Những ngày qua, người của công chúng và vấn đề làm từ thiện được quan tâm hơn bao giờ hết. Từ một ý kiến trên mạng xã hội đã dấy lên tranh cãi: "Không có nghệ sĩ, thật sự sẽ không còn ai lo cho dân?"
Nội dung liên quan
Khi con người dần bị che mờ bởi hào nhoáng, lượt tương tác "khủng" trên mạng xã hội trở thành thước đo giá trị cho lòng tốt của một ai đó. Những người nổi tiếng tự cho mình "đặc quyền" hơn người, họ đánh giá quá cao bản thân mà quên mất sự chung tay to lớn của cộng đồng.
"Nghệ sĩ giận, không làm nữa" chỉ là thiểu số
Sau khi streamer tỷ phú chia sẻ những câu chuyện xoay quanh nghệ sĩ làm từ thiện và sao kê từ thiện, nhiều vấn đề bắt đầu được mổ xẻ. Dân cư mạng chia làm 2 luồng ý kiến:
1. Ủng hộ streamer tỷ phú, yêu cầu nghệ sĩ minh bạch chuyện sao kê tiền kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ làm từ thiện.
2. Một bên cho rằng cứ ép nghệ sĩ sao kê như thế thì sẽ chẳng còn ai dám làm từ thiện nữa.
Thêm vào đó, Hồng Tú - kiêm quản lý của Huỳnh Lập đăng tải một bài viết liên quan đến việc bão sắp đổ bộ vào miền Trung. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu ở phần bình luận, nam nghệ sĩ và bạn bè không có những phát ngôn "đi vào lòng đất".
Trước phát ngôn này, Hồng Tú nhận sự chỉ trích gay gắt từ netizen vì quá đề cao người nghệ sĩ mà "đạp" nhân dân, những người từng hết lòng hết sức vì đất nước xuống.
"Không có nghệ sĩ thì dân vẫn sống bình thường mà! Chứ mà nghệ sĩ diễn mà không có dân xem thì lúc đó nghệ sĩ mới có gì ý chứ",
"Những chiến sĩ hy sinh thì sao?",
"Trước khi idol bạn tới thì những chiến sĩ quân nhân là người xông pha đầu tiên",
"Bạn làm như chỉ có nghệ sĩ mới đi làm từ thiện. Nhà tôi ở miền Trung năm nào cũng lũ lụt có thấy nghệ sĩ ở đâu? Mà thay vào đó là quân đội, nhân dân, các ngành nghề khác xắn tay vào giúp đỡ nhau. Không có chắc tụi tôi chết",
...
Một người để lại bình luận: "Nếu đợt này bà con miền Trung không được cứu trợ kịp thời bởi thiên tai bão lũ thì chúng ta đã biết nguyên nhân từ đâu rồi phải không các bạn. Còn ai dám đứng ra để đi cứu trợ nữa. Đợt này yêu cầu doanh nhân P.H đích thân đi cứu trợ, và những người đòi sao kê lo".
Đứng trước tranh cãi này, một câu hỏi được đặt ra: Nghệ sĩ giận, không làm từ thiện, người dân sẽ bị thiệt thòi?
Không hề!
Nếu nghệ sĩ có giận, đó chỉ là một số ít. Còn những người trước giờ vẫn minh bạch, rõ ràng thì họ vẫn tiếp tục cống hiến, hỗ trợ người dân. Người dân có thể bị ảnh hưởng một phần vì người nghệ sĩ đó không còn đóng góp từ thiện nữa, nhưng xã hội được nhiều hơn là mất.
Đó là "được" nhìn nhận rõ hơn công việc từ thiện của người nổi tiếng. Khán giả, công chúng có cơ hội đánh giá lại niềm tin bấy lâu với những người có tiếng nói, ảnh hưởng, và xem đây là cơ hội tốt nhằm thanh lọc các nghệ sĩ "pha-ke".
