Nỗi lo thất nghiệp giờ đây đã nhân đôi khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, đặc biệt đối với sinh viên khối ngành Du lịch.
Du lịch - lựa chọn hàng đầu của các sĩ tử mỗi mùa đặt bút đề đạt nguyện vọng
Mỗi mùa tuyển sinh đến, những câu chuyện về việc chọn ngành, chọn trường của các bạn học sinh lớp 12 luôn hút số đông dư luận quan tâm. Các bạn nghe nói nhiều về ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành. Không biết từ khi nào người ta truyền tai nhau "đăng ký ngành Du lịch đi vì ai cũng bảo nó hot".
Cũng chính vì thế, ngành du lịch hầu như là ngành được mở nhiều nhất ở các trường đại học. Thậm chí điểm số của ngành này ngày một tăng và là ngành có điểm số đầu vào cao ngất ngưởng. Chỉ tính riêng điểm chuẩn được ông bố tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM thì điểm chuẩn ngành Du lịch năm nay lên đến 27 điểm đối với khối C, 26.6 đối với D01 và 26.8 đối với D14.
Là thế hệ đề cao chủ nghĩa xê dịch, ưa thích khám phá và trải nghiệm, không quá lạ lẫm khi các bạn trẻ ngày nay chọn Du lịch là ngành học yêu thích của mình. Không phải tự dưng "vì yêu mà chọn", nó còn xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Nhưng chung quy nhất vẫn là ba do sau:
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Bởi có một vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam được đánh giá là điểm đến thu hút nhiều đầu tư kinh doanh du lịch. Trong vòng vài năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành trung tâm du lịch lớn, có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Đây chính là một lợi thế "vàng" dành cho các bạn trẻ bởi sẽ tìm thấy rất nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp từ ngành Du lịch.
Trải nghiệm đa dạng của các nền văn hóa
Bởi đặc thù của ngành là "dịch chuyển" nên các bạn trẻ sẽ có cơ hội đến thăm nhiều vùng đất khác nhau và tìm hiểu văn hóa của từng vùng miền. Với những bạn trẻ yêu khám phá, đó là cơ hội có thêm những kiến thức về văn hóa, đất nước cũng như văn hóa ẩm thực các quốc gia.
"Bạn chọn nên tôi chọn"
"Bạn chọn nên tôi chọn", có lẽ câu nói này đã quá thân thuộc. Chúng ta không thể không phủ nhận mức độ phủ sóng của các ngành hot ngày nay. Bởi lẽ, ngành nào được đông đảo các bạn lựa chọn để theo học là y như rằng đó là nguyện vọng đầu tiên và Du lịch cũng không ngoại lệ.
Liệu rằng, công việc đầu đời của sinh viên ngành Du lịch có thể bị thay đổi hoặc biến mất sau mùa Covid?
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của các ngành, trong đó ngành Du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề. Giờ đây, nỗi lo thất nghiệp càng nhân đôi, đặc biệt đối với sinh viên khối ngành Du lịch.
Do đây là ngành mang tính đặc thù nhất định nên sinh viên trong ngành đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình đi thực tập tại doanh nghiệp trong bối cảnh như hiện tại. Hiện nay, với các bạn học khối ngành Du lịch đang gặp không ít khó khăn. Đa số các môn học của ngành này, sinh viên phải đi khảo sát, thực tập thực tế, thực hành chuyên ngành. Do tình hình dịch Covid-19 nên trong một thời gian dài, hầu như các hoạt động đều bị hoãn lại.
Trong buổi chuyên đề "Quản trị nhân sự khách sạn - góc nhìn thực tiễn" do Khoa Du lịch, Trường ĐH KHXH&NV tổ chức cho sinh viên của Khoa, giám đốc nhân sự khách sạn Sheraton Hotel & Towers, chị Nguyễn Đinh Dạ Cầm đã có những chia sẻ về những thách thức của nhân sự trong ngành khách sạn. Và các bạn sinh viên của khoa đã đặt ra rất nhiều câu hỏi xoay quanh về sự trở lại của ngành cũng như là niềm trăn trở đối với công việc hiện tại.
Do sự tác động của dịch Covid-19, nhân lực ngành du lịch cũng "tan tác" sau dịch. Một thực tế đáng buồn đang diễn ra, nhân lực làm trong lĩnh vực Du lịch bắt buộc phải chuyển sang các ngành nghề khác để mưu sinh. Chính vì điều này làm cho sinh viên ngành du lịch cảm thấy chênh vênh về tương lai của mình sau khi tốt nghiệp.
