Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, các hình thức tuyển sinh đại học đã có nhiều thay đổi. Trước sự gia tăng của tỉ lệ xét học bạ, phải chăng kì thi THPT quốc gia không còn quan trọng?
Nếu cụm từ phương thức tuyển sinh hiện nay là "hot search" với học sinh thì xét tuyển học bạ luôn nắm giữ vị trí top trong danh sách các phương thức tuyển sinh. Không chỉ có sức hút lớn bởi những ưu điểm mà còn an toàn trước biến động của Covid-19.
Lợi ích khi xét tuyển học bạ
Ưu điểm dễ thấy nhất khi xét học bạ là giảm được áp lực thi cử. Có một sự thật là trong mỗi kỳ thi, dù ít hay nhiều thì các thí sinh sẽ gặp những áp lực nhất định, đặc biệt là các kỳ thi mang tính chất quan trọng. Đó là lý do vì sao mọi người vẫn hay nói "học tài thi phận", việc sử dụng thành quả học tập ở cấp 3 sẽ giúp các thí sinh "dễ thở" hơn nhiều.
Nội dung liên quan
Bên cạnh đó, phương thức này còn giúp cho học sinh có thể chủ động lựa chọn tổ hợp môn thế mạnh để xét tuyển. Nhờ vậy, các bạn thí sinh hoàn toàn có thể "rải" học bạ vào nhiều ngành, nhiều trường cùng lúc. Vừa tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học xu hướng vừa chủ động trong việc lựa chọn ngành học phù hợp nhất.
Chính vì thủ tục đơn giản lại mở rộng nhiều cơ hội, thậm chí có thể "rinh" ngay những suất học bổng vô cùng giá trị, các chiến sĩ Gen Z rất ưa chuộng phương thức này. Thực chất thì các trường đại học cũng đang có xu hướng tăng tỉ lệ tuyển sinh thông qua xét học bạ.
Thi THPTQG... hơi tốn thời gian
"Mình thấy đa phần các trường đều có phương thức tuyển sinh riêng phù hợp với điều kiện của từng thí sinh hơn. Vả lại, trong thời kỳ dịch như vậy, ráng "cày" một chút là học bạ đẹp liền nên tội gì không xét học bạ cho đỡ mệt. Thi THPTQG bây giờ chủ yếu cũng chỉ là để xét tốt nghiệp mà phải bỏ cả năm hơn để ôn luyện thì hơi tốn thời gian!".
Đó là những suy nghĩ khá thực tế của bạn Phương Dung, hiện đang là học sinh chuyên Văn trường THPT Lê Hồng Phong.
Cũng đồng quan điểm với bạn cùng trường, Di Bảo còn bổ sung thêm:
"Thật ra thì lên đại học không chỉ có kiến thức mà những kỹ năng khác cũng rất cần thiết như là Word, Excel, PowerPoint, Photoshop... Mình thấy thay vì cứ mãi "quay cuồng" với mấy môn Toán, Lý, Hóa… để thi tốt nghiệp THPT thì nên để thời gian học mấy môn kia sẽ có ích hơn".
Nhìn chung có thể thấy, kì thi THPT quốc gia không còn quá quan trọng với các bạn thí sinh, nhất là những bạn có khả năng và kết quả học tập tốt. Gen Z ngày nay không chỉ đơn thuần chú trọng vào học thuật mà còn muốn học thêm các kỹ năng bên ngoài cũng như đầu tư phát triển bản thân.
Nội dung liên quan
Tạo tính công bằng cho thí sinh
Trên thực tế, không phải tất cả các thí sinh đều có điều kiện học tập và cơ hội xét tuyển như nhau. Sẽ có sự khác biệt rõ rệt giữa học sinh thành phố - nơi được trang bị đầy đủ trang thiết bị và học sinh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa - ngay cả đường đến trường còn là "hành trình gian nan".
Việc các trường đại học lấy điểm thi THPT quốc gia làm kết quả xét tuyển là tạo cơ hội và tính công bằng cho toàn thể thí sinh khắp cả nước. Nó có thể dư thừa với một số bạn nhưng cũng là "cánh cổng đổi đời" của rất nhiều bạn khác.
Khi được hỏi cảm nhận về kỳ thi THPT sắp tới, Hoàng Khanh chia sẻ:
"Mặc dù mình được tuyển thẳng rồi nhưng mình vẫn nghĩ cuộc thi phải được tổ chức tại vì xung quanh mình đâu phải bạn nào cũng đậu nhờ nộp học bạ. Còn chưa kể mấy bạn ở tỉnh, ở quê thì lấy đâu ra cơ hội xét tuyển. Đây là kỳ thi của cả quốc gia để tạo tính công bằng chung và thật sự rất cần thiết".
Trong một phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, về câu hỏi có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia hay không, ông Sơn nói trước hết đây là kỳ thi đã được luật hóa. Bộ thực hiện theo quy định của luật: "Mặt khác, kỳ thi có nhiều tác dụng trong đánh giá chất lượng học tập của học sinh. Hiện nó vẫn là một trong những căn cứ để các đại học tuyển sinh".
Nhìn chung, xét tuyển học bạ là một hình thức tuyển sinh hoàn toàn hợp lý trong thời gian "sống chung với dịch". Vừa tiết kiệm thời gian, an toàn tiện lợi lại có nhiều ưu thế cho học sinh. Tuy nhiên không vì vậy mà tính cần thiết của kỳ thi THPT quốc gia bị bác bỏ.
Nguồn: TH&PL