Nếu một ngày Intern (thực tập sinh) không còn là lớp trẻ, thay vào đó là các cụ ông cụ bà thì sẽ ra sao?
Nếu ngó qua tên của bộ phim người xem sẽ dễ dàng bị nhầm lẫn rằng nội dung The Intern chỉ đơn giản kể về cuộc hành trình làm thực tập sinh của nhân vật chính. Điều đó không sai, tuy nhiên khác với Along The Sea, The Intern không đơn thuần chỉ là quá trình làm thực tập sinh của ông cụ độ tuổi thất tuần, mà bộ phim còn khắc hoạ chân dung người phụ nữ thành công và tiếng nói sâu sắc về nữ quyền.
Nếu bạn vẫn giữ tư tưởng rằng chỉ có những người trẻ còn sung sức, cần thêm kinh nghiệm mới đi làm thực tập sinh, thì The Intern sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại. Trong bộ phim, người ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh của một công ty thời trang là Ben Whittaker - ông lão 70 tuổi dày dặn kinh nghiệm, lối tư duy tích cực và phóng khoáng, từng là phó tổng cho một công ty in ấn danh bạ điện thoại.
Người quản lý của ông là Jules, cô nàng thông minh, có tài quán xuyến nhưng rất tệ trong việc giao tiếp với người lớn tuổi. Khó khăn trong giao tiếp với người có tuổi nhưng lại tuyển dụng thực tập sinh tuổi trên 65? Mâu thuẫn này làm vỡ lẽ nhiều vấn đề đáng suy ngẫm từ The Intern.
Bạn có thực sự hiểu đúng nghĩa chữ "học" ?
Chúng ta phải thừa nhận một sự thật rằng lớp trẻ ngày nay có rất nhiều thứ phải "lo". "Lo" tìm kiếm những caption ướt át hay thả thính để đăng kèm theo ảnh trên facebook, "lo" hóng hớt những drama giật chồng, giật bồ, hay tuesday trong giới nghệ sĩ… bởi vì nhiều thứ để "lo" như vậy, họ thường bị chểnh mảng những điều quan trọng hơn, điển hình là việc học.
Nhiều người thường có suy nghĩ sai lầm rằng khi ta hoàn thành việc học ở trường cấp 3 hay ở trường Đại học là ta đã không cần phải học nữa. Hoặc có những người vì những lý do không đâu mà đứt gánh giữa đường, với những lý do bao biện rằng Bill Gates hay Mark Zuckerberg cũng từng bỏ học và họ thành công đấy thôi.
Một sự bao biện thiếu lý trí. Những suy nghĩ lệch lạc đó đã gieo rắc vào đầu những thế hệ sau nữa một cái cớ, một sự cổ xuý cho việc bỏ học. Có một sự thật đơn giản nhưng ít ai nhận ra rằng khi kết thúc việc học tại bất kỳ trường nào đó là sự tiếp nối một việc học khác - học làm người.
Học làm người cũng chỉ là điều cơ bản trong nhiều thứ học khác như học cách làm thế nào để trở thành người quản lý giỏi, hay học cách lắng nghe những người dưới mình, học cách gạt bỏ cái tôi để làm việc nhóm chẳng hạn… Cuộc đời người chỉ là những chuỗi ngày học cách tốt hơn ngày hôm qua mà thôi.
Ông Ben trong bộ phim đã trải qua 70 năm của đời người, đồng hành cùng ông là lối suy nghĩ cầu tiến. Đến năm 70 tuổi ông không chỉ gạt bỏ cái tôi để làm thực tập sinh, mà còn chịu khó lắng nghe người trẻ hơn chỉ bảo.
Sở dĩ từng tuổi đó nhưng Ben vẫn ứng tuyển vào vị trí Intern không phải là vì ông yếu kém hay ông muốn kiếm tiền. Đơn giản chỉ vì ông đã về hưu, có rất nhiều thời gian rảnh, vì niềm đam mê mãnh liệt của Ben với công việc và vì ông muốn học hỏi điều mới. Dường như những điều này đã ăn sâu vào từng tế bào của Ben. Nghe thì rất dễ nhưng có mấy ai làm được như Ben.
