Nhờ khả năng sáng tạo, nhiếp ảnh gia Thạch Thanh Bình đã giúp 2 bé cún cưng trở thành model trong các bộ ảnh, được nhiều bạn trẻ săn đón.
Thạch Thanh Bình
Mình là Thạch Thanh Bình, sinh năm 1995, quê ở Sóc Trăng. Hiện tại, Bình theo đuổi công việc nhiếp ảnh gia tại thành phố Đà Lạt - Lâm Đồng. Bình cảm thấy bản thân là người vui vẻ, dễ gần. Nhiều người chưa tiếp xúc nghĩ mình khó tính, nhưng chủ yếu trong công việc thì mình hơi cầu toàn. Còn khi xã giao bình thường, mình rất dễ tính và thoải mái.
Ông chủ khó tính
Nhiếp ảnh gia Thạch Thanh Bình tự nhận mình khá khó tính và cầu toàn trong công việc. Thậm chí, anh còn không có quan niệm "khách hàng là thượng đế" dù đang làm dịch vụ kinh doanh.
Bình tự nhận bản thân khó tính trong công việc, vì sao?
Thường những vấn đề liên quan đến công việc nhiếp ảnh, mình sẽ đặt ra những quy định riêng. Nhiều nơi họ sẽ làm theo kiểu hiếu khách, còn mình sẽ làm việc theo kiểu tôn trọng lẫn nhau.
Người ta tôn trọng mình, mình sẽ tôn trọng lại và Bình sẽ không nhận lịch những trường hợp không đáp ứng đủ các quy định mình đưa ra.
Đưa ra quy tắc khắt khe, có người sẽ bảo bạn chảnh, phản ứng của bạn thế nào?
Trường hợp khách hàng bảo mình khó, không sử dụng dịch vụ được thì mình chấp nhận thôi. Mình sẽ không năn nỉ hay cố thuyết phục.
Cơ bản mình đã nêu ra quan điểm rằng một tháng mình không cần nhiều khách. Chỉ cần những khách hàng thực sự thích về chất hình và đồng ý với cách làm việc của mình thì mình sẽ nhận lời. Điều đó giúp tiết chế các khách hàng chưa kiểm tra dịch vụ hay tìm hiểu kỹ về kiểu hình mình chụp mà đã vội đặt rồi không vừa ý.
Có khi nào bạn chụp ảnh ra mà khách hàng không hài lòng? Bạn giải quyết tình huống đó ra sao?
Cũng có chứ, mình làm hết khả năng, đã thay đổi theo khách hàng rất nhiều, tạo ra cái lạ, cái đẹp nhưng nhiều khi điều đó lại không nằm trong tiêu chí của họ.
Lúc trước thì Bình chỉ chụp theo ý mình, sau dần mình đón nhận ý kiến khách hàng tích cực hơn nên Bình đã sáng tạo hơn để khách hàng có được nhiều sự lựa chọn.
Vậy làm cách nào để bạn dung hòa cái tôi nghệ thuật và thị hiếu khách hàng?
Thay vì hoàn toàn đi theo khách hàng, mình làm họ yêu mến những tác phẩm mình làm ra, cho họ thấy giá trị nghệ thuật thì tự động họ sẽ tìm đến. Khi họ tìm đến thì tất nhiên sẽ là những người yêu thích chất liệu ảnh bên mình.
Lúc đó, mình và khách sẽ có những trao đổi theo nhu cầu hợp lý để cho ra những thành phẩm ăn ý nhất, làm vừa lòng cả hai.
Phải vay tiền để thực hiện đam mê
Thời còn sinh viên, Bình đam mê chụp ảnh và nhờ mẹ vay tiền mua dụng cụ cho. Anh hài hước bảo, thời đó nhiều người không biết nói anh là kẻ đua đòi dù nhà không khá giả.
Trước khi làm nhiếp ảnh, bạn từng làm gì?
Khi học xong lớp 12, Bình lên đại học, học nghề Công nghệ Kỹ thuật điện - Điện tử. Lúc đó đơn giản mình suy nghĩ chọn đại cái nghề dễ kiếm việc làm rồi ráng học kiếm cái bằng vậy thôi.
