Những sự so sánh đang liên tục xuất hiện giữa những ca sĩ trẻ và cái tên "cộm cán" Hoàng Thùy Linh.
Tối 28/12, Phùng Khánh Linh vừa tổ chức buổi họp báo ra mắt sản phẩm mới mang tên lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Với màu sắc âm nhạc mang thiên hướng dân gian đương đại, nữ ca sĩ này liên tục nhận được những câu hỏi và bình luận về sự tương đồng trong màu sắc âm nhạc đối với Hoàng Thùy Linh.
Điều này cũng bắt đầu làm dấy lên tranh luận rằng, liệu có phải bất cứ ca sĩ nào sử dụng chất liệu mang nét văn hóa dân gian Việt Nam cũng sẽ bị so sánh với Hoàng Thùy Linh khi trước đó Hoàng Duyên cũng đã bị so sánh với đàn chị?
Không phải là người tiên phong, nhưng là người thành công
Đối với dòng nhạc world music, Hoàng Thùy Linh không phải là cái tên đầu tiên làm tại Việt Nam. Để giải thích cho định nghĩa "world music" một cách dễ hiểu nhất, thì đây là dòng nhạc pha trộn giữa những nét melody của phương Đông và nền hòa thanh, tiết tấu của phương Tây.
Từ sự kết hợp đó, những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc này có thể khai thác chất liệu âm nhạc dân gian của các vùng miền, không bó buộc trong phong cách thể hiện mà có thể hòa lẫn các thể loại âm nhạc với nhau.
Ngồi tựa song đào của ca nương Kiều Anh tại Vietnam's Got Talent 2013, Đường xa vạn dặm (2004) và Nguồn cội (2012) của nhạc sĩ Quốc Trung hay trước đó là Tales from Vietnam (1996) đến từ 2 nghệ sĩ Pháp gốc Việt là Nguyên Lê và Hương Thanh đều là những sản phẩm đi theo dòng nhạc World Music.
Điểm chung của những sản phẩm này đều là sử dụng những chất liệu dân tộc như lối hát nảy hạt của ca trù, các làn điệu dân ca quen thuộc,... để tạo ra âm nhạc mang đậm màu sắc bản địa và hoàn toàn có thể đại diện Việt Nam để mang ra thế giới.
Tuy nhiên, vào những năm đầu tiên của thập kỉ 2010, world music chỉ đơn giản là một "sự kết hợp thú vị". Khán giả vẫn dễ thẩm thấu những bản R&B, Ballad với hình tượng ngôi sao đi theo hướng idol Hàn Quốc hơn.
Cho đến khi Hoàng Thùy Linh quyết định thay đổi hình tượng và đi theo dòng nhạc với màu sắc dân gian đương đại này với sản phẩm Bánh trôi nước. Ca khúc nhanh chóng trở thành một trong những sản phẩm viral của năm 2016.
Chỉ bằng việc lặp lại 4 câu thơ của Hồ Xuân Hương trong bài thơ cùng tên, Hoàng Thùy Linh đã thu hút được hơn 46 triệu lượt xem cho sản phẩm này trên nền tảng Youtube. Và đến năm 2017, cùng với việc mang Bánh trôi nước vào thi chung kết So You Think You Can Dance, sản phẩm này trở thành một trong những bài hát được dance cover nhiều nhất trong năm.
Với cách xử lý âm thanh mang thiên hướng nhạc Dance, kết hợp cùng với những đoạn drop chứa nhiều bass và thời gian dành cho vũ đạo, sản phẩm này đã dần xuất hiện trong những dịp lễ hội và những sự kiện của trường học. Với một bài hát đậm chất Việt Nam, dễ hiểu khi những tiết mục dân vũ hay cuộc thi nhảy thường xuyên lựa chọn sản phẩm này.
Sau đó, Để Mị Nói Cho Mà Nghe và album Hoàng của cô chính là cột mốc quan trọng nhất để đóng đinh cái tên mình với dòng nhạc mang màu sắc dân gian đương đại, và nhắc đến dòng nhạc đó chắc chắn phải nhắc đến Hoàng Thùy Linh.
