Biên kịch Thương Ngày Nắng Về đã có những chia sẻ với rất đặc biệt về bộ phim.
Thương Ngày Nắng Về hiện là bộ phim truyền hình đặc sắc và nhận được nhiều sự chú ý đến từ khán giả. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là tác phẩm gây tiếng vang lớn nhất đầu năm 2022. Phim được remake từ bản Hàn mang tên Mother Of Mine với rating khủng 26.1%. Mother Of Minesở hữu dàn cast "chuẩn không cần chỉnh" với những cái tên đình đám: Kim Hae Sook, Kim So Yeon, Kim Ha Kyung, Park Geun Soo, Nam Tae Boo và Choi Myung Gil…
Và khi mang về Việt Nam để biến Mother Of Mine trở thành Thương Ngày Nắng Về với một câu chuyện mang đậm hơi thở Việt thì đội ngũ biên kịch cùng ê-kíp sản xuất đã mất rất nhiều thời gian thai nghén và tạo hình tác phẩm. Trò chuyện cùng về quá trình tạo nên kịch bản Thương Ngày Nắng Về "thơm" mùi bún riêu, "đậm vị" Việt Nam, chị Thu Thủy - một trong những thành viên của đội ngũ biên kịch chia sẻ: "Nếu có quyền lựa chọn, chắc chắn tôi không chọn Mother Of Mine để remake…".
Biên kịch Thu Thủy
Nếu có quyền, không chọn Mother Of Mine để remake
Vì sao chị và nhóm biên kịch lại lựa chọn Mother Of Mine để remake trở thành Thương Ngày Nắng Về?
Nếu có quyền lựa chọn, chắc chắn tôi không chọn Mother Of Mine để remake. Bởi lẽ đây là câu chuyện về một người mẹ và ba cô con gái, trong khi trước đó không lâu, tôi vừa làm Về Nhà Đi Con với câu chuyện tương tự về một người cha và ba cô con gái rồi. Nhưng, đây là một nhiệm vụ được giao. Và tôi cho rằng với một người chuyên nghiệp, thì bất cứ đề bài nào đã ra với mình, cũng cần gắng sức làm tốt nhất có thể.
Dù làm nên nhiều kỷ lục, thành công ở cả phần truyền thông – mạng xã hội, nhưng vẫn không thể phủ nhận việc người ta nhắc đến Thương Ngày Nắng Về là một bộ phim remake. Chữ “remake” ấy liệu có đánh mất phần nào hào quang trong tác phẩm?
Tôi đã thực hiện rất nhiều dự án phim khác nhau từ việc tự sáng tác, chuyển thể, hợp tác, remake. Trong tư cách một người làm nội dung, tôi yêu thích việc sáng tác độc lập. Nhưng trên phương diện một người làm nghề chuyên nghiệp, tôi cho rằng mỗi một phương thức sáng tác đều là những "bài khó" mà ta nên nếm trải để đa dạng bản thân, để có cơ hội chinh phục những thách thức nghề nghiệp thú vị.
Remake cũng như bất cứ một phương thức sáng tác nội dung nào khác, để làm được, không quá phức tạp. Nhưng để thành công, để tạo một dấu ấn của riêng mình, chắc chắn là không dễ.
Vậy vì sao tên phim lại là Thương Ngày Nắng Về?
Thương Ngày Nắng Về có rất nhiều cơn mưa, và hầu như mỗi cơn mưa đều gắn với biến cố lớn trong cuộc đời nhân vật. Chính vì thế, thông điệp phim khá đơn giản sau những mưa gió và bão tố cuộc đời, người ta sẽ biết vui, biết thương và trân trọng hơn những ngày nắng về.
Nếu thấy mùi kim chi, củ cải trong phim thì nói gì cũng vô nghĩa
So về drama hiện tại Thương Ngày Nắng Về có vẻ nhẹ đô…
Nhẹ đô hay nặng đô sẽ là tuỳ cảm nhận của từng người. Nhưng với tôi, Thương Ngày Nắng Về luôn có chuyện để xem, và ở từng tuyến nhân vật đều có thứ để suy nghĩ.
Đội ngũ biên kịch Thương Ngày Nắng Về: Thu Thủy, Thùy Dương, Nguyễn Nhiệm, Lương Ly, Đỗ Lê.
Nhưng không thể phủ nhận yếu tố drama sẽ hút khán giả hơn…
Khán giả rất đa dạng, mỗi người sẽ có những tiêu chuẩn về sự hấp dẫn riêng. Người thích kịch tính cao trào, người thích sự sâu lắng giản dị, người thích hài hước vui vẻ.