Bạn Nguyễn Chí Đen, sinh viên năm 4 chuyên ngành Hướng dẫn viên du lịch, khoa Du lịch Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM, cho biết: "Thay vì mọi năm, sinh viên hướng dẫn du lịch sẽ được đến trực tiếp công ty để học văn hóa doanh nghiệp, học việc, đi phụ tour để tích lũy thêm kinh nghiệm. Nhưng dịch bệnh này mình chỉ được lên công ty 1 tháng thôi và còn lại được đào tạo online qua zoom.
Tuy nhiên, vẫn gặp rất nhiều khó khăn mà hầu như sinh viên nào cũng trải qua như chất lượng mạng yếu làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài giảng,... Bên cạnh đó, mình bị hạn chế về mặt thực hành, chỉ tiếp thu được lý thuyết thôi trong khi ngành của mình thì đòi hỏi khá nhiều về thực tiễn".
Bạn Lê Thúy Quỳnh, sinh viên năm cuối chuyên ngành Lữ hành, chia sẻ: "Những địa điểm thực tập hạn chế tiếp nhận sinh viên vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nên thay vì kỳ thực tập diễn ra sau khi kết thúc năm 3 thì bây giờ phải thực tập bằng việc dự chuyên đề. Điều này có nghĩa là bọn mình sẽ không rèn luyện được kỹ năng và tiếp xúc thực tiễn".
Làm thế nào để sinh viên ngành du lịch tránh khủng hoảng tâm lý mùa dịch?
Hiện nay, Việt Nam là nơi đội ngũ trong ngành Du lịch hoạt động chăm chỉ nhất, và đây là quốc gia có tiềm năng khai thác các dự án khách sạn lớn nhất tại châu Á. Nhưng toàn ngành sẽ nhớ đến năm 2020 và năm 2021 như một năm cay đắng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta nâng cấp bản thân, chuẩn bị mọi thứ tốt nhất để trở thành một nhân sự tuyệt vời cho ngành.
Thứ nhất, hãy "bất định" và "hy vọng" để có sự chuẩn bị tốt nhất về mặt tinh thần
Bất định, bởi mọi thứ giờ đây không được chắc chắn, đôi lúc bị lung lay về tương lai của mình khi chọn ngành Du lịch. Tuy nhiên với những tín hiệu đèn xanh của việc tiêm vaccine cũng như sự kiểm soát của dịch bệnh, chúng ta hãy lạc quan và tin tưởng sự trở lại mạnh mã của ngành.
Hy vọng sẽ chính là thứ giúp cho một sinh viên trong ngành dịch vụ sống tích cực hơn mỗi ngày. Trạng thái tâm lý sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bất kỳ một công việc nào. Khi đã cố gắng dũng cảm trong trạng thái bất định, thì chúng ta có quyền hy vọng về mọi thứ một cách tốt đẹp hơn.
Thứ hai, sẽ là sự chuẩn bị về kiến thức và bằng cấp
Theo như chị Nguyễn Đinh Dạ Cầm chia sẻ nhu cầu tuyển dụng của khách sạn hiện nay sẽ có yêu cầu về mặt "được đào tạo chính quy" và điều mà sinh viên cần đáp ứng là "bằng cấp chính quy". Nếu nói bằng cấp chỉ là một tờ giấy thì không đúng, bởi vì học thuật và thực tiễn luôn phải là quá trình song song. Trải nghiệm thực tế cùng kiến thức nền tảng sẽ là chìa khóa cho một sự nghiệp bền vững.
Thứ ba, đó là sự chuẩn bị về kỹ năng mềm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phân bổ thời gian,...
Đối với một nhân lực làm trong ngành Du lịch thì việc chuẩn bị về mặt kỹ năng mềm là quan trọng. Vì ngành dịch vụ là ngành tiếp xúc tương tác trực tiếp giữa con người với con người nên đòi hỏi nhân lực làm trong ngành phải hoàn thiện các kỹ năng mềm. Đối với một sinh viên, việc tham gia vào các hoạt động xã hội, câu lạc bộ đội nhóm. Một kỹ năng quan trọng nhất trong ngành đó chính là kỹ năng ngoại ngữ. Ngoại ngữ chính là chìa khóa thành công của nhân lực làm trong ngành Du lịch.
Mọi thứ sẽ trở lại, chúng ta còn quyền mong ước về một tương lai tốt đẹp hơn. Lạc quan chính là liều thuốc tốt nhất trong thời điểm này.
Nguồn: TH&PL