Sài Gòn mang đến cho rất nhiều người làm nghệ thuật chất liệu điện ảnh hấp dẫn.
Sài Gòn trong mắt điện ảnh như thế nào?
Em Và Trịnh
Em Và Trịnh tái hiện lại 30 cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ 1960 đến 1990, với khoảng 50 ca khúc của nhạc sĩ được đưa vào phim.
Để tái hiện chân thực cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những nơi từng gắn bó với nhạc sĩ đều được phục dựng công phu để phù hợp với những năm tháng ngày xưa. Ngoài những bối cảnh như gác Trịnh, cầu Phủ Cam, cầu Tràng Tiền,…Sài Gòn cũng là một phần ký ức đẹp đẽ trong cuộc đời ông. Với bối cảnh thập niên 1990 tại Sài Gòn, nhà sản xuất đã đầu tư các đại cảnh hoành tráng ở Nhà hát Thành phố, Nhà văn hóa Thủ Đức.
Gần 1000 diễn viên quần chúng được huy động, nhiều con đường được chặn lại và sửa sang theo phong cách thập niên 80 90. Các đạo cụ, thiết kế và phục trang được chăm chút tỉ mỉ để tạo cảm giác hoài cổ. Sài Gòn trong Em Và Trịnh là câu chuyện đầy chất thơ của chàng nhạc sĩ trẻ.
Mảnh đất phồn hoa đã gắn bó với nhạc sĩ Trịnh từ thời mang danh Hòn Ngọc Viễn Đông, suốt nửa thế kỷ đến ngày tạ thế. Em Và Trịnh đã chính thức đóng máy sau năm tháng thực hiện, và dự kiến sẽ ra rạp vào Giáng Sinh năm nay.
Người ta vẫn thường nói, đưa Sài Gòn lên phim không dễ, vì rất khó để khắc họa được rõ nét và tương xứng với vị thế vốn có của mảnh đất này. Nhưng điều đó vẫn không thể phủ nhận được sức hút của Sài Gòn trong từng thước phim của điện ảnh bấy lâu nay.
Những bộ phim ấy đã góp phần làm dày thêm hình ảnh Sài Gòn trong lòng người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Mong rằng trong tương lai, điện ảnh Việt sẽ lại đón nhận thêm nhiều tác phẩm chất lượng để người xem thấy được rằng: Sài Gòn có rất nhiều điều để điện ảnh không thôi hoài niệm!
Cô ba Sài Gòn
Cô Ba Sài Gòn là một trong những tác phẩm điện ảnh thành công của Ngô Thanh Vân. Bộ phim xoay quanh sự nghiệp giữ gìn truyền thống may áo dài của nhà may Thanh Nữ - một nhà may nổi tiếng nhất nhì Sài Gòn những năm 1969. Đây được xem là thời kỳ vàng son của áo dài, dù đứng trước làn sóng văn hóa phương Tây, áo dài vẫn chiếm ưu thế.
Dựa theo mô típ xuyên không, bộ phim đã đưa người xem trở về thập niên 60. Khi sự du nhập của văn hóa phương Tây ngày càng nhiều, những trang phục cách tân, lối sống hiện đại cũng dần hiện hữu giữa một Sài Gòn phồn hoa.
Đến với bộ phim, chúng ta sẽ bắt gặp Sài Gòn hào nhoáng, nhộn nhịp nếp sống xưa với những con đường đông đúc, những góc phố vượt thời gian cùng những con người sống trong sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống.
"Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai
Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay"…
Cô Ba Sài Gòn đã kể một câu chuyện thời trang sâu sắc trong bối cảnh Sài Gòn xưa và nay. Thời trang của các quý cô Sài Gòn thập niên 60 luôn khiến người ta suýt xoa bởi sự sành điệu và Tây hóa. Điển hình trong phim, nhân vật Như Ý (do Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai) là cô gái có niềm đam mê đặc biệt với thời trang phương Tây tân thời và xem áo dài là một điều gì đó cũ kỹ, lỗi thời.