Nhưng khi học đến năm 2 thì bắt đầu có sự thay đổi, mình cùng bạn bè đi chụp hình vui vui bằng điện thoại rồi về tự edit. Từ đó, Bình mới cảm thấy có niềm đam mê với mảng này. Mình vay tiền mẹ để mua chiếc máy ảnh và bắt đầu tìm tòi, học hỏi.
Hmm, lúc mới đầu Bình cũng gặp khá nhiều khó khăn. Mẹ không có tiền nhưng ráng đi mượn mua cho mình các thiết bị đầu tư cho việc chụp ảnh. Nói ra thì thời điểm đó người ta sẽ thấy Bình là một đứa đua đòi (cười).
Lúc đó mình suy nghĩ số tiền đầu tư này khó khăn mới có được nên mình cố gắng không để ba mẹ thất vọng. Bình cứ tự mày mò rồi bắt đầu đi chụp dạo.
Tiếp xúc với công việc này nhiều, Bình thấy nó hay, nó làm mình muốn đi theo nó nhiều hơn. Mình cố gắng vừa học vừa làm để có thể nâng cấp máy và tìm hiểu sâu hơn về nghề nhiếp ảnh. Lúc đó có lẽ Bình đã muốn theo đuổi nó một cách nghiêm túc.
Nói chung thời đó cũng còn khá nhỏ, đến năm 3 Bình lại tiếp tục vay mẹ tiền để đi học chụp ảnh chuyên nghiệp. Bình đã ra tận Vinh - Nghệ An để theo học người thầy mình cảm thấy có cách đào tạo đúng hướng mình muốn đi.
Bình đã từ bỏ tất cả, dùng số tiền dành dụm và vay mẹ để đi học 1 tháng rưỡi. Sau đó mình trở về tiếp tục vay tiền để mở studio. Lúc đó chắc gia đình cũng mệt mình lắm nhưng thực sự mình chưa có nhiều tiền mà đam mê thì lớn quá.
Mình cứ nói với mẹ là mình vay và hứa sẽ trả lại, ba mẹ mình cũng rất thương con nên cố gắng lo cho mình chỉn chu. Sau đó, Bình bắt đầu làm được công việc yêu thích, đến 6 tháng sau mình đã trả được hết số tiền mượn từ gia đình.
Vậy đối với Bình, kiếm tiền từ nghề nhiếp ảnh có thực sự dễ?
Theo mình, kiếm tiền từ nghề nào cũng gặp khó khăn, đúng là nghề nhiếp ảnh xếp top trong những nghề kiếm tiền từ nghệ thuật, nhưng để kiếm được càng nhiều thì càng chịu nhiều áp lực.
Hằng ngày, công việc của Bình rất dày đặc, vì vừa làm chủ vừa làm nhân viên. Khi có người đặt, mình sẽ tư vấn khách rồi đi chụp. Chụp về thì ví dụ có đồ đạc đi thuê, mình cũng tự giặt.
Sau đó, Bình sẽ chỉnh hình và gửi khách, công việc cứ xoay vòng như vậy, chưa kể những tháng đắt show thì áp lực cũng cao theo. Nói chung công việc này Bình làm từ A tới Z luôn, nhưng có lẽ vì yêu thích nên Bình vẫn có thể chịu được.
Dành nhiều thời gian cho sự nghiệp như vậy, Bình có cảm thấy mình đang phí hoài tuổi trẻ?
Bình cứ suy nghĩ tích cực thôi, tuổi trẻ của Bình dành cho công việc này. Mình phải cố gắng kiếm thật nhiều tiền để hoàn thành các mục tiêu.
Vì mình nghĩ mục tiêu đặt ra quá lớn nên bắt buộc mình phải cố gắng gấp đôi người khác mới thành công, nghĩ vậy thì Bình cảm thấy tuổi trẻ của mình hy sinh rất đáng.
Bình đối diện và vượt qua các áp lực thế nào?