Bản chất của việc làm từ thiện là từ tâm, và bản chất đó dù nghệ sĩ có đứng ra kêu gọi hay không thì nó vẫn ở trong lòng dân chúng. Cách đây 5 năm, một nhân vật nổi tiếng bị dân chúng tẩy chay vì không minh bạch trong chuyện từ thiện, cũng có nhiều ý kiến cho rằng sẽ không ai "dám" đứng ra kêu gọi hỗ trợ. Song, đến nay vẫn có rất nhiều nghệ sĩ đứng ra vận động và được người dân "chọn mặt gửi vàng".
Không thể phủ nhận sức nặng từ việc kêu gọi hỗ trợ của những người nổi tiếng, nhưng điều đó không có nghĩa xã hội sẽ thiệt thòi nếu không có sự kêu gọi của một số nghệ sĩ. Những người bình thường vẫn đi cứu trợ, chẳng qua họ không có ống kính đi theo. Dù là bão lũ miền Trung hay đại dịch Covid, cả nước đều trong tình trạng đoàn kết toàn dân vượt qua muôn vàn thử thách.
Khi người dân cần giúp đỡ, cả xã hội luôn chung tay
Còn nhớ thời điểm gần cuối năm 2020, miền Trung Việt Nam đã phải hứng chịu những cơn bão liên tiếp gây ra đợt lũ lụt trầm trọng. Lúc ấy, cả nước đều hướng về miền Trung với một khát vọng duy nhất là nhân dân được an toàn, không còn gồng mình chống lại bão lũ.
- Hàng loạt doanh nghiệp đứng ra hỗ trợ
Suốt khoảng thời gian lũ lụt năm ngoái, và ngay khi cả Việt Nam lâm vào khủng hoảng dịch bệnh, không thể không nhắc đến sự góp sức của hàng trăm doanh nghiệp từ bé đến lớn.
Với tinh thần hướng về "miền Trung ruột thịt", nhiều doanh nghiệp đã ngay lập tức đứng ra ủng hộ, sẻ chia với đồng bào miền Trung vượt qua trận lũ lụt. Có doanh nghiệp hỗ trợ hiện kim, có doanh nghiệp lại vận chuyển hàng hóa đến tận nơi bão lũ.
- Một số nghệ sĩ không giúp, thì dân tự giúp nhau!
Việt Nam từ bao đời nay đã và đang sống với tinh thần Lá lành đùm lá rách. Thời điểm bão lũ kinh hoàng ấy, những người con đất Việt, dân tộc 3 miền như hòa làm một. Với sự quan tâm tích cực, những người hùng không tên không máu mủ ruột rà cùng lên đường cứu trợ lũ lụt.
Biết bao nhiêu quỹ hỗ trợ, nhóm thiện nguyện đã ra đời với chung một mục đích đồng lòng hướng về miền Trung. Lúc đó, khắp các con đường đến miền Trung đều là những chuyến xe cứu trợ, chỉ cần lướt qua nhau đều có thể mỉm cười và vẫy tay chào.
Hay trong lúc dịch bệnh trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết, không khó để thấy những bạn sinh viên tình nguyện không ngại hy sinh bản thân, không ngại mặc lên người bộ đồ bảo hộ kín mít suốt cả ngày trời với ý chí, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19.
Nội dung liên quan
- Dân chúng còn có chính quyền
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẩn trương đưa ra chỉ đạo về công tác ứng phó với thiên tai, lũ lụt tại miền Trung Việt Nam. Những người có chức vụ cùng cất tiếng kêu gọi đồng bào trong nước lẫn kiều bào ngoài nước tiếp tục phát huy truyền thống "tương thân, tương ái" của dân tộc Việt.
Và không thể không kể đến tầm quan trọng của lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang trong việc hỗ trợ người dân miền Trung. Những chiến sĩ ấy đã không ngại khó khăn, cơ cực mà quên đi sự an toàn của bản thân khi đứng trước những người dân Việt Nam đang gặp gian nguy.