Đối với Cô Ba Sài Gòn, dường như thời trang là thứ phản ánh rõ ràng nhất hơi thở Sài Gòn cổ điển. Các cô thiếu nữ, đặc biệt là Như Ý, thường diện những bộ váy suông, váy xòe chấm bi, quần ống loe cùng kính mèo và đôi găng tay,…Đó là những món thời trang được các quý cô Sài Gòn thập niên 60 70 ưa chuộng.
Bố Già
Bố Già là bộ phim điện ảnh với kịch bản mang câu chuyện quen thuộc về cuộc sống gia đình Việt giữa một Sài Gòn đông đúc. Bộ phim phác họa đời sống cùng những bất đồng trong mối quan hệ cha con, cách sống đối đãi với họ hàng, làng xóm và sự bất đồng giữa các thế hệ.
Về hình ảnh, diễn xuất và nội dung chúng ta phải công nhận rằng phim vô cùng chỉn chu và đẹp mắt với nhiều thước phim oneshot cực kỳ ấn tượng. Đặc biệt hơn cả, Bố Già đã phác họa nên một Sài Gòn đông đúc tấp nập người ra kẻ vào nhưng lại rất bình dị và chân tình.
Lấy bối cảnh một góc của Sài Gòn, xoay quanh những con người lao động lam lũ. Nhà đã không khá khẩm là bao, Ba Sang còn hay can thiệp mỗi khi có chuyện bất bình nên thường chuốt hại vào thân, đã nghèo nay còn khó khăn hơn.
Bối cảnh chính trong phim Bố Già là con hẻm ở đường Nguyễn Kiệm (quận 4). Nó nằm dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ. Con hẻm bao năm yên bình tĩnh lặng trở nên nhộn nhịp hơn khi có đoàn làm phim Bố Già về quay. Cảnh vật, con người được tái hiện trong Bố Già tạo nên một bức tranh chân thật về một trong vô số những con hẻm của Sài Gòn.
Bố Già mang đến một màu sắc lẫn trang phục mang đến cho mỗi nhân vật không chỉ sự nổi bật và ấn tượng riêng, mà còn thể hiện rõ ràng hơn tính cách của từng người. Chẳng hạn Ba Sang của Trấn Thành với chiếc áo sơ-mi màu xám, bộ râu và mái tóc điểm bạc khiến nhiều người dễ dàng nhận ra hình ảnh của một ông bố tần tảo, chịu khó và rất quen thuộc, rất Sài Gòn.
Những chiếc radio, TV cũ, sạp báo, tiệm cắt tóc vỉa hè hay những bài nhạc của năm tháng rất Sài Gòn. Tất cả được Trấn Thành mang đến một cách chỉn chu và đậm đà một thành phố chật hẹp nhưng thấm đẫm giá trị về văn hóa.
Bố Già phiên bản điện ảnh tập trung hướng đến câu chuyện rất đời với những hình mẫu nhân vật rất quen thuộc, gần gũi mà ai cũng có thể tìm thấy một phần nào đó trong chính gia đình mình.
Góc nhìn về những con hẻm cũng được Bố Già lột tả bằng những cú máy oneshot trong những tình tiết quan trọng của phim. Điển hình là mở đầu bộ phim cú máy trải dài từ đầu xóm đến cuối xóm, đòi hỏi người quay phải cực kỳ cẩn thận và khéo léo, vì đây là những cú máy khó về mặt lột tả nội dung lẫn kỹ thuật, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa người quay, người diễn.
Bố Già cho thấy Sài Gòn là một chất liệu tốt cho điện ảnh Việt và từ đó có thể hoàn toàn làm ra những bộ phim với câu chuyện thuần Việt và được khán giả Việt đón nhận. Phim Bố Già quả thực đã giúp chúng ta nhìn thấy một con hẻm rất Sài Gòn, rất nên thơ, bình yên. Một con hẻm mang bao ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ Sài Thành.
Nguồn: TH&PL