Lớp trẻ ngày nay cũng vậy. Cái tôi quá lớn vô tình khiến họ bị tha hoá. Giỏi thì kiêu ngạo còn dở thì tự ti, tự nhốt mình trong khung sắt vô hình do chính mình tạo ra. Khi đi làm thì chỉ cần nghe sếp la mắng vài câu đã vội nộp đơn nghỉ việc. Hay khi bắt gặp quan điểm trái chiều, không chịu lắng nghe đã vội phản bác. Hình như họ có nhiều cái để "lo" cho nên quên mất đi việc học những điều này chăng?
Kinh nghiệm sẽ không mất nếu chúng ta già đi
Trải qua ngần ấy năm của cuộc đời, tích luỹ được cả khối kinh nghiệm, Ben giải quyết mọi việc nhanh chóng khi thực tập tại công ty. Ben chứng minh rằng chúng ta, ai rồi cũng sẽ già đi nhưng kinh nghiệm thì không. Kinh nghiệm chỉ nhiều hơn theo năm tháng.
Trau dồi và học hỏi thêm từ những người đi trước, những người hiểu biết hơn hay gần nhất là những người trong gia đình luôn là điều cần thiết. Nhưng một số người lại không hiểu như vậy. Việc nghĩ rằng mình đã biết đủ rồi hay sợ không dám trải nghiệm là tự tay cắt đứt sợi dây cơ hội.
"Đá quý không thể được đánh bóng mà không có ma sát cũng như con người không thể tốt lên mà không trải qua rèn luyện". Đúng như Khổng Tử đã nói, bản thân mỗi người chúng ta đừng bao giờ mong sẽ có con đường bằng phẳng vì không gặp phải chông gai thì ý chí sẽ không kiên cường, những lỗ hổng vì thiếu kinh nghiệm sẽ không được lấp đầy.
Ben trong The Intern luôn luôn nói "yes" khi được cô quản lý giao việc dù nó khó với ông, vì ông biết rằng một lần nói không trong công việc là một lần cơ hội gây ấn tượng với sếp vụt bay đi. Và điều đó không những giúp Ben hoàn thành tốt công việc mà Ben còn trở thành người mà Jules hết mực tin tưởng trong công ty.
Bất luận bạn làm gì, hãy làm chúng bằng tất cả trái tim
Tại sao khi xem một bộ phim tình cảm ngang trái, bạn lại khóc? Tại sao khi nhìn thấy những người già bị con cái đánh đập, bạn phẫn nộ? Bởi vì bạn là con người và có trái tim thấu cảm. Thật vậy, con người ta rất dễ bị những thứ trái với luân lý làm cho đau lòng.
Ben vì vô tình nhìn thấy chồng của Jules ngoại tình liền an ủi và động viên cô, ở bên cạnh giúp cô hoàn thành công việc như cố gắng bù đắp phần nào sự đau khổ trong cô, vì biết tài xế của Jules có hơi men trong người nên không nỡ làm ngơ, buộc anh ta không được lái xe. Hay trong công việc cũng vậy. Không vì lớn tuổi mà chậm trễ tiến độ công việc.
Có thể nói, tinh thần và thái độ của Ben khi làm việc rất đáng để những người trẻ suy ngẫm. Không phải trẻ là sẽ làm tốt công việc hơn những người già và không phải người lớn tuổi là sẽ biết được tất cả mọi thứ. Tinh thần học hỏi và lắng nghe bằng cả con tim là thứ sẽ giúp bạn sống sót không chỉ trong môi trường làm việc, mà còn cả trong đời sống và gia đình.
Kết
Ben trong The Intern là minh chứng cho câu nói: "Học, học nữa, học mãi". Tuy lớn tuổi nhưng ông luôn toát ra thần thái trẻ trung và sẵn sàng học bất cứ điều gì. Bộ phim dẫu có nhẹ nhàng và sâu lắng nhưng những thông điệp và cảm xúc mang đến cho khán giả mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Nguồn: TH&PL