Trên youtube hay trên các mạng xã hội, người ta đua nhau tung clip đập hộp hàng hiệu. Nhưng đâu mới là sự lựa chọn thực sự của giới trẻ, thương hiệu hay chất liệu?
Thời buổi hiện đại, thương hiệu lên ngôi
Trước đây khi mua một món đồ người ta sẽ hỏi: làm từ gì? Chất liệu như thế nào? Nhưng ở thời điểm hiện tại thì những điều mà người khác quan tâm là: hãng nào vậy? Thương hiệu gì? Hot không?,... Một sự thật rằng hầu như người trẻ đang dần lướt trên một con sóng thương hiệu, sự hiện diện của những logo hàng hiệu trên người đã là đủ!
Thực sự không phải chất liệu đang không được chú ý. Nhưng rõ ràng người trẻ đang và dễ dàng bị hấp dẫn hơn bởi những thứ xa xỉ trong tên gọi, ta sẽ dễ dàng điểm mặt qua những thương hiệu mà giới trẻ luôn hướng tới: Chanel, LV, Gucci, Dior,... Hay những thương hiệu gần với sự tiếp cận của giới trẻ hơn: Nike, Adidas, Ck,...
Ở đây chúng ta không phủ nhận các item đến từ các thương hiệu là không có một chất liệu tốt. Để tạo được một tiếng vang lớn cho thương hiệu của mình, các nhà mốt đã phải trải qua một quá trình rất khó khăn từ việc tìm chất liệu cho đến cách làm sao để cho thương hiệu ấy phát triển. Mà ở đây, chúng ta nói đến một sự lựa chọn.
Công cuộc chạy đua thương hiệu đến từ vị trí của những người trẻ
Không chỉ dừng lại ở việc chọn lựa, nó là một cuộc đua và cuộc đua này mang tính cạnh tranh hơn bao giờ hết: “Mày có chưa?”, “Trend này mới nè!”, “Mày mà không có cái này là quê”,...những câu nói như thế hầu như liên tục xuất hiện và thôi thúc cho các bạn trẻ tăng tốc. Việc vác một logo hàng hiệu lên người đôi khi còn quan trọng hơn cả sự phù hợp mà nó mang lại. Một outfit mà mười thương hiệu!
Cuộc đua nào rồi cũng sẽ cạn sức, nhất là khi bạn không có đủ một khả năng tốt để theo kịp mọi người. Lauren Bowling-một blogger về du lịch nổi tiếng tại Mỹ, đồng thời là biên tập của tờ Financial Bestlife đã khảo sát một số nghiên cứu để tìm ra số tiền thích hợp chi tiêu cho quần áo trong một tháng, mà không bị vượt tầm kiểm soát là 5%. Và hầu hết các chuyên gia tài chính cũng đều nói rằng bạn chỉ nên chi khoảng 5% tiền lương hàng tháng cho việc mua sắm. Mà trong cuộc đua này, không phải là 100% thì thôi, chứ làm gì có 5%.
Sở thích là một thứ không ai có thể lên án. Nhưng chúng ta nên biết rằng chúng ta đang ở đâu, cần gì, ưu tiên thứ gì, có nhất thiết phải có không,...Có những bạn trẻ chấp nhận việc mượn tiền, vay tiền chỉ để chi cho những thứ họ gọi là trend, hay xin tiền hoặc đòi bố mẹ mua cho bằng được những thứ mà bạn bè có. Thương hiệu không tạo nên giá trị, mà chính bạn mới tạo nên giá trị.
Thước đo “thượng lưu” mới thời đại 4.0 gọi tên: thương hiệu
Thật bất công khi ta nói nhiều về việc chạy đua thương hiệu. Thật sự rất khó cưỡng lại được sức hút đến từ những item “đắt giá” này. Trong thời đại này, khi bạn khoác lên người những món hàng hiệu đắt giá, việc đó sẽ tạo cho bạn sự sang trọng và đẳng cấp. Điều này cũng nằm trong những mục đích mà các nhà mốt muốn đem một thương hiệu đến người dùng.
Khi bạn dạo trên đường phố cùng với một chiếc túi Hermes, hay một bộ cánh đến từ Chanel, hoặc mang một đôi giày YSL, những thứ đó sẽ khiến cho bạn trở nên nổi bật và được khẳng định giá trị của mình. Và không có gì là sai khi bạn muốn thể hiện bản thân vì nó chính là nhu cầu cao nhất trong tháp nhu cầu của con người. Không hề sai khi nói rằng thương hiệu tạo nên sự thượng lưu. Nhưng đừng để ánh hào quang đó làm mờ mắt, khiến ta phải chạy đua với nó.
Hàng hiệu là để khoe hay để dùng?
Thật sự điều này xảy ra rất nhiều. Việc chúng ta chỉ mua vì người này có, người kia có, mà nó không thực sự phải là thứ chúng ta thích. Điều này thật sự không nên và không cần thiết! Có một trend là đang khá nổi tiếng là đập hộp. Mà người tiên phong chính là Ngọc Trinh. Rất nhiều nghệ sĩ và giới trẻ cũng bắt chước theo để tìm cách sao cho có một màn đập hộp hoành tráng như Ngọc Trinh. Nhưng vì ăn theo một cách nửa vời, nên rất nhiều sao Việt đã bị mang tiếng là đập hàng fake.
Sĩ Thanh - một trường hợp khi phải loay hoay một thời gian. Cô bị cộng đồng mạng soi dùng hàng fake trong tập đập hộp, cụ thể là chiếc túi Dior của cô bị cộng động mạng và những chuyên gia đồ hiệu đặt nghi vấn, cũng như chỉ ra những điểm cụ thể cho thấy chiếc túi có khả năng là hàng fake. Cho dù sau đó Sĩ Thanh có chứng minh bằng cách đến trực tiếp cửa hàng Dior-nơi cô đã mua chiếc túi, để minh chứng rằng chiếc túi là hàng real. Nhưng một lần nữa cô lại bị soi ra những điểm khác biệt từ hai chiếc túi.
Ta thấy rằng, không nhất thiết phải chạy theo những món hàng hiệu xa xỉ, trong khi khả năng của bản thân chưa thực sự đáp ứng. Thích, muốn sở hữu là điều không ai có thể phủ nhận, nhưng ta phải biết bản thân mình cần gì, bao nhiêu là đủ. Đừng để đến mức phải dùng đồ fake mà nói là hàng thật, hay mua được hàng thật nhưng lại nợ nần.
Nguồn: TH&PL