Người Môi Giới dẫn dắt khán giả từ tội ác đến lòng trắc ẩn về một nhóm buôn người lạ lùng.
"Không nuôi được thì đừng có sinh!"
Đây là câu nói đầy khắc khoải trong Người Môi Giới, khiến bản thân mỗi khán giả khi xem phim phải đắn đo đúng - sai. Đúng là không nuôi được thì đừng nên sinh ra, nhưng liệu có công bằng không khi mạng sống của một đứa bé chưa lọt lòng lại được định đoạt bởi việc "nuôi" được hay không.
Người Môi Giới (tên tiếng Anh: Broker) là bộ phim xoay quanh hành trình đi bán đứa trẻ Woo Sung của nhóm người gồm Sang Hyun (Song Kang Ho), So Young (Lee Ji Eun), Dong Soo (Gang Dong Won) và cậu bé Hae Jin. Hành trình đi "buôn người" của những kẻ gắn mác xấu xa này thật kỳ lạ.
Người Môi Giới tăng thêm tính chính xác khi nói về cách làm phim gia đình có một không hai của Hirokazu Kore-eda. Cho dù họ là gia đình ruột thịt trong Shoplifters hay những nhóm tạm bợ bị ném vào nhau bởi hoàn cảnh và lòng tham như Broker thì tất cả đều mang đến những thông điệp thật tuyệt vời.
Những kẻ buôn người "nhân đạo"
Người Môi Giới là bộ phim thứ hai của Kore-eda "không" Nhật Bản sau The Truth. Với bàn tay của một người có sở trường làm những vở nhạc kịch melodrama về chủ nghĩa hiện thực xã hội cùng thông điệp thấm thía, Kore-eda đã mang lại một câu chuyện đặc biệt của những kẻ buôn người "nhân đạo".
Đúng thế, chẳng có nhầm lẫn đâu!
Họ không phải là tay buôn chuyên nghiệp trẻ sơ sinh ở chợ đen, mà đơn thuần chỉ là những kẻ túng quẫn trước bế tắc cuộc đời. Mục tiêu của của 4 người khác nhau nhưng nhìn chung họ vẫn muốn tìm cho đứa trẻ "bất đắc dĩ" Woo Sung một gia đình thật sự tốt.
Đầu phim với câu nói "Không nuôi được thì đừng có sinh", nghe có vẻ đúng đấy nhưng nó lại âm ỉ và khó lường trong cách xây dựng của đạo diễn. Câu nói như lời tuyên bố đơn giản cho việc ủng hộ hay bác bỏ sự ra đời của một đứa trẻ "không mong muốn", thật không công bằng.
Người Môi Giới sẽ không có những cuộc rượt đuổi chóng mặt, truy bắt tội phạm, tất cả diễn ra nhẹ nhàng. Điểm sáng của phim sẽ được ẩn chứa trong cậu bé Hae Jin - người phá vỡ những khoảng cách về sự nghi ngờ, biến 4 người họ trở thành một gia đình "tạm thời" theo cách tự nhiên. Sự gắn kết của những kẻ buôn người "nhân đạo" đã khiến cho cảnh sát kiên nhẫn hơn, chậm rãi hơn và lý trí hơn bao giờ hết để phân định đúng sai.
Không điều khiển khán giả, không cú twist giật mình cũng chẳng gấp gáp thể hiện cái tôi qua tác phẩm, Người Môi Giới sẽ để cho người xem ngẫm nghĩ và nhận ra rằng sẽ chẳng có thước đo nào đong đếm được tình người. Ngược lại, cũng chẳng có "cục tẩy" nào xóa sạch những sai lầm trước pháp luật.
Không có gì phải vội khi đi tìm điều tốt đẹp
Bắt đầu phim sẽ khiến khán giả nhớ đến Parasite hay The Child với cơn mưa dài như trút nước, So Young bế trên tay một em bé và đi lên những bậc thang. Không gấp rút như Parasite, Người Môi Giới chọn cách diễn tả mọi thứ chậm hơn như cách nhóm người tìm kẻ mua trẻ xứng đáng vậy. Người Môi Giới có thể được ví như một bản nhạc du dương kỳ lạ được dẫn dắt với sự nồng nhiệt vô cùng của Song Kang Ho.
Sự chậm rãi giúp cho người xem có nhiều thời gian hơn để nghiền ngẫm và thấu hiểu được thông điệp của đạo diễn. Người Môi Giới còn cài cắm thêm những chi tiết hài hước làm cho hành trình của nhóm buôn người tươi sáng và đời thường hơn rất nhiều. Một cái nhìn sâu sắc và bất ngờ về Hàn Quốc với chiếc hộp em bé được thể hiện qua cách truyền tải thông điệp "cảm ơn vì được sinh ra" - nó như một câu thần chú về giá trị của mỗi người trong cuộc sống.
Tuy nhiên, nhịp phim chậm có thể khiến những ai nóng nảy có thể bỏ bộ phim giữa chừng. Đó vừa là ưu điểm cũng chính là nhược điểm của Người Môi Giới. Tập trung cao độ vào câu chuyện đi bán Woo Sung nhưng đôi khi phim cũng lệch một nhịp với những phân cảnh không cần thiết điển hình khi cảnh sát Lee trò chuyện cùng ai đó trên xe kể về kỉ niệm của họ. Thực tế, Người Môi Giới có thể gọn gàng hơn cách nó thể hiện, để giảm thiểu sự mệt mỏi cho khán giả.
Có gì đó… Parasite!
Người Môi Giới có những điểm chung với siêu phẩm Parasite bởi thông điệp và hơi thở mà phim mang lại. Một lần nữa thị giác khán giả sẽ được thỏa mãn và trầm trồ với đạo diễn hình ảnh từng góp phần tạo nên thành công của Parasite - Hong Kyung Pyo. Hình ảnh không chỉ đẹp mà còn xúc tích, không vận dụng sự đối lập mạnh mẽ như Parasite, lần này ông chọn cách để khán giả thấy và cảm nhận sự thay đổi trong mỗi nhân vật qua bối cảnh và màu sắc phim. Bên cạnh đó, cách Jung Jae Il mang đến bản nhạc du dương trải dài từ âm thanh đến dàn nhạc góp phần "chữa lành" cho những kẻ buôn người.
129 phút với hành trình bán trẻ của 4 người chậm đến mức sẽ chẳng có tên buôn người nào dám thử. Đặc biệt, một chuyến đi đu quay ở cuối phim thể hiện sự khéo léo của đạo diễn trong việc biến những gì những điều không thể thành có thể.
Sang Hyun ngay lúc này lộ dáng vẻ của người cha an ủi cậu bé Hae Jin đang sợ độ cao, hay Dong Soo chia sẻ với So Young về tuổi thơ mồ côi. Tưởng rằng đến đây, cái kết đã hiện ra rất rõ rằng họ sẽ trở thành một gia đình đúng nghĩa nhưng không.
Một cái kết "song sinh" với Parasite được áp dụng: phạm pháp vẫn phải trả giá, vị tha đúng mức và cũng có những kẻ lách luật để chạy trốn. Một lần nữa Song Kang Ho trở thành kẻ chạy trốn trong Người Môi Giới và đó đại diện cho một lỗ hổng của pháp luật giống như cách ông lẩn trốn trong Parasite.
Người Môi Giới không phải là một tác phẩm hàn lâm, phim vượt ra khỏi những định kiến đúng sai để tạo ra ngoại lệ. Phim sẽ là một cái ôm nhẹ nhàng và xứng đáng cho trái tim vàng của những kẻ tội phạm.
Nguồn: TH&PL