Còn là người làm phim, trước khi mong muốn thu hút, thuyết phục được khán giả, chúng tôi phải thuyết phục được chính chúng tôi đã. Chúng tôi phải khẳng định được rằng đây là một câu chuyện xứng đáng để làm và đây là bộ phim chắc chắn có thứ để xem.
Công sức và kinh phí thực hiện Thương Ngày Nắng Về như thế nào?
Đây là một dự án dài hơi, quá trình sản xuất trải qua nhiều đợt dịch. Cả ekip đều đầu tư rất nhiều tâm sức để hoàn thành.
Đến hiện tại, liệu Thương Ngày Nắng Về có gặt hái được những ‘quả ngọt’ xứng đáng với mức đầu tư cả về kinh phí và quy trình sản xuất, theo chị?
Phim mới phát sóng được một nửa chặng đường, vẫn quá sớm để nói về sự gặt hái hay kết quả của cả bộ phim. Nhưng chúng tôi đã có được niềm vui của người làm nghề, khi những gì chúng tôi nỗ lực thực hiện, đã nhận được sự hồi đáp và yêu thương từ khán giả.
Bản sắc văn hóa trong Thương Ngày Nắng Về được chị thể hiện như thế nào?
Câu hỏi này có lẽ tôi trả lời không khách quan. Thật thà mà nói, nếu khán giả không cảm nhận được bản sắc văn hoá, chất Việt Nam mà chỉ thấy mùi kim chi củ cải trong câu chuyện này, thì tôi nói gì cũng là vô nghĩa.
Đạo diễn đã khóc và sững lại vì…
Điều đảm bảo “uy tín” cho Thương Ngày Nắng Về còn nằm ở dàn diễn viên gồm nhiều tên tuổi đình đám. Là biên kịch, chị có “tưởng tượng” sẵn những diễn viên lý tưởng sẽ đảm nhận từng nhân vật của mình?
Nhóm nội dung và ekip sản xuất phim luôn có những trao đổi chặt chẽ trong quá trình sản xuất phim. Vậy nên từ khi xây dựng câu chuyện để có những tập kịch bản đầu tiên, ekip sản xuất, đạo diễn và nhóm nội dung đã có những hình dung diễn viên cơ bản rồi.
Phim vừa sản xuất vừa phát sóng, nên khi nhìn diễn viên thăng hoa ở hiện trường, chúng tôi cũng có thêm cảm xúc và những định hình rõ nét hơn. Từ đó, chúng tôi phát triển và mở rộng thêm đường dây của từng tuyến nhân vật.
Trải nghiệm “đắt giá” của chị có được trong Thương Ngày Nắng Về là gì?
Trong quá trình triển khai kịch bản Thương Ngày Nắng Về, tôi có cơ hội làm việc với những biên kịch trẻ. Họ là những người lần đầu viết kịch bản đã lập tức “va” phải dự án quá dài hơi, tôi nhìn thấy niềm vui nguyên sơ của họ, những xúc động của họ, khi họ được làm phim.
Họ đã vừa làm vừa học một cách chăm chỉ, và điều đáng quý, là tôi luôn nhìn thấy những yêu thương của họ, với nhân vật, và với cả câu chuyện này. Chúng tôi, nhóm nội dung cũng như đạo diễn, ekip sản xuất, dàn diễn viên, đều đã dành cho câu chuyện này rất nhiều tình cảm.
Khi chúng tôi kể về câu chuyện gia đình bà Nga, thì đã có lúc, chúng tôi đưa vào đó màu sắc gia đình và những biến cố của chính mình cùng những người xung quanh mình. Điều đặc biệt, khi nhìn hành trình biến cố mà nhân vật trải qua, chính chúng tôi cũng có khi sững lại, nhìn nhận lại chính mình, nhìn nhận về gia đình, mái ấm của mình.
Kỷ niệm nào chị nhớ nhất về hành trình tạo nên “ánh nắng” cho bộ phim?
Tôi vẫn nhớ, một đêm, đạo diễn nhắn cho tôi, anh ấy bảo anh đọc kịch bản mà cảm xúc trào dâng rơi nước mắt và phải cầm điện thoại để nhắn ngay. Đó là khi biến cố của gia đình Khánh ập đến.
Anh em đồng nghiệp chúng tôi làm cùng nhau lâu, bình thường có khi tranh cãi, có khi trêu đùa tếu táo. Nhưng chúng tôi biết, những khoảnh khắc, khi chúng tôi có thể cùng nhau khóc cho nhân vật, mới là những khi chúng tôi gần gũi và sẻ chia với nhau nhiều nhất những nỗi xúc động của người làm nghề.