Nữ ca sĩ từng chia sẻ về định hướng của mình trong một bài phỏng vấn như sau: "Hoàng là sự đúc kết trọn vẹn nhất cho hành trình đeo đuổi văn hóa dân gian của tôi kể từ ca khúc Bánh trôi nước. Tôi không muốn chỉ đơn thuần trở thành người khơi mào trào lưu mà không để lại dấu ấn gì sau đó.
Sau 10 năm, tôi tự tin giới thiệu với khán giả về tư duy âm nhạc, định hướng nghệ thuật của mình và cùng họ nhìn lại con người hiện tại cũng như chặng đường trưởng thành của Hoàng Thùy Linh".
Những người trẻ chật vật cùng cái bóng của Mị
Đầu tháng 4 năm nay, trong buổi họp báo ra mắt sản phẩm debut của Hoàng Duyên mang tên Chàng trai sơ mi hồng.
Ở sản phẩm này, Hoàng Duyên cùng ekip không hề lựa chọn việc làm theo những gì Hoàng Thùy Linh đã làm với world music. Đây chỉ đơn thuần là một sản phẩm mang âm hưởng của dân ca cùng một chút country folk giúp bài hát dễ nghe và dễ cảm nhận hơn.
"Dân ca Việt Nam pha trộn với future bass, chill R&B hay folk/country – nghe có vẻ lạ lùng nhưng đó là những gì khán giả sẽ nghe trong chuỗi ca khúc ra mắt của Hoàng Duyên", Hứa Kim Tuyền chia sẻ về sản phẩm này.
Tuy nhiên, với câu trả lời của Hứa Kim Tuyền khi nhạc sĩ anh nhận xét rằng Hoàng Duyên là "sự giao thoa" giữa hai cái tên Amee và Hoàng Thùy Linh. Và cũng từ đó, nữ ca sĩ này liên tục bị đặt lên bàn cân cùng hai cái tên kia.
Hay Phùng Khánh Linh khi trình làng dự án cuối năm - Single lửa gần rơm lâu ngày cũng bén cũng đã phải nhận câu hỏi về việc bài hát này có đoạn drop tương đối giống một bài hát của Hoàng Thùy Linh trước đó.
Để trả lời cho câu hỏi này, Phùng Khánh Linh đã rất thẳng thắn: "Tôi khẳng định bài hát của mình không giống với bất kỳ bài hát nào khác vì tôi là người sáng tác. Đó đã là sự khác biệt rồi. Và tất cả thể loại nhạc sẽ có một vibe giống nhau. Tiếng đàn nhị là điểm chung duy nhất của hai sản phẩm.
Trong nghệ thuật, chỉ có một nghệ sĩ như vậy, giống như ở Việt Nam chỉ có một Hoàng Thùy Linh, một Mỹ Tâm hay một Hồ Ngọc Hà thôi. Và Phùng Khánh Linh cũng là duy nhất".
Rõ ràng, những nghệ sĩ trẻ đang gặp rất nhiều khó khăn khi theo đuổi màu sắc âm nhạc dân gian. Khó khăn không chỉ đến từ cái bóng quá lớn của album Hoàng và cái tên Hoàng Thùy Linh, mà còn đến từ chính nội tại của mỗi người khi phải mang được chất riêng của người nghệ sĩ vào bên trong sản phẩm.
Một vấn đề lớn của người trẻ khi ứng dụng hoặc lấy cảm hứng văn hóa dân tộc vào sản phẩm âm nhạc là thường gây tranh cãi xoay quanh tính thuần Việt. Và không phải âm thanh thuần Việt nào cũng dễ dàng ứng dụng và biến tấu vào nhạc trẻ.
Chính vì thế, sự so sánh giữa những cá nhân với nhau là cần thiết, nhưng không nên quá gay gắt và xét nét tiểu tiết. Có lẽ, chúng ta cần thêm không gian cho những ca sĩ trẻ thử nghiệm những bài hát mang các chất liệu dân gian, văn học vào trong âm nhạc.
Và dù gì đi nữa, rất đáng mừng khi thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều của những sản phẩm mang theo nét văn hóa Việt Nam.
Nguồn: TH&PL