Khi lũ dâng cao, núi sạt lỡ, chính những anh chiến sĩ bộ đội đã đi vào nơi nguy hiểm đó cứu dân. Cũng chính các anh ngày đêm canh gác, ngày đêm cứu trợ. Thậm chí, nhiều cán bộ đã hy sinh trong lũ dữ. Có những gia đình đã mất đi người thân, và có những đứa trẻ đã mất đi bố...
Netizen mong nghệ sĩ hành động xứng đáng với niềm tin của công chúng
- Vẫn còn rất nhiều nghệ sĩ chân chính
Suốt 20 năm qua, MC Quyền Linh được mọi người biết đến là một nghệ sĩ chất phác, luôn tạo điều kiện cho những người khốn khó. Trong suốt hành trình từ thiện, Quyền Linh chỉ đứng ra kêu gọi đúng 1 lần vào đợt cứu trợ miền Trung năm 2020, những lần còn lại đều do anh tự bỏ tiền túi.
Đợt cứu trợ năm trước, chỉ sau 10 phút kêu gọi, MC đã nhận được số tiền quyên góp 2 tỷ đồng. Chính vì vậy, anh quyết định tức tốc đóng tài khoản và lên đường cứu trợ ngay. Cứ nghĩ nhiều tiền quá sẽ làm không xuể, ấy vậy mà số tiền Quyền Linh bỏ ra thật chất lên đến 5 tỷ chứ không chỉ dừng lại ở con số 2.
Sau những chia sẻ về chuyến từ thiện đáng nhớ, công đồng mạng dành nhiều lời khen có cánh cho sự giản dị, tử tế của anh:
"Sự yêu thương và không bỏ lại ai phía sau",
"Làm từ thiện từ cái tâm như Quyền Linh chắc chắn tâm ảnh thoải mái lắm nên anh mới làm được nhiều đến như vậy. Cảm ơn anh",
"Vậy mới đúng. Người đứng ra kêu gọi luôn là người cuối cùng đóng góp để hoàn tất",
...
Không thể không kể đến MC Đại Nghĩa, dù không được tung hô như nhiều cá nhân khác nhưng ít ai lại tận tụy như anh. Nam nghệ sĩ đã có kinh nghiệm làm từ thiện lâu năm, anh lập hẳn một tài khoản ngân hàng chỉ để phục vụ cho công việc thiện nguyện.
Bên cạnh quỹ An vui nhận hỗ trợ quyên góp cho những người khó khăn, anh nhiều lần trích kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động khác như xây cầu, xây trường học, đắp đường...
Ý thức được thiện nguyện là vấn đề nhạy cảm, Đại Nghĩa không ngần ngại cập nhật file sao kê trên trang các nhân dù đã đăng tải trước đây vào năm 2020.
"Khi tôi được niềm tin, sự yêu thương như vậy tôi không muốn làm điều gì phụ lại sự mong đợi của mọi người. Tôi và anh em khi bước vào chương trình nào đó đều đặt cái tâm lên hàng đầu" - nam MC bộc bạch.
Ngoài ra, vợ chồng Lý Hải - Minh Hà cũng bất ngờ được nhắc lại giữa drama "vườn sao kê" nhờ vào việc minh bạch từ thiện. Netizen dành không ngớt lời khen ngợi cho 2 vợ chồng bởi cách hành xử tử tế, cũng như phần nào cho thấy mặt tốt của việc từ thiện ở giới nghệ sĩ.
Social Talk là tuyến bài đặc biệt của . Nơi tác giả thể hiện góc nhìn đa diện, nhiều chiều về các vấn đề đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Mỗi bài viết dựa trên đánh giá chủ quan của tác giả, đồng thời lồng ghép các ý kiến, chia sẻ của cộng đồng xoay quanh tranh cãi.
Nguồn: TH&PL