Áp lực quá thì mình sẽ đi chơi, cà phê thư giãn với bạn bè để khuây khỏa. Vì công việc đôi khi không tránh khỏi những áp lực. Mình cứ chấp nhận thôi.
Mình là người chịu trách nhiệm và sẽ tìm cách giải quyết được nó, không thể vì áp lực quá mà mình buông bỏ.
Có khi nào Bình cảm thấy cô đơn, thấy quá tải khi không thể chia sẻ, tâm sự lúc mệt mỏi?
Hiện tại Bình có vài người bạn trong nghề, mình cũng hay chia sẻ giao lưu công việc với họ. Còn về những chuyện lớn, Bình sẽ giữ trong lòng và tự giải quyết.
Những khó khăn, mệt mỏi mình đều có thể tự vượt qua. Dù lúc đầu có hơi đuối nhưng rồi mình cũng tìm ra được hướng giải quyết tốt nhất. Mọi việc vui, buồn xảy ra đều cho Bình một bài học kinh nghiệm đắt giá nên không có chuyện nào làm mình áp lực muốn từ bỏ được.
Bình có bao giờ bị cạn kiệt ý tưởng không và bằng cách nào để bạn có thể tìm lại chúng?
Có chứ, ví dụ một tháng mình nhận 15 show chụp ảnh thì 15 show đó không thể khác nhau hoàn toàn được. Sẽ có những bộ ảnh bị trùng nhưng sẽ có những bộ ảnh mình đột nhiên khai sáng được và tìm cho nó điểm mới thu hút hơn.
Nói chung, công việc này là tùy cảm hứng, đôi khi chúng đến lúc nào mình cũng không thể ngờ. Bởi vậy, mình cứ cố gắng làm việc và phát huy điểm mạnh đến khi không thể sáng tạo thêm được nhiều ý tưởng nữa thì sẽ dừng lại, nhường cho các bạn trẻ tư duy hơn để mang đến cho khán giả nhiều kiệt tác.
Đến đúng thời điểm, mình sẽ dừng lại...
Thạch Thanh Bình cho biết với anh, nghề nhiếp ảnh có độ tuổi nhất định. Anh sẽ ngừng khi ở đỉnh cao sự nghiệp, để mọi người nhớ đến mình về những khoảnh khắc đẹp nhất.
Bình đã có định hướng nào cho nghề nghiệp trong tương lai?
Hmm, Bình tính sẽ làm nghề này đến một thời điểm nhất định rồi sẽ dừng lại, có thể là vài năm nữa thôi. Bình mong muốn tập trung và theo đuổi vào những công việc khác chứ không riêng gì nhiếp ảnh.
Mình biết khi quyết định như vậy sẽ gặp nhiều trở ngại, ví dụ như thu nhập sẽ không được cao như hiện tại. Nhưng làm nghệ thuật mà, mình không thể đi cùng với nó mãi.
Nghề này đối với mình có độ tuổi nhất định thôi. Đến đúng thời điểm, mình sẽ dừng lại cho những bạn trẻ khác khai sáng thêm nhiều khía cạnh của bộ môn nhiếp ảnh này và có thể đưa nó tiến cao, xa hơn.
Tuổi đời còn khá trẻ nhưng bạn đã nghĩ đến việc dừng lại, bạn có nghĩ bản thân mình hơi lo xa?
Mình cảm thấy bản thân suy nghĩ và quyết định được những gì tốt nhất cho tương lai. Bình dừng lại khoảng thời gian nghệ thuật đỉnh cao để những người từng chụp qua Bình sẽ lưu giữ lại được những thước phim, hình ảnh đẹp nhất, tạo cho mọi người ấn tượng đặc biệt về mình.
Khi quyết định như vậy, bạn có cảm thấy nghệ sĩ tính trong bạn khá cao?
Có thể, như việc dạy học viên cũng vậy. Trước đây, Bình mở lớp để đào tạo các bạn nhiếp ảnh nhưng khi đạt được giới hạn rồi, mình thông báo về sau sẽ không mở thêm lớp nữa.
Quan điểm sống của Bình là khi việc nào mình đã hoàn thành, đã làm đủ tốt rồi thì mình sẽ không làm lại nữa. Sau này, mình có thể sẽ tìm đến một công việc khác để cho bản thân có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống hơn.
