngư Est Supha của Thái Lan là cái tên gây chú ý nhất. Bởi anh được đông đảo khán giả Việt Nam biết đến nhờ vai Gonhin trong phim truyền hình Love By Chance 2: A Chance to Love (Tình cờ yêu 2), phát sóng năm 2020.
Nội dung liên quan
Đặc biệt, đông đảo fan Việt Nam còn tổ chức sự kiện nhỏ mừng sinh nhật lần thứ 21 của Est Supha. Anh tỏ ra khá bất ngờ trước tấm lòng của người hâm mộ Việt Nam. Thông qua các clip do fan chia sẻ, Est Supha còn nói tiếng Việt, hô lớn: "Em yêu chị". Sau đó, anh vui vẻ chụp ảnh cùng người hâm mộ.
Luật sư
Tan Zong Yang đã giành huy chương đồng cự ly 400m nam môn Điền kinh cho Singapore lần đầu tiên sau 47 năm. Anh về thứ ba trên sân vận động Mỹ Đình ở ngày thi đấu 15/5 với thành tích 47,46 giây, xếp sau Joshua Atkinson của Thái Lan (46,44) và Lê Ngọc Phúc (47,27) của Việt Nam để nhận tấm huy chương lịch sử. Điều đặc biệt khi vận động viên 27 tuổi này đang là một luật sư.
Nội dung liên quan
Tháng 12/2019, khi các đồng đội của tuyển điền kinh Singapore bay sang Philippines tham dự SEA Games 30, Yang phải đến trường để làm bài thi cuối trong tám bài thi lấy bằng cử nhân luật nên đã bỏ lỡ.
Yang đang làm cho công ty luật Niru & Co LLC (một công ty luật lâu đời tại Singapore). Để chuẩn bị cho SEA Games 31, anh đã phải nghỉ việc không lương 5 tháng nay, chỉ tập trung cho việc tập luyện trên đường đua. Tuy nhiên, Yang vẫn nhận được sự giúp đỡ của công ty và các đồng nghiệp để chuyên tâm tham gia vào việc tập luyện.
Nhân viên văn phòng
Trịnh Vũ Anh Huy - vận động viên 3 môn phối hợp của đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 31 đang nhận được nhiều sự chú ý của mọi người khi vừa tham gia thi đấu, vừa là Trưởng phòng cấp cao của một công ty thuộc Big4 Việt Nam.
Trịnh Vũ Anh Huy, 34 tuổi, có năng khiếu bơi lội và từng giành nhiều thứ hạng cao tại các giải trẻ toàn quốc và được đi tập huấn ở nước ngoài. Thế nhưng năm 2006, Huy lại từ bỏ con đường thi đấu và tập trung vào việc học. Anh sang Úc học ngành tài chính. Sau khi tốt nghiệp, Huy làm công việc văn phòng và hiện giữ chức Trưởng phòng cấp cao dịch vụ tư vấn.
Bình thường, anh sẽ tập luyện từ 10 - 12 tiếng/tuần, đa số là tự tập, còn cuối tuần sẽ có những buổi đạp xe đường dài với hội nhóm. Hôm nào công việc bận rộn, anh sẽ dành 30 phút giữa giờ nghỉ để đi bơi hoặc chạy bộ. Tập xong, anh lại trở về văn phòng để tiếp tục làm việc. Mỗi lần tập như vậy, anh dồn hết tâm sức để đạt được hiệu quả cao nhất.
Nội dung liên quan
Đến năm 2020, không may Huy bị kẹt lại ở Đài Loan cùng gia đình vì dịch bệnh Covid-19. Nhưng nào ngờ đó lại là bước ngoặt để anh trở thành vận động viên đại diện cho Việt Nam thi đấu ở SEA Games 31. Những ngày qua, Anh Huy cùng các đồng đội vẫn luôn miệt mài, nỗ lực tập luyện và thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của dân tộc.
Bán vé số
Mutita Senkram sinh ra trong gia đình nghèo, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Senkram là trụ cột của đội tuyển futsal nữ quốc gia Thái Lan, từng vô địch SEA Games 2017 và Đại hội thể thao võ thuật trong nhà châu Á 2017. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 ập đến, Mutita Senkram phải đi bán vé số để mưu sinh.
Mutita Senkram mỗi ngày lang thang trên đường phố ở Thái Lan để bán vé số. Cô phải đi bộ 16 km một ngày, nếu may mắn, mỗi ngày Muntita có thể kiếm được 4.000 baht. Tuy nhiên, những ngày may mắn không nhiều, rất nhiều ngày, Mutita không đạt được doanh số.
Mutita Senkram chia sẻ: "Khi tôi đi bán vé số, người ta hỏi rằng tôi có xấu hổ không vì tôi là một VĐV của đội tuyển quốc gia nhưng tôi chẳng thấy có gì xấu hổ cả. Tôi làm việc để kiếm tiền. Mẹ tôi cũng làm chính công việc này để nuôi tôi khôn lớn".
Thậm chí, khi đã có mặt ở Việt Nam để tranh tài, trong túi của Mutita Senkram vẫn còn một xấp vé số 100 tờ chưa kịp bán hết. Trong chiến thắng tưng bừng của đội tuyển futsal Thái Lan trước đội tuyển futsal Malaysia ở trận mở màn môn futsal SEA Games 31, Mutita Senkram chính là người mở tỷ số.
Nguồn: TH&PL