Tài xế Nguyễn Đức Thịnh cho biết bản thân cắn rứt lương tâm đã quá chén và không làm chủ tay lái và mong mọi người từ vụ việc này, hãy làm chủ tay lái và không sử dụng rượu bia khi lái xe.
Làm việc với Công an thành phố Bắc Giang sáng 4/6, tài xế lái xe Audi Nguyễn Đức Thịnh (trú phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang) thừa nhận đã quá chén với bạn bè trong buổi tiệc chia tay dẫn đến tai nạn chết 3 người vào đêm 2/6.
Chiều ngày 4/6, thượng tá Vũ Văn Tường - trưởng Công an TP Bắc Giang cho biết đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng với Nguyễn Đức Thịnh (35 tuổi, ở phường Ngô Quyền, TP.Bắc Giang) để điều tra về vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Nguyễn Đức Thịnh cho biết sau khi rời buổi tiệc anh ta tiếp tục đi hát karaoke. Khoảng hơn 23h, Thịnh lái ô tô Audi trên đường Hoàng Văn Thụ hướng đi Ngô Văn Cảnh.
Tới khu vực ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ, ôtô va chạm với xe máy do ông Nguyễn Mạnh Hưng (sinh năm 1974, ở phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang) cầm lái chở theo vợ và con gái.
Nội dung liên quan
Thịnh kể khoảnh khắc đó chỉ thoáng qua trong 1-2 giây do xe đang đi với tốc độ cao. Sau cú va chạm, túi khí xe Audi phát nổ khiến tài xế bị choáng. Phía ngoài ô tô tóe lửa, hất văng 3 nạn nhân ra xa.
"Tôi bị choáng, không ý thức được tính nghiêm trọng của vụ việc nên đi vào một con ngõ nhỏ và gọi điện cho người thân báo tin" - tài xế Thịnh nói.
Hai ngày sau khi sự việc xảy ra, Thịnh cho hay anh tâm trạng hối hận luôn thường trực về hành vi của mình.
"Hai ngày qua, tôi không thể ngủ và ăn được gì. Tôi thực sự hối hận và mong mọi người từ vụ việc của mình hãy làm chủ tay lái và không sử dụng rượu bia khi lái xe", nam tài xế nói.
Về trách nhiệm của các bên liên quan, trước hết tài xế ô tô sẽ phải chịu trách nhiệm khi lái xe mà trong cơ thể có nồng độ cồn ở mức rất cao.
Liên quan vụ tai nạn, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã có công điện gửi đến các bộ, ngành về việc chấp hành quy định phòng chống tác hại của rượu, bia.
Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy.
Cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông do vi phạm về nồng độ cồn để nâng cao nhận thức của người dân.
Nguồn: TH&PL