Sau này không làm nhiếp ảnh gia nữa thì Bình sẽ làm gì?
Trong tương lai Bình sẽ cố mua được nhà, đón ba mẹ lên ở chung để phụng dưỡng họ. Sau đó, mình sẽ nhận nuôi các bé cún cơ nhỡ, bị bỏ rơ. Hoặc nhiều người không có điều kiện lo cho thú cưng thì mình sẽ nhận các bé về chăm sóc. Song song đó Bình sẽ một cửa hàng bán đồ ăn các thứ cho thú cưng để có thêm ít thu nhập.
Bình nghĩ khi làm việc chăm chỉ như bây giờ thì tới lúc đó mình sẽ không áp lực việc thu nhập nữa. Khi đã đạt được mục tiêu thì sau này mình chỉ mong muốn có được cuộc sống yên bình, thoải mái và nhẹ nhàng hơn.
Phong cách cổ điển hiện tại vẫn rất được ưa chuộng nhưng Bình có nghĩ đến 1 lúc nào đó nó sẽ bị thoái trào và không được yêu mến nữa?
Bình không sợ vì theo mình, gu hiện tại mình chụp sẽ tồn tại được lâu dài. Bình là 1 trong những người khởi xướng nên mình tự cảm nhận được nó sẽ là thể loại hình mà không thể thay thế được.
Hình ảnh cố điển mang theo cảm xúc chân thật và hoài niệm, khiến khán giả có nhiều rung động khi thưởng thức. Điều đó làm giá trị trong phong cách này tồn tại mãi mãi.
Vậy đối với Bình đâu là một tác phẩm thành công, được khán giả đón nhận?
Ảnh hoài niệm để đạt được thành công cần truyền đạt cho người xem được cảm giác yên bình và cảm xúc của nhân vật tốt nhất có thể. Khi khách hàng và cả những người thưởng thức ảnh đều mang một cảm xúc rung động, ấm áp khi nhìn vào tác phẩm đó thì coi như nó đã thành công.
Điều khiến Bình tâm huyết trong nghề nhiếp ảnh là gì?
Tạo ra sản phẩm đẹp, lạ và nó cho mình nguồn cảm hứng tốt trong cuộc sống.
Mình vừa khai thác vừa học hỏi được rất nhiều, ví dụ ở Đà Lạt mình sẽ khai thác tất cả các ngóc ngách nơi này để sau này nhìn lại bộ ảnh đó, nó sẽ mang cho mình những cảm xúc trọn vẹn nhất. Điều đó làm mình vô cùng tâm huyết đối với nghề này.
"Model" đắc lực
Hai bé cún tên Bông và Bụp là trợ thủ đắc lực cho Bình trong các bộ ảnh. Có thời gian, 2 "model" này còn trở thành "hot TikToker", có nhiều fan cuồng trên mạng xã hội.
Hai bé cún Bông và Bụp của bạn nhận được nhiều sự quan tâm, bạn đã nuôi chúng từ khi nào và lý do là gì?
Lúc mới lên Đà Lạt, mình đã suy nghĩ đến việc nuôi một bé cún để có không khí vui vẻ trong nhà, Vì lúc đó mình cũng chưa có bạn bè, người thân bên cạnh nên thấy hơi buồn.
Đầu tiên mình mua bé Bông trước. Sau này làm việc nhiều quá cứ sợ ẻm buồn nên mua thêm bé Bụp để 2 đứa chơi với nhau cho vui.
Cơ duyên nào đã đưa các bé tham gia vào công việc của bạn?
Trước đây, mình không nghĩ cho chúng đi theo chụp hình gì đâu. Mà tại nhiều khi đi chụp khách ở xa nhà, thấy bỏ các bé ở nhà tội nghiệp nên mình đưa theo.
Khi đi như vậy, nhiều bạn khách hàng thấy dễ thương, bồng bế rồi nựng các em nên mình bắt mấy khoảnh khắc đó. Hai bé chó như nguồn cảm hứng mới cho mình. Thay vì cứ chụp như bình thường, có Bông và Bụp vào trông sẽ lạ và dễ thương hơn.
Để các bé chịu ngoan ngoãn chụp hình bạn có phải tốn nhiều thời gian?
Để các model cún là Bông và Bụp có được những khung hình đẹp, mình đã có khoảng thời gian dạy dỗ, gần gũi với chúng, xem chúng như những người bạn. Mình phải thật sự hiểu chúng, biết chúng muốn gì và rèn luyện để có thể dạy chúng phát triển theo hướng tốt nhất.
Khi cho các bé làm model như vậy, Bình đã gặp những vấn đề phát sinh nào?
Có nhiều khách hàng thích chúng lên hình chứ không thật sự yêu chó. Chụp chung mà bạn đó cứ sợ rồi né nhưng vẫn muốn có hình với các em chó. Sau này để tránh các trường hợp như vậy, mình có đưa ra gói book riêng để chụp hình với Bông - Bụp.
Nếu khách muốn và thích chó thật sự thì họ sẽ chấp nhận bỏ tiền để chụp với chúng. Cái này vừa giúp tạo ra giá trị cho các bé mà tụi nó cũng coi như tự kiếm được tiền lo ăn uống (cười).
Bình bắt đầu xây dựng các kênh social từ khi nào và dự định lúc đó của bạn là gì?
Chắc là từ khi có mấy em cún, Bình lập ra để lưu lại những kỷ niệm của các bé. Vì mình biết đến 1 thời gian nhất định thì chúng không còn bên cạnh mình nữa nên đã tạo ra các fanpage, TikTok, YouTube để vừa làm việc và vừa lưu giữ hành trình của các bé bên cạnh.
Đó là mục tiêu ban đầu đưa ra, còn việc kiếm tiền từ social thì có cũng được mà không cũng được vì đó không phải nguồn thu nhập chính của mình. Bình không hoàn toàn bị phụ thuộc vào đó.
Bình có dự định đầu tư, phát triển các kênh social?
Bình phát triển kênh YouTube và mong muốn đạt nút bạc là vui rồi, mình chỉ đơn giản quay cuộc sống hằng ngày và công việc thôi. Về phần đầu tư, chăm chút nội dung thì hiện tại Bình không có nhiều thời gian để làm. Công việc chính của mình là nhiếp ảnh, còn các kênh social mình làm chơi thôi.
Đợt dịch vừa rồi mình rảnh rỗi, có thời gian quay, dựng, sáng tạo nội dung clip nên mọi người biết đến và yêu thích hơn. Đợt đó Bông và Bụp thành hot TikToker luôn ấy, nhưng sau này mình đi làm, không thu xếp được công việc để đầu tư vào đó nữa.
Có thể sau này không làm nhiếp ảnh nữa thì mình sẽ suy nghĩ nhiều hơn về đầu tư các kênh social.
Thời điểm dịch bệnh vừa qua đã ảnh hưởng đến bạn thế nào?
Trước là mình cảm thấy buồn vì không được ra ngoài làm việc. Về vấn đề tiền bạc thì Bình không lo lắm vì trước đó đã kiếm được một số tiền kha khá để có thể lo cho bản thân trong thời gian dài.
Trong mùa dịch, bạn đã cảm thấy bản thân thay đổi những gì?
Trong mùa dịch, vì khá chán nên mình tập trung vào khai thác các kênh social nhiều hơn. Tạo ra các clip giải trí, giải tỏa nỗi buồn cho cả mình và cả khán giả.
Và thời gian đó như 1 khoảng lặng để mình có thể suy ngẫm lại bản thân đã được gì và còn thiếu sót những gì. Biết được điểm yếu thì mình sẽ cố gắng bổ sung, trau dồi để ngày càng phát triển bản thân hơn.
Sở hữu kênh social với hơn 227 nghìn lượt theo dõi, Hiền Nhi là “nhà phê bình thời trang” có sức ảnh hưởng ở Việt Nam. Thế nhưng, cô cho biết bản thân chỉ thích các clip có mức độ viral vừa phải, không cần